(VTC News)- Câu hỏi bản hợp đồng có thực sự gây thiệt thòi lớn cho bóng đá Việt Nam trong 20 năm tới hay không, chắc chắn chúng ta không thể rõ hơn được những người tạo ra sản phẩm mà không được tham gia bán như 28 CLB
LTS: Chúng tôi xin trân trọng đăng tải bài viết của độc giả Đào Văn Thận như một lời cam kết về mong muốn tiếp tục trở thành diễn đàn mở để người hâm mộ Việt Nam tiếp tục bày tỏ chính kiến của mình về vấn đề bản quyền truyền hình.
Bản hợp đồng có thực sự gây thiệt thòi lớn cho bóng đá Việt Nam trong 20 năm tới hay không?
Thiết nghĩ, đến nay trả lời câu hỏi này đâu khó. Tôi sẽ không nhắc lại những con số chứng minh đã được VPF đưa ra. Đó là những con số biết nói, người hâm mộ bóng đá cả nước đều nhìn thấy cả. Tôi chỉ muốn nói đến hai khía cạnh sau đây:
1. Nếu so với AVG, tôi tin khả năng kinh tế, ý thức chính trị và khả năng kỹ thuật, nhất là kinh nghiệm đồng hành lâu năm với bóng đá Việt Nam của VTV và VTC cả hiện tại và tương lai sẽ hơn hẳn, hơn vượt trội AVG. Nhiều công ty tư nhân rất thành đạt, đóng góp nhiều cho lợi ích kinh tế của nước nhà. Điều đó là hiển nhiên. Về khách quan, tôi tin AVG cũng có thể như thế.
Nhưng trong trường hợp cụ thể này, chắc anh Vũ cũng phải nhất trí với tôi rằng, nếu độ tin cậy của công ty anh là có thì cũng không thể sánh bằng VTV, VTC được. Về lý thuyết, một công ty tư nhân có thể nay còn mai đã mất, thậm chí là phá sản nhưng không ai nghĩ viển vông như thế với VTV và VTC. Thế là một thiệt thòi cho nền bóng đá nước nhà từ quyết định chọn đối tác của VFF. Đó là cái thiệt thứ nhất.
2. Hãy nghe lý giải của VFF, tại sao họ chọn AVG và chỉ chọn AVG. Ta sẽ thấy lý do họ đưa ra có đúng và thỏa đáng hay không. Theo VFF, họ chọn AVG vì trước đó các nhà đài khác luôn gây khó, lại chi tiền thấp, không như làm việc với AVG, thấy lợi hơn hẳn. Lập luận như vậy là không biện chứng. Cứ cho là các nhà đài (VTV, VTC) trước đó đã làm cao, gây khó và chi tiền thấp kém so với nếu làm hợp đồng với AVG là có thật. Về ý này, tôi tin vào VFF. Nhưng đó là sự làm cao, là thái độ không bình đẳng của các nhà đài trong môi trường không có sự cạnh tranh. Khi một mình một ngựa mà không thế mới là lạ. Hãy tạo sự cạnh tranh, tránh độc quyền thì mọi sự tất sẽ khác. AVG rất tự tin trong cuộc chiến bản quyền truyền hình (Ảnh: Quang Minh)
Thực tế, khi có AVG nhẩy vào thì thái độ và quyết định của VTV và VTC khác hẳn. VFF còn có anh Dũng, các CLB còn có anh Thắng, anh Đức, anh Kiên … là những cây đa cây đề trong kinh doanh tại sao không ngồi lại cùng bàn bạc dân chủ với nhau để nhìn cho thấy cái khách quan hiển nhiên này rồi đưa ra bài toán cho AVG, VTV, VTC … cùng cạnh tranh một cách công khai, bình đẳng để chọn ra đối tác tốt nhất (khả năng đồng hành lâu dài, khả năng kỹ thuật, khả năng kinh tế, kinh nghiệm …) để ký hợp đồng, mà lại chọn ngay tắp lự AVG ?
Tôi không muốn nhắc lại con số mà VPF nêu nếu chọn VTV sẽ đem lại lợi ích to lớn, độ tin cậy cao cho bóng đá Việt Nam như thế nào. Việc đó, khi cần sẽ có các nhà kinh tế cỡ anh Dũng, anh Thắng, anh Đức, anh Kiên và các anh ở VFF tính toán, cân nhắc và lựa chọn. Cái chính là VFF duy ý chí, định kiến với quá khứ, nên không không tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các các đối tác. Kiểu xét một, chọn một là tự chém vào lợi ích chính đáng của VFF, VPF, các CLB và quan trọng là quyền lợi tối cao của người dân. Đó là cái thiệt thứ hai, cái thiệt rất lớn về lợi ích kinh tế đối với bóng đá nước nhà.
