Mới đây nhất, bằng chứng về sự tồn tại của người tuyết lại trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi một người leo núi phát hiện ra những vết chân kì lạ trên tuyết ở khu vực hẻo lánh và nguy hiểm ở gần biên giới Tây Tạng. Người tuyết gần như có tồn tại và vẫn đang trú ẩn ở một nơi nào đó trên trái đất.
Các báo cáo về "người tuyết" đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ qua. Nhiều cư dân địa phương và các nhà thám hiểu từng tuyên bố đã mặt đối mặt với con quái thú này. Lần gần đây nhất, truyền thuyết về người tuyết được nhắc đến là ở ngôi làng hẻo lánh Chendebji.
60 năm trước, nó là một ngôi làng biệt lập và đói nghèo. Dân làng phải lặn lội lên rừng kiếm củi cũng như thả bò và dê trên những bãi cỏ. Khi leo lên sườn núi, dân làng Chendebji thường bắt gặp dấu chân to bất thường khiến họ sợ hãi. Bà cụ Pem vẫn nhớ như in cảm giác khi lên rừng lấy củi bắt gặp những dấu chân to bất thường của người tuyết. Bà chạy thục mạng về nhà không dám nhìn lại đằng sau. Khi bà mô tả dấu chân cho cha nghe, ông nói rằng đó đúng là dấu chân của người tuyết bởi nó hướng mũi về phía sau, không giống như dấu chân con người.
Ở Bhutan, nhiều người tin rằng người tuyết đi giật lùi để đánh lừa những kẻ săn lùng chúng. Một niềm tin phổ biến khác là người tuyết không thể cúi gập người. Những căn nhà truyền thống của người Bhutan có ô cửa nhỏ, ngưỡng cửa nâng cao và dầm đỡ cửa ra vào thấp buộc bất cứ ai khi bước vào nhà của người Bhutan đều phải nhấc cao chân và cúi đầu thấp xuống. Chính vì thế, nó ngăn không cho người tuyết có thể bước vào nhà.
Còn cụ ông 73 tuổi Kama Tschering thì mô tả người tuyết mà ông được nghe từ hồi bé thế này: “Lông của người tuyết giống như lông khỉ nhưng tay và chân lại giống con người rất to. Người tuyết có tóc rậm và dài phủ xuống đến tận ngực". Vị vua thứ 3 của Bhutan đã dẫn một đoàn thám hiểm tìm kiếm người tuyết. Nhà vua căn dặn binh lính nên chạy thấp người xuống nếu nhìn thấy người tuyết bởi vì nó không thể nhìn thấy họ vì mái tóc dài che phủ tầm nhìn.
Nhà vua cũng bảo rằng khi chạy hướng lên núi, tóc người tuyết bay về phía sau cho nên chúng dễ tóm bắt con người. Một nhóm đàn ông lên núi tìm loại cây đặc biệt dùng để khắc mặt nạ. Khi người tuyết xuất hiện và săn đuổi họ thì một người trong nhóm sau đó đã biến mất. Do người này ẩn nấp trong một căn nhà nhỏ được dùng làm nơi thiền định.
Người ta cho là người tuyết đã đập phá căn nhà và làm sập các bức tường. Người đàn ông kia không bị người tuyết ăn thịt mà bị giết một cách thê thảm. Cơ thể người này bị xé làm nhiều mảnh và vung vãi khắp nơi. Người cuối cùng ở làng Chendebji được cho là đã nhìn thấy người tuyết là anh Norbu.
Norbu cho biết, cách đây 20 năm khi chăn bò trên núi, anh nhìn thấy một dấu chân và những dấu hiệu cơ thể của một người tuyết để lại trên mặt tuyết. Lúc đó Norbu chỉ mới 18 tuổi. 5 năm sau đó, Norbu lại phát hiện một cái hang làm bằng những thanh tre đan lại.
Norbu kể: "Người tuyết bổ những cây tre, đan chúng lại thành hình dạng bán nguyệt và cắm các đầu thanh tre xuống đất. Người tuyết ngủ trong cái hang đó. Tôi có thể nhìn thấy những dấu vết mà người tuyết để lại bên trong cái tổ này".
