Kỳ 1: Chết chóc bi thảm
Nhắc tới Châu Bình (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) hẳn mọi người đều nhớ đó là "thủ phủ đá đỏ" mà một thời dân chúng khắp nơi trên cả nước lũ lượt kéo về đây để tìm vận may đổi đời. Tuy nhiên, đá đỏ thì ít mà kéo theo đó là đại ca, đầu gấu, gái làng chơi... tập trung về đông như hội. Đầu rơi máu chảy, sập hầm và núi rừng đồng ruộng tan hoang. Thời ấy tuy xa nhưng nỗi ám ảnh về chết chóc và sự tàn phá kinh hoàng thì đến nay vẫn còn day dứt.
Thông tin ngày ấy cho hay, vào cuối năm 1989 có một đoàn địa chất đến núi rừng xã Châu Bình dùng máy khoan thăm dò khoáng sản. Tại đây, họ đã thu được một viên đá quý có khối lượng chỉ bằng đầu đũa nhưng màu sáng long lanh, trong suốt, đỏ như tiết bồ câu.
Nhà tôi trúng số
Mấy tháng sau, tại Hội chợ Quốc tế được tổ chức ở Hà Nội, viên đá đỏ này đã được một thương lái Thái Lan mua với giá 620.000 USD. Cũng thời gian này, một cán bộ lâm trường tên là Đỗ Văn Hiệp khi đi kiểm tra thì thấy một nhóm người đang ra sức đào bới đất trong cánh rừng hoang vắng thuộc địa phận của bản Kẻ Khoang.
Hồ tử ở Đồi Tỷ, nơi chôn vùi 47 sinh mạng vì đá đỏ |
Ông Hiệp hỏi các anh tìm gì thì không thấy ai trả lời. Đến khi thấy họ vui mừng nhặt được mấy viên đá đỏ thì ông Hiệp bảo loại đá này ở nhà tôi cũng có, nghe vậy nhóm người bắt tay ông Hiệp mời hợp tác làm ăn. Hôm sau bốn cha con ông Hiệp đi đào được một viên đá, và họ đã mua với giá 9 triệu đồng.
Thông tin đổi đời từ đá đỏ ở Đồi Tỷ (đá bán được tiền tỷ) và Đồi Triệu (đá bán được tiền triệu) bắt đầu từ đó đã lan truyền đi rất nhanh chóng. Người tứ xứ đêm ngày lũ lượt ùn ùn kéo nhau tới Châu Bình. Dân chúng ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… không ai còn ai màng tới ruộng đồng, thanh niên trai gái khắp làng trên, xóm dưới tấp nập lập thành từng nhóm, từng hội góp gạo, góp tiền hối hả ngược miền đá đỏ.
Tháng 6/1991, khi đá đỏ đang rộ lên rất mạnh ở Châu Bình thì tôi đang công tác ở tỉnh Nghệ An. Một buổi tối, tôi nhận được tin nhắn: Về nhà gấp có việc cần. Sáng hôm sau tôi bắt xe ca từ TP Vinh về nhà (xã Nghĩa Tiến, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) thì thấy người đặc đen vây kín đạp đổ hết cây cối ở vườn. Hốt hoảng, tôi chưa biết tin dữ gì nên cứ ủi đầu rẽ đám đông tiến tới.
Vào tới nhà, cha tôi liền chốt cửa. Tới phía trong buồng chợt thấy hai em trai tôi cùng hai người bạn là Sơn và Lượng đang đếm từng cục tiền cho vào bao tải. Thì ra các em tôi đã trúng một lô đá đỏ bán được 36 triệu đồng. Tối đến, thằng Sơn hớt hải chạy vào nhà tôi tru tréo: Trời ơi, tui đã bảo là từ từ rồi hãy bán, thế mà không ai chịu nghe. Bây giờ các người đã sáng mắt ra chưa, bởi viên đá đó bọn họ mang xuống Thái Hòa, chỉ cách ta có ba cây số, nhưng đã bán cho sếp Sài Gòn được 300 triệu đồng.
Nghe vậy ai cũng ngẩn ngơ tiếc nuối. Mẹ tôi thì lại vừa nhai trầu vừa thúc thắc: Thôi đi các con, đá chi mà chỉ bằng hạt đậu nhưng đã bán được từng ấy tiền là hồng phúc cho nhà ta lắm rồi. Bởi, nói dại miệng chứ mấy hôm nay ở xã nào cũng có người chết sập hầm vì đá đỏ đấy.
Em Thủy tôi kể: Đồi Tỷ đông người lắm, núi rừng cây cối ngả nghiêng như bão tố quật vào. Mặt đất đã được các đại ca, đầu gấu cắm cọc phân chia cho các nhóm đào đãi đá.
Biết phận mình tép riu nên cả nhóm của Thủy khi lên đây chỉ biết mon men theo dân bản đi đào đãi ở các khe suối. Nhưng ba ngày ra sức rất cật lực mà vẫn không thấy một mảnh vụn đá đỏ nào. Sang ngày thứ tư, Thủy thất thểu rủ nhóm đi về thì gặp anh vợ cho 50 nghìn đồng và bảo: Các em về ngay đi, chứ ở đây nguy hiểm lắm.