Chưa hết AVG và VFF còn cao giọng giải thích rằng, từ sau khi ký hợp đồng, sự phục vụ người dân là hơn hẳn trước kia. AVG và VFF lấy đó chứng minh hùng hồn rằng, VFF còn ký với ai hơn được ký với AVG? Xin thưa, các anh quá ngây thơ (hay giả bộ ngây thơ?) khi cao giọng như thế. AVG tuyên bố hỗ trợ tối đa cho thể thao VN (Ảnh: VSI)
Xin hỏi, một hợp đồng dài 20 năm, ai bảo rằng sau 3 năm đến 5, 6 năm đầu họ nhả câu, còn sau này (theo lợi ích tất yếu của nhà thầu) họ vẫn vô tư nhả như hiện nay. Không ai tin và không ai ngây thơ như các anh để tin được rằng trong 15, hay 10 năm còn lại của hợp đồng đối tác lại không “bóp” người hâm mộ, VFF, các CLB và các nhà đài? Tôi có cơ sở để tin rằng chỉ cần sau đây ít năm thậm chí chỉ là một, hai năm tình hình sẽ khác hẳn. Nói thật, khi đó tôi không tin là AVG sẽ không làm gì để có thể đòi lại đủ cái mà họ mất, do đã rộng tay như hôm nay.
Nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói đơn giản hơn, nền kinh tế phải chịu sự chi phối của thị trường nhưng phải có sự điều tiết của nhà nước, cơ quan quản lý để đảm bảo phục vụ cộng đồng. Kinh doanh truyền hình bóng đá, thể thao cũng không là ngoại lệ. Bây giờ và sau này nếu yêu cầu vì một sự kiện trọng đại nào đó, cần phục vụ phi kinh tế cho đồng bào cả nước, liệu hỏi AVG có sẵn sàng không? Họ làm được một lần hay luôn sẵn sàng phục vụ nhiều lần như thế, cái đó chưa biết vì không chắc. Nhưng với VTV, VTC thì họ sẽ phải làm, vì đó là nhiệm vụ chính trị. Nhiều hợp đồng, nhiều lĩnh vực, làm việc với tư nhân linh hoạt hơn, lợi ích kinh tế hơn nhưng riêng trường hợp này thì không thế.
Sau cùng, câu hỏi bản hợp đồng có thực sự gây thiệt thòi lớn cho bóng đá Việt Nam trong 20 năm tới hay không, chắc chắn chúng ta không thể rõ hơn được những người tạo ra sản phẩm mà không được tham gia bán như 28 CLB. Về vấn đề này, chúng ta phải tin, có cơ sở logic để tin ông Kiên, ông Đức, ông Thắng, các CLB và VTV, VTC … vì đó đều là những nhà kinh doanh, không nói giỏi hơn nhưng chắc không kém hơn VFF, AVG nhưng quan trọng, họ là những người trong cuộc.
Đặt lại vấn đề với VFF và thanh tra Bộ VH-DL-TT
Sau tất cả những thiệt thòi lớn như đã nói ở trên, tôi tin là VFF biết. Nhưng tại sao VFF lại đưa ra quyết định chỉ xét một, chọn một chứ không tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong chọn đối tác để dành phần lợi về cho mình, cho các CLB và sau là cho người hâm mộ? Cái sự thật tưởng như khó hiểu ấy, đến đây lại trở thành cái dễ hiểu. Về VFF hiện nay, không cần phải phải nói nhiều.
Với đoàn thanh tra Bộ VH-TT-DL tôi muốn trao đổi thẳng thắn thế này. Việc ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình của VFF cho AVG, đem lại những thiệt hại to lớn nhìn thấy rõ như thế, cách chọn đối tác lập lờ như thế, tôi tin các anh càng biết rõ hơn, vì qua báo, đài, dư luận phân tích một thời gian dài. Thế tại sao các anh không thanh tra cái yếu tố này, cái yếu tố quan trọng số một, cần các anh phải thanh tra? Người hâm mộ đặt dấu hỏi về trách nhiệm thanh tra của Bộ VH-TT&DL (Ảnh: Q.M)
Có ý kiến cho rằng, việc hợp đồng ấy có lợi hay không đấy là việc nội bộ của VFF-VPF và AVG, thanh tra Bộ chỉ cần xác định nó đúng luật hay không mà thôi. Tôi lại nghĩ khác. Nếu chỉ thanh tra hợp đồng VFF-AVG ký có đúng luật hay không chắc Thủ tướng đã không yêu cầu Bộ VH-TT-DL qua đó bộ giao cho thanh tra của Bộ tiến hành thanh tra, kết luận. Đơn giản vì việc ấy để khách quan Thủ tướng đã giao cho cơ quan luật pháp khác. Nhưng cái chính cần thanh tra ngoài chuyện đúng luật hay không, còn phải thanh tra cái lợi ích và phản lợi ích của những người làm bóng đá, 28 CLB và người hâm mộ bóng đá cả nước trong cái hợp đồng kia để có hướng giải quyết tích cực.
