Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, nếu xét về khía cạnh Đông y, gội đầu kèm theo những động tác xoa bóp, gãi đúng các điểm cũng giúp giảm stress, căng thẳng, thậm chí hỗ trợ giảm các cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu.
Trong thời tiết chuyển lạnh như hiện tại, lương y Đắc Sáng cho rằng việc gội đầu thường xuyên vẫn rất cần thiết nhằm giảm cảm giác khó chịu, ngứa ngáy. Tuy nhiên, việc gội đầu phải thực hiện đúng cách, đúng thời điểm. Trong mùa lạnh, nếu không gội đầu một cách cẩn trọng thì dễ dẫn tới nguy cơ đau đầu, cảm lạnh, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên và thậm chí là đột quỵ.
Gội đầu là cần thiết nhưng trong mùa lạnh cần phải gội đầu đúng cách và đúng thời điểm. (Ảnh minh họa)
Thực tế đã có trường hợp bị biến chứng vì nhiễm lạnh khi gội đầu. Đó là cô gái trẻ Nhật Linh, bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên và phải mất khoảng 1 tháng để điều trị mới hồi phục được.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Linh cho biết, do đi làm về khuya nên cô thường xuyên tắm, gội lúc 23h, thậm chí là 24h. Có lần vì buồn ngủ, cô không sấy khô hẳn tóc đã vội lên giường. Sau đó, có thể do bị nhiễm lạnh khi gội đầu quá muộn và để tóc ẩm nên nửa mặt phía bên phải của Linh cứng đơ, miệng không khép được chặt, mắt cũng không nhắm được. Từ trường hợp của mình, Linh khuyên mọi người không nên tắm gội quá khuya, nhất là trong mùa lạnh cần phải làm khô đầu tóc ngay sau khi tắm. Bởi nếu bị liệt mặt việc điều trị tuy không khó khăn nhưng sẽ ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt rất nhiều.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, việc tắm gội khuya thường xảy ra ở những người trẻ, có thể do bận công việc, mải xem phim, lướt mạng đến khi gần đi ngủ mới tắm hoặc gội đầu. “Không chỉ mùa lạnh, mà mùa hè cũng cấm kỵ việc gội đầu sau 22h đêm. Bởi đây là thời điểm nhiệt độ xuống thấp, dễ xảy ra hiện tượng co mạch”, ông cảnh báo.
Nên gội đầu trước 20h tối để tóc có thời gian khô tuyệt đối. (Ảnh minh họa)
Trong mùa đông, ông Sáng khuyên mọi người tốt nhất nên gội đầu khi trời còn sáng và muộn nhất là trước 20h: “Gội đầu trước 20h, chúng ta còn thời gian hoạt động, tóc có thời gian để khô tuyệt đối. Nếu gội đầu quá muộn, việc sấy tóc có thể chỉ khô phần ngọn tóc, da đầu và chân tóc còn ẩm ướt đã đi ngủ là rất nguy hiểm”.
Theo lương y này, đầu là cơ quan chỉ huy toàn cơ thể, có nhiều mạch máu nên gội đầu muộn bị nhiễm lạnh sẽ khiến đầu bị đau nhức, cổ vai gáy cũng bị ảnh hưởng, từ đó gây nên hệ lụy cho sức khỏe. Nếu lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy có thể dẫn đến bệnh đau đầu mãn tính.
Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Thị Anh Đào - Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cũng cảnh báo, hai thời điểm mọi người tuyệt đối không nên gội đầu vào mùa đông là sau 20h và trước 7h khi mặt trời chưa mọc. Thời điểm thích hợp nhất để gội đầu là khoảng từ 10h cho đến trước 16h, bởi đây là thời điểm có nhiều ánh nắng mặt trời, nhiệt độ thường cao nhất trong ngày.
Tuy nhiên, cũng không nên gội đầu vào lúc giữa trưa, bởi sau đó là thời gian nghỉ trưa, nếu không cẩn thận để tóc ướt thì vẫn dễ gây ra tình trạng nhiễm lạnh. Còn việc gội đầu vào đêm muộn hoặc sáng sớm ngoài việc gây đau đầu, cảm lạnh còn dễ dẫn đến đột quỵ, nhất là với người có bệnh lý tim mạch, mạch máu não.
Bác sĩ Đào lưu ý, nếu gội đầu kết hợp với tắm thì nên làm ướt cơ thể trước. Nên gội đầu bằng nước ấm, không gội đầu bằng nước lạnh. Thời gian gội cần nhanh, không ngâm đầu tóc quá lâu trong nước. Nơi gội đầu nên che chắn kín gió, sau khi gội xong tốt nhất là lau, sấy khô trước khi bước ra ngoài trời lạnh. Tuyệt đối không dùng quạt điện phả thẳng gió vào đầu sau khi gội để làm khô tóc, việc làm này làm tăng nguy cơ bị cảm lạnh nhiều hơn.
Bình luận