• Zalo

Về làng làm hương trầm độc nhất ở Việt Nam

Thời sựThứ Ba, 04/02/2014 02:49:00 +07:00Google News

Quỳ Châu (Nghệ An) không chỉ được biết đến nhờ đá đỏ, mà còn nhờ loại hương trầm nổi tiếng.

Khai sinh nghề hương trầm

Huyện Quỳ Châu (hay còn gọi là Phủ Quỳ) nằm ở miền Tây xứ Nghệ, vốn nổi tiếng khắp cả nước với nghề làm hương trầm. Tuy vậy, nguồn gốc xuất xứ của làng nghề này thì đến nay, chưa có ai biết chính xác được.

Theo ý kiến của đa số người đi trước, nghề làm hương ở vùng Phủ Quỳ được bắt nguồn từ những người miền xuôi. Ban đầu, họ lên miền sơn cước này cũng chỉ với dự định lập nghiệp.
Từ chỗ làm vườn, phát rẫy, họ phát hiện ra rừng và đất Quỳ Châu, Quế Phong... có một vùng nguyên liệu dồi dào cho nghề làm hương nói chung và nghề “xe” quấn hương trầm nói riêng. Từ đó, nghề làm hương với hương trầm chính hiệu Quỳ Châu trở nên nổi tiếng.
Các "nghệ nhân" đang quấn hương trầm.
Hương trầm được “xe” quấn chặt bằng giấy bản, dài cỡ 1m, loại đặc biệt, hoặc ngắn độ 50cm, đối với loại thông dụng.
Nhưng dù ở kích cỡ nào thì hương đều có chung một đặc điểm: cháy đượm, khói mỏng có mùi thơm dịu ngọt, tàn hương uốn cong tròn tuyệt đẹp.
Để có những búp hương trầm thơm ngát Quỳ Châu, những người làm hương phải cầu kỳ chọn lựa nguyên liệu rất kỹ.
Ngay từ mùa hè, họ đã đi khắp vùng để đặt mua rễ cây hương bài, một loại cây thuộc loài thảo mộc, lá dài xanh ngắt thường mọc thành từng bụi để làm nguyên liệu chính. Bộ rễ chùm dày được đưa về phơi khô nghiền nát thành bột và có mùi thơm dịu.
Chị Lê Thị Lài, ở thị trấn Quỳ Châu, cho biết chị làm nghề đã 40 năm nay. “Tôi rời quê hương Hưng Nguyên lên đây khi mới 15 tuổi. Hồi đó, ở Quỳ Châu vẫn là vùng đất hoang sơ, cuộc sống vất vả lắm.
Lúc đầu gia đình tôi nhờ có biết chút ít về nghề cuốn hương ở dưới xuôi nên thử làm để tăng thêm thu nhập. Sau này thấy nguyên liệu dồi dào, mùi vị lại độc đáo nên gia đình tập trung phát triển, từ đó làm hương trầm trở thành nghề gia truyền của gia đình”.

Ngửi mùi Tết từ xa

Người ta có thể ngửi thấy một mùi hương thoang thoảng, dịu nhẹ bao quanh làng nghề hương trầm khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu.

Bà Lê Thị Hương, chủ một cơ sở sản xuất, cho biết: “Làm nghề này không mệt nhọc, nhưng đòi hỏi phải kiên trì, cầu kỳ; đặc biệt là phải nắm và làm đúng kỹ thuật.
Thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu cũng đòi hỏi rất lâu dài, đến cả năm trời.  Đặc biệt phải làm theo thứ tự từng bước một chứ không thể bỏ qua bước nào, vì như thế sản phẩm sẽ không đẹp, không thơm, không đạt tiêu chuẩn”.
Các em học sinh cũng tham gia làm hương.

Người dân trong làng nghề cho hay, nguyên liệu quan trọng nhất của hương trầm là rễ cây hương được chuẩn bị từ mùa hè. Ngoài ra, trong nguyên liệu làm hương trầm còn có thảo quả, hoa hồi, lá quế khô, trầm xơ, bã mía và một vài thứ phụ gia đặc biệt được giữ kín khác.

Tất cả mọi thứ đều được phơi khô xay nghiền thành bột mịn, trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định thành bột hương. Người ta dùng cây nứa già có sẵn ở vùng này, sau khi chặt về, tùy theo từng kích thước loại hương, các chủ cơ sở sẽ cưa kích thước phù hợp rồi đem ngâm nước chừng 3 đến 4 tháng sau đó đem phơi khô, rồi chẻ nhỏ làm “chu” (dùng để quấn hương).

Sau khi phơi khô sẽ đến quy trình quấn hương. Các nghệ nhân giữ bí quyết quan trọng trong công đoạn này để cho một cây hương cháy đều, tàn hương sau khi cháy còn nguyên, với dáng uốn như lò xo tạo thành hình số sáu tượng trưng cho cái lộc mùa xuân tràn trề về với mọi nhà.


Hương sau khi quấn xong được xếp vào kho chờ các đại lý bán lẻ đến mua.
Bình luận
vtcnews.vn