Phần khác, nếu đó là ý trong câu trả lời của cấp cao nhất ngành thanh tra bộ VH-TT-DL thì hết sức bất ngờ. Vì sao? Cơ quan thanh tra của bộ sinh ra là để phục vụ ai. Việc thanh tra hợp đồng đúng luật hay không, đâu chỉ có các anh. Nếu các anh không làm thì cơ quan luật pháp khác sẽ làm. Nhưng thanh tra để bảo vệ quyền lợi cho người lao động làm nghề đá bóng thì giao cho ai tốt hơn giao cho các anh? Thanh tra Bộ khác nói thế còn không ổn nữa lại là ông chánh thanh tra của chính Bộ VH-TT-DL, cơ quan quản lý cao nhất của thể thao văn hóa nước nhà. Câu trả lời khiến tôi liên tưởng đến câu trả lời các nhà báo và dư luận cả nước của ông chủ tịch huyện Tiên Lãng và chủ tịch xã Vinh Quang mới xảy ra tháng trước.
VFF đến bao giờ mới lấy lại được niềm tin trong mắt người hâm mộ
(Ảnh: Quang Minh)
Đọc báo mạng tôi thấy có ý nói, trong hợp đồng có việc thỏa thuận cần sự phê duyệt của cơ quan cấp trên có thẩm quyền, đây là sự thỏa thuận chỉ của hai bên, với pháp luật không yêu cầu. Xin thưa về ý này, nếu đúng là ý thanh tra bộ nói, thì tôi còn bất ngờ gấp bội lần so với bất ngờ đã nói ở trên. Vì sao vậy? Vì một hợp đồng, suy cho cùng cũng đều là sự thỏa thuận tự nguyện của hai bên về mọi điều khoản ký kết. Có nhiều điều khoản chỉ có sự ràng buộc cho hai bên chứ luật pháp không yêu cầu.
Bất cứ một hợp đồng nào cũng đòi hỏi sự chắt chẽ trong từng điều khoản và câu chữ. Không cần thiết thì không ghi. Đã ghi vào là phải bắt buộc thực hiện, dù luật pháp không hề yêu cầu. Không thể có chuyện điều này không thực hiện không sao, điều kia không thực hiện không được. Một giao kèo viết tay như thế cũng không được chứ đừng nói rằng, đây là hợp đồng kinh tế chịu sự chi phối của nhiều điều luật nhà nước.
Đây lại là thỏa thuận về nguyên tắc thực hiện. Trong trường hợp này, nếu không có sự phê duyệt của cơ quan cấp trên, hợp đồng sẽ không có hiệu lực thực hiện.
Chuyện của AVG
Với AVG, mục đích của họ muốn lần thanh tra này đương nhiên là để kết luận hợp đồng mà họ đã ký với VFF là đúng luật. Nhà kinh doanh nào, trong trường hợp này cũng đều muốn thế. Theo dõi diễn tiến sự việc, ta thấy đây là sự thay đổi lớn về thái độ và xác định vị trí của VPF của AVG. Chưa nói lý do của sự thay đổi thái độ này. Cho dù thế nào thì đây cũng là việc làm cần thiết, dù chậm còn hơn không.
Nhưng lẽ ra, họ phải làm việc này ngay từ đầu. Xưa nay, ai thắc mắc ta, thì ta gặp nói chuyện cho hiểu nhau, thậm chí đối chất cũng là chuyện bình thường. Nhưng từ chỗ không cần (có thể là họ tin vào sức mạnh của sự ủng hộ của VFF, cơ quan cấp trên của VFF chăng?) tại sao nay họ cần thế. Từ việc này, tôi lại nhớ đến buổi gặp gỡ của K+ với đại diện cổ động viên bóng đá Việt Nam, ông Nguyễn Đức Trung. Cuộc họp đã thành công. Tôi mong bài học đó được lặp lại một lần nữa.
Với AVG tôi chỉ muốn nhắc lại một ngạn ngữ của phương Tây. Vâng, bắt đầu không bao giờ muộn, chỉ sợ biết mà chưa bắt đầu.
Đào Văn Thận
Bình luận