Theo ông Victor Hugo Criado Berbert, phụ trách sản xuất huy chương Olympic tại Brazilian Mint chia sẻ, mỗi chiếc huy chương vàng chỉ chứa khoảng 1,2% vàng. Theo đó, một chiếc huy chương vàng Olympic 2016 được làm từ 494g bạc và chỉ có 6g vàng. Tuy nhiên, chiếc huy chương này trông vẫn bóng láng và chói ngời vì lớp mạ vàng được bổ sung vào cuối quy trình đúc.
Với mức giá hiện tại 43,04 USD/gam vàng và 0,63 USD/gam bạc, huy chương vàng trị giá 569,46 USD và huy chương bạc có giá 315 USD.
Trong khi đó, huy chương bạc được làm từ 92,5% bạc nguyên chất. Huy chương đồng Olympic 2016 chứa 475g đồng (93,7% đồng nguyên chất) và 25g kẽm nguyên chất 3%.
Huy chương của Olympic 2016 là những tấm huy chương có kích thước lớn nhất từ trước đến nay với đường kính 8,5cm, dày 6mm và nặng 0,5kg, nặng hơn gần 100g so với các loại huy chương ở thế vận hội Olympic London 2012.
Để làm ra 5.130 tấm huy chương cho Thế vận hội năm nay, một nhóm gần 100 người bao gồm cả các nhà điêu khắc và các công nhân đã làm việc ngày đêm bên trong nhà máy đúc tiền của Brazil tại thành phố Casa da Moeda do Brazil.
Nhà điêu khắc Nelson Neto Carneiro cho biết, những tấm huy chương mẫu được làm bằng tay trong 2 tuần với công cụ thủ công để đảm bảo mẫu thiết kế hoàn hảo nhất.
Khao khát càng lớn tiền thưởng càng cao
Đất nước rộng rãi nhất trong chuyện tiền thưởng có lẽ là Singapore. VĐV của họ sẽ có 1 triệu đô Sing (khoảng 16,6 tỉ VNĐ) nếu giành được một HCV theo Giải thưởng Multi-Million Dollar Awards.
Giải thưởng trên vẫn chưa có chủ nhưng các VĐV cũng đã giành được phần thưởng từ những tấm HCB (500 ngàn đô sing) và HCĐ ( 250 ngàn đô sing).
Ở Mỹ, một VĐV sẽ nhận được 25.000 USD nếu giành một huy chương vàng, 15.000 USD nếu giành một huy chương bạc và 10.000 USD nếu giành một huy chương đồng.
Còn Georgia có vẻ cũng là một trường hợp khá bất ngờ khi nhiều thông tin cho biết họ sẽ thưởng cho VĐV giành được tấm HCV đến 1,2 triệu USD.
Indonesia cũng nằm trong top những nước có mức thưởng rất hậu hĩnh cho VĐV ở Olympic, với 500 ngàn đô Sing cho một HCV.
Giành được những tấm huy chương Olympic về cho quốc gia sẽ đem về sự tưởng thưởng trong suốt cuộc đời của các VĐV đến từ Thái Lan và Philippines, khi họ được nhận phần thưởng của mình trong suốt 20 năm tiếp theo bên cạnh tiền lương.
Hàn Quốc thậm chí miễn nghĩa vụ quân sự, còn Đức sẽ cho các VĐV được uống bia miễn phí suốt đời, trong khi ở Belarus sẽ là xúc xích. Các VĐV làm việc cho hệ thống đường sắt của Ấn Độ thậm chí còn được nhận những khoản thưởng bổ sung bên cạnh việc được thăng chức. Trung Quốc còn chuẩn bị sẵn nhà lầu, xe siêu sang để chờ đón những nhà vô địch.
Ở Mỹ, VĐV giành huy chương phải đóng thuế
Vấn đề đánh thuế các VĐV ở Olympic đã được nêu ra từ nhiều năm nay và vẫn đang làm đau đầu các nhà làm luật.
Các VĐV Mỹ thi đấu tại Olympic 2016 sẽ phải đóng một khoản phí tính trên giá trị của chiếc huy chương họ giành được, cũng như bị trừ bớt đi một phần tiền thưởng họ được trao.
Khoản thuế này được gọi là “thuế chiến thắng” này vẫn tồn tại bất chấp mọi nỗ lực phá bỏ nó.
Thượng nghị sỹ Chuck Schumer của New York từng tìm cách vận động xóa bỏ loại thuế này, nhưng không thành công, ông nói: “Các VĐV Olympic và Paralympic của chúng ta nên lo lắng về việc phá kỷ lục thế giới, thay vì lo mất tiền khi giành được huy chương.
Đa phần các quốc gia đều trợ cấp cho VĐV của họ. Điều ít ỏi nhất chúng ta có thể làm là bảo đảm các VĐV của mình không nhận được hóa đơn thuế vì chiến thắng. Sau khi vất vả chiến đấu và giành thắng lợi, thật không đúng khi nước Mỹ chào đón họ trở về với một khoản thuế”.
Năm 2012, một số thượng nghị sỹ Mỹ đã đề xuất một điều luật cho phép miễn thuế với các khoản tiền thưởng giành được từ Olympic. Tuy nhiên, luật này vẫn trong quá trình thảo luận thêm.
Bình luận