Dù sao, những “chứng cứ” kể trên vẫn chỉ là những câu chuyện đồn đại, thậm chí bị cho là thêu dệt. Cho đến hồi tuần trước, những bằng chứng xác thực được hơn về những dấu chân kì lạ của người tuyết mới thực sự thuyết phục những nhà nghiên cứu. Trekker Steve Berry là một người mê leo núi.
Trong một lần đơn thương độc mã leo lên đỉnh núi Gangkhar Puensum ở Bhuta, anh phát hiện ra những dấu chân to hơn con người, đi thẳng tắp. Anh chụp ảnh lại những bức hình này và đem về. Những người dân bản địa nói rằng, nơi mà Berry tới rất hẻo lánh, hầu như ít ai có thể leo tới một trong những đỉnh núi cao nhất thế giới ấy.
Quan sát tấm hình mà Berry đem về, tất cả đều khẳng định đây rất có thể là dấu chân người tuyết. Những động vật di chuyển bằng 4 chân thì không để lại dấu vết như vậy. Con người thì càng khó hơn vì bàn chân to và in sâu xuống tuyết như thể có một lực nặng đặt lên. Những người dân địa phương thì khẳng định, nhóm người của Berry là những người đầu tiên leo được lên đỉnh núi nên chắc chắn đó không phải là dấu chân người. Berry kể rằng anh đã từng được gặp người tuyết cách đây 11 năm trên một ngọn núi tương tự ở Nepal.
Anh mô tả: “Đối diện cách xa tôi là một con vật to lớn gớm ghiếc. Lông của nó xù xì màu nâu và khuôn mặt giống chó nhưng lại có chiều cao của một con người. Tôi vội vã rời đi vì sợ nguy hiểm nhưng nó cũng không đuổi theo”. Những thông tin kèm hình ảnh xác thực của Berry đã khiến các nhà thám hiểm đặc biệt là kênh truyền hình Channel 4 cảm thấy hứng thú.
Họ quyết định sẽ cùng một nhóm chuyên nghiệp quay lại Bhutan vào giữa năm 2016 để truy tìm tung tích người tuyết. Sự tò mò đã khiến con người theo đuổi người tuyết hơn một thế kỉ qua. Và giờ, có vẻ như câu trả lời sắp đến gần khi người tuyết ngày càng thực tế, thật hơn với thế giới của con người.
Người tuyết là sinh vật lai giữa gấu Bắc cực và gấu nâu?
Trong truyền thuyết, người tuyết Yeti được biết đến là một sinh vật khổng lồ, đầy lông lá, đi lại giống con người. Rất nhiều giả định đã được đưa ra nhằm lý giải về sinh vật bí ẩn này. Giáo sư Bryan Sykes đến từ Đại học Oxford (Anh) đã tiến hành kiểm tra ADN của các mẫu lông của 2 sinh vật người tuyết, một được tìm thấy ở khu vực Ladakh, phía tây dãy Himalaya và thuộc miền bắc Ấn Độ và mẫu còn lại từ Bhutan, cách đó gần 187km về phía đông.
Các kết quả thu được sau đó được đem so sánh với hệ gen của các sinh vật khác trong kho dữ liệu về tất cả các chuỗi ADN từng được biết đến cho tới nay.
Giáo sư Sykes rốt cuộc đã phát hiện ra sự trùng khớp ADN 100% giữa mẫu lông của các sinh vật bí ẩn trên với mẫu xương hàm của một loài gấu Bắc cực cổ xưa ở Svalbard, Na Uy. Mẫu vật cổ có niên đại cách đây khoảng 40.000 - 120.000 năm, thời điểm khi gấu Bắc cực và gấu nâu có họ hàng gần gũi bắt đầu phân tách thành các loài khác nhau. Giáo sư Sykes tin rằng, người tuyết thực chất là sinh vật lai giữa gấu Bắc cực và gấu nâu. Vì các mẫu mới phát hiện thuộc về những sinh vật vẫn sống gần đây, nên ông nhận định, sinh vật lai vẫn đang cư trú trên dãy Himalaya.
Nguồn: Nhã Tử(Tuổi trẻ và đời sống)
Bình luận