Bộ Tài chính đang kiến nghị sửa đổi Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, với đề xuất mức vốn điều lệ tối thiểu với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng; giám đốc doanh nghiệp phải có bằng đại học trở lên. Nội dung này đang vấp phải sự phản ứng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
"Ở đây không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định? Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? Không nhận thấy tác động đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng", VCCI đánh giá.
Theo cơ quan này, xét bản chất, mối quan hệ giữa chủ nợ và doanh nghiệp đòi nợ được xác lập trên cơ sở các thỏa thuận tư. Những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ, như doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ, thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên.
Khoản tiền vốn pháp định mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ.
"Đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng. Vì vậy, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là chưa hợp lý, rất ít ý nghĩa thực tiễn trong khi lại là cản trở đáng kể việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp", VCCI nêu.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị bỏ các điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ (quy định tại Điều 14, 15 Nghị định 104/2007/NĐ-CP), với lý do "không nhận thấy bất kỳ đặc thù nào về trình độ chuyên môn của hoạt động kinh doanh này so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường nào khác".
VCCI cũng lưu ý, nếu mục tiêu của quy định về điều kiện nhân lực của hoạt động kinh doanh này là nhằm hướng tới đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì đây không phải là mục tiêu phù hợp khi quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định tại Luật đầu tư 2014.
Theo đó, VCCI đề nghị quản lý theo ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự chứ không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện về tài chính.
“Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” hiện đã được xác định là ngành, nghề kinh doanh phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Từ các lý do trên, đề nghị bỏ toàn bộ các điều kiện kinh doanh đang thiết kế tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP đối với dịch vụ này và áp dụng quy định điều kiện tại Nghị định 96 về an ninh trật tự", văn bản nêu.
Trước đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có điều chỉnh một số điều kiện trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay.
Cụ thể, những người muốn mở doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có mức vốn điều lệ không dưới 2 tỷ đồng.
Dự thảo cũng quy định điều kiện, tiêu chuẩn với lãnh đạo quản lý. Giám đốc chi nhánh doanh nghiệp đòi nợ phải trình độ học vấn đại học trở lên, và thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. Bên cạnh đó, những người này phải chưa từng bị kết án.
Ngoài ra, “sếp” công ty đòi nợ thuê cũng không được giữ chức danh quản lý doanh nghiệp đòi nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước đó.
Dự thảo đưa ra lần này cũng sửa đổi một số điều kiện đối với người lao động của công ty đòi nợ thuê.
Người lao động ở đây phải được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 6 tháng trở lên. Các nhân viên thu nợ cũng phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên, thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
Video: Mất mạng khi đi đòi nợ tối mùng 2 Tết
Các trường hợp người lao động đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng trong và ngoài nước đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử sẽ không được phép làm việc trong các doanh nghiệp đòi nợ thuê.
Ngoài ra, người lao động trong lĩnh vực này phải không thuộc các đối tượng đã từng bị kết án, đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; cải tạo không giam giữ; quản chế, cấm cư trú...
Nghị định 104/2007 của Chính phủ đang quy định doanh nghiệp đòi nợ thuê được xem là đại diện của chủ nợ để xác định các khoản nợ, đôn đốc khách nợ trả nợ, thu nợ… Đồng thời làm tư vấn pháp luật cho cả chủ và khách nợ về việc xác định nợ; biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ.
Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này phải có vốn điều lệ không dưới 2 tỷ đồng. Giám đốc chi nhánh doanh nghiệp đòi nợ phải trình độ học vấn đại học trở lên.
Bình luận