Chợ đen lách luật
Cách đây vài tháng, tờ Guardian thực hiện một phóng sự theo kiểu “camera giấu kín” về thị trường vé chợ đen tại Anh. Thông qua hai trang web Viagogo.com và Ticketbis.net, phóng viên của Guardian được tiếp xúc trực tiếp với dân phe vé chuyên nghiệp để mua được những tấm vé xem các trận đấu của giải Ngoại Hạng Anh, thậm chí cả Europa League và Champions League với giá cao gấp vài lần mệnh giá thực.
Ở Anh, việc mua đi bán lại vé trên chợ đen, hay còn gọi là thị trường thứ cấp, mà không được sự cho phép của ban tổ chức trận đấu, các câu lạc bộ hoặc tổ chức được ủy quyền là hành vi bất hợp pháp. Các điều luật về chuyển nhượng vé được ban hành từ năm 1994 nhằm hỗ trợ kiểm soát khán giả đến sân, tránh xảy ra các sự cố như thảm họa Hillsborough.
Tuy nhiên thị trường chợ đen vẫn hoạt động rất tấp nập ngay cả ở xứ sương mù thông qua những tổ chức trung gian được đăng ký và có trụ sở ở ngoài nước Anh. Ticketbis (thuộc sở hữu của công ty StubHub) và Viagogo là hai trong bốn trang web được gọi là Big Four của thị trường vé chợ đen, bên cạnh hai “ông lớn” khác là GetMeIn và Seatwave.
Những công ty này không phạm luật, vì không sở hữu, định giá hay trực tiếp bán vé chợ đen. Các trang web của nhóm Big Four kể trên chỉ hoạt động như một nền tảng thương mại điện tử kiểu C2C, bản chất là công cụ kết nối người mua và người bán với nhau.
StubHub thậm chí còn cao tay hơn khi ký hợp đồng với một số đội bóng của giải Ngoại Hạng Anh, trong đó có Tottenham Hotspur để được ủy quyền làm đơn vị phân phối vé thứ cấp. Đây là một dịch vụ do các CLB xứ sương mù mở ra để hỗ trợ các cổ động viên chuyển nhượng lại vé một cách hợp pháp, trong đó đối tượng chủ yếu là các fan trung thành sở hữu vé cả mùa nhưng không thể dự khán đầy đủ các trận đấu.
Đội bóng ở Bắc London bị các hội cổ động viên chỉ trích khá nhiều khi ký hợp đồng với StubHub. Với việc được CLB ủy quyền chính thức, việc mua đi bán lại vé thông qua StubHub trở nên hợp pháp đối với các cổ động viên Tottenham. Điều quan trọng để StubHub biến Ticketbis thành sân chơi của dân phe vé chính là việc họ không kiểm soát mức giá và số lượng vé mà các thành viên rao lên trang web.
Chính vì sự thả lỏng được cho là có ý đồ của các công ty như vậy, các cổ động viên phải trả số tiền gấp vài lần giá thực tế để được trao tay những tấm vé ở ngoài sân vận động trước giờ thi đấu. Riêng những trận như Chung kết UEFA Champions League, giá vé có thể được đội lên vài chục lần, nhưng tất nhiên vẫn có người mua.
Phe vé 4.0
Những trang web như Viagogo hay Ticketbis từ lâu đã được coi là chợ đen chứ không phải dịch vụ hỗ trợ cổ động viên. Khách hàng “ruột” của họ chính là dân phe vé. Thậm chí tờ Mirror từng thâm nhập vào một cuộc họp theo kiểu “tri ân khách hàng” của StubHub với những phe vé chuyên nghiệp ở Anh, được gọi là “agent” hay “tout”.
Ở châu Âu, đặc biệt là Anh, việc kiểm soát thông tin vé được thực hiện chặt chẽ hơn nhiều so với Việt Nam. Tuy nhiên phe vé, bằng cách nào đó, vẫn gom được số lượng lớn vé lên tới hàng trăm chiếc mỗi trận đấu. Trong phóng sự của Guardian được nhắc đến ở trên, tay “agent” còn khoe rằng anh ta có thể đáp ứng nhu cầu mua vé với số lượng bao nhiêu cũng được, trận nào cũng có.
Nguồn vé của những “agent” này chính là những… cổ động viên trung thành của các CLB, những người sở hữu vé cả mùa giải. Không phải ai cũng đủ điều kiện đến sân theo dõi tất cả các trận đấu, và họ sẵn sàng cho mượn tấm vé của mình khi không sử dụng để kiếm lại chút ít “hoa hồng”.
Đó là phe vé dạng truyền thống. Cách thu gom vé kiểu này là thủ công và hơi vất vả trong thời đại 4.0. Dân phe vé trên thế giới bây giờ hoạt động bằng công nghệ cao.
Julien Lavalee, một thanh niên trẻ tuổi sống ở Quebec, Canada, là một phe vé 4.0 bị lộ danh tính vào năm 2017. Chỉ bằng một vài thao tác trên máy tính, Lavalee mua xong 310 ghế trong vỏn vẹn 20 phút sau khi mở bán vé một liveshow của Adele. Trong khi đó, một fan thông thường với chừng ấy thời gian cùng lắm cũng chỉ làm xong 2-3 lượt điền thông tin mua vé, mà số lượng cũng bị hạn chế theo quy định của ban tổ chức.
Trên thực tế, công cụ hỗ trợ phe vé gom vé trực tuyến có đầy trên mạng và được cung cấp bởi chính những công ty như StubHub. Riêng đội ngũ phe vé của StubHub, trong đó có những người được trả tiền để làm việc toàn thời gian cho công ty này, được hỗ trợ một phầm mềm giúp họ vượt qua được những rào cản kỹ thuật như Captcha hay thậm chí cả giới hạn số lần mua trong những đợt mở bán vé trực tuyến của các sự kiện.
Rõ ràng nạn phe vé tồn tại ở khắp nơi trên thế giới, chứ không riêng gì ở Việt Nam. Những nước phát triển, nơi việc bán vé được kiểm soát bằng những phương pháp 4.0 hiện đại hơn, chặt chẽ hơn, chuyện gom vé số lượng lớn để rồi bán lại với giá cắt cổ trên thị trường chợ đen vẫn xuất hiện công khai. Khác biệt có lẽ chỉ nằm ở việc dân phe vé nước ngoài hoạt động tinh vi hơn chứ không thô thiển như cảnh tượng xấu xí bên ngoài sân Mỹ Đình.
>>> Đọc thêm: Sốt vé trận Việt Nam vs Malaysia: CĐV xếp hàng từ đêm, côn đồ dọa nạt cướp chỗ
Bình luận