Đến hố tử, nhóm của Thủy thấy một tốp hai mươi thanh niên cởi trần, mình mẩy xăm đầy rồng rắn, dao găm và lựu đạn đang cầm dao cảnh giới. Phía dưới hố sâu hun hút có khoảng một trăm người đang đào đất cho vào bì tải đưa lên. Tìm hiểu kỹ mới biết mỗi ngày một đầu gấu làm nhiệm vụ cảnh giới đều được trả công hai trăm nghìn đồng. Ngoài ra, nếu trúng số thì sẽ được thưởng thêm. Dẫu vậy bọn họ vẫn tổ chức bán lén đất cho dân xứ Nghệ, với giá một trăm nghìn một bì.
Quan sát một lúc, Thủy tặc lưỡi đưa 50 nghìn đồng cho một đầu gấu rồi năn nỉ xin xuống hố xúc moi nửa bì đất. 30 phút sau, Thủy ì ạch vác bì lên và mang đi hơn nửa cây số rồi tỉ mẩn bóp đãi từng nắm đất. Đến nắm đất cuối cùng, bất chợt Thủy reo lên: Đá đỏ đây các bạn ơi. Nghe vậy, mấy người liền đưa tay ốp vào miệng Thủy, rồi cả nhóm cùng lẩn theo đường rừng, giả vờ lê lết chân chui ra quốc lộ.
Nỗi đau từ hố tử
Suốt cả đêm nằm nghe em kể chuyện trúng đá đỏ, cả nhà không ai ngủ được. Làng xóm cũng huyên náo tưng bừng, vì ngần ấy tiền thì cả một kiếp làm nông ai mà dám mơ tới nó.
Mờ sáng hôm sau, khi hai em đang tính chuyện nhờ anh đi tìm mua xe máy thì chúng tôi nhận được tin hố tử trên Đồi Tỷ đã bị sập, chôn vùi cả trăm người đang đào đất ở dưới đó. QL 48 lúc này ô tô, xe máy rú ga náo loạn vượt lên Châu Bình. Phía trên xuống, xe cứu thương phát đèn tín hiệu quay tít rú còi lao vun vút. Ruột gan nóng như thiêu lửa, anh em tôi gác lại chuyện nhà rồi thuê xe lai nhập dòng người “bay’’ lên hố tử.
Ngã ba đường vào Đồi Tỷ, thời đá đỏ ngút trời khói hương chết chóc đầy ai oán |
Đường vào Đồi Tỷ lúc ấy dày đặc cảnh sát và bộ đội biên phòng. Tuy vậy, họ vẫn không cản nổi dòng người cứ lũ lượt vượt ngang, rẽ trái lao vào hố tử. Lẫn theo dòng người đi tới, khi đến nơi hố tử, chúng tôi thấy cả mấy trăm người đang ra sức dùng cuốc xẻng đào bới bên một mảng đồi vừa sạt xuống. Xung quanh đông nghịt người đang ngửa cổ quay cuồng khóc gào thảm thiết gọi người thân.
Một cảnh sát nói với cánh báo chí: Hố tử bị sập, tuy chưa có số liệu chính xác về các tử nạn, nhưng theo các gia đình thân nhân báo tới thì con số đang nằm dưới hố là khoảng 80 người. Mười ngày sau, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã mang được 47 tử thi ra ngã ba Đồi Tỷ. Đau xót, tang thương, cùng với khói hương cứ nghi ngút mãi giữa núi rừng đầy ai oán…
Dẫu vậy, trong những ngày lực lượng cứu hộ cứu nạn đang dốc sức đào bới ở hố tử thì xung quanh các nhóm đào hố, moi đất tìm đá đỏ vẫn vô cảm hoạt động rất sôi động. Một kẻ đầu trọc nào đó hét lên: Việc ai người ấy làm, bận tâm là mất cơ hội. Theo đó các băng đảng đầu gấu, đại ca lại ra sức kiểm soát, trấn lột tài sản rất trắng trợn. Và cứ một vài tiếng đồng hồ là lại có chuyện sập hầm, khuân vội người chết đi ra. Đâu đó tiếng kêu than thảm thiết vọng lên từ núi rừng, bởi cảnh đâm chém nhau để tranh giành quyền khai thác hố!
Ngược Đồi Triệu, cánh Đồi Tỷ chừng hai cây số, chúng tôi thấy lực lượng đào đãi đá đông như kiến. Ở đây cây cối thưa thớt hơn Đồi Tỷ, bởi vậy cánh khai thác đá tìm vận may bằng cách khoét núi đào hầm y như địa đạo thời chống giặc ngoại xâm. Mỗi khi lực lượng công an, bộ đội biên phòng ồ ạt tấn công nổ súng chỉ thiên để đẩy đuổi thì họ lại nhào lên bỏ chạy.
Còn tiếp...
TheoHồ Quang(Nông nghiệp Việt Nam)
Bình luận