Chị Linh Lan ở Cầu Giấy, Hà Nội băn khoăn: "Đầu năm, gia đình tôi còn một số tiền vốn còn dư, muốn đầu tư để hưởng lời. Tuy nhiên, chứng khoán là kênh đầu tư đặc biệt, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, dài hơi. Với bất động sản thì số tiền không đủ nhiều để tôi mua những miếng đất đẹp, có khả năng sinh lời lớn. Gửi tiết kiệm ngân hàng thì lại phụ thuộc vào thời hạn. Do đó, tôi chỉ hướng đến mua vàng hoặc USD, lúc cần có thể bán ngay để lấy lại vốn. Nhưng hiện chưa biết nên mua gì vì cả 2 đang diễn biến thất thường quá".
2020 được coi là năm “bùng nổ” của thị trường vàng khi giá tăng gần 30%, nhiều nhà đầu tư lãi lớn. Chính điều này khiến vàng luôn có sức hút. Tuy nhiên, theo giới phân tích, năm 2021, giá kim loại quý hiện chưa có sự biến động mạnh, thậm chí liên tục giảm. Nguyên nhân được cho là Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới có sự hồi phục sau COVID-19 khiến kênh trú ẩn an toàn bị giảm sút sự hấp dẫn.
Trong phiên giao dịch mới nhất ngày 19/3, giá vàng lao dốc về ngưỡng 1.718 - 1.753 USD/ounce, trong bối cảnh FED cho biết nền kinh tế Mỹ đã ghi nhận đà tăng trưởng nhanh nhất trong gần 40 năm.
Hiện giá vàng đang chịu áp lực khi giới đầu tư lo ngại về hiện tượng bất thường trên thị trường tài chính thế giới. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng vọt lên 1,74%, mức cao nhất trong hơn một năm qua làm tăng chi phí cơ hội sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.
Giá vàng năm 2021 được dự đoán, trong dài hạn có thể tăng nhưng không đáng kể và khó lên đỉnh như năm trước. Các nước trên thế giới và Việt Nam đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19, tình hình dịch sẽ được kiểm soát, vàng mất dần ưu thế là kênh trú ẩn của nhà đầu tư. Trong khi đó, về ngắn hạn, kim loại quý sẽ phải chịu nhiều thách thức và có thể sẽ diễn biến thất thường do kinh tế thế giới nhiều biến động trong thời kỳ hậu COVID-19.
Một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư không nên "lướt sóng" vàng thời điểm này đó là sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. Nhiều ngày qua, khoảng cách này luôn dao động từ 7 đến 8 triệu đồng/lượng. Điều này khiến biên độ tăng thêm của vàng là rất khó. "Mua nhiều vàng lúc này có thể sẽ tạo ra rủi ro lớn cho người mua. Bởi lẽ, giá vàng trong ngắn hạn chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh giảm cho phù hợp với thị trường chung", một chuyên gia tài chính nhận định".
Trong khi đó, ngược chiều với vàng, trong vài ngày qua, USD phục hồi sức mạnh khiến thị trường vàng và Bitcoin - tài sản được coi là "vàng kỹ thuật số" - đồng loạt sa sút. Trong phiên giao dịch hôm nay 19/3 (giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện đang đứng ở mức 91,81 điểm.
USD tăng nhanh trong bối cảnh giới đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Điều này khiến các nhà đầu tư băn khoăn có nên nắm giữ USD trong năm 2021, sau cú trượt dốc gây chấn động hồi năm 2020.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, USD sẽ tiếp tục giảm đáng kể vào cuối năm 2021. Nguyên nhân là nợ công của Mỹ tăng nhanh và nguồn vốn đổ vào những cơ hội tăng trưởng khác trên toàn cầu khi nền kinh tế thế giới tăng tốc phục hồi.
Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng USD có thể mạnh lên khi chính phủ nhiều quốc gia khác bơm tiền vào nền kinh tế. Các tỷ giá đang biến động rất mạnh. Nhiều quốc gia tung gói hỗ trợ nền kinh tế và từ đó làm giảm lãi suất, hạ giá trị đồng tiền pháp định của nước họ. Khi đó, đồng USD sẽ mạnh lên so với những đồng tiền này.
Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND năm 2021 được cho là sẽ ổn định. Điều này sẽ khiến người nắm giữ USD cũng không có lợi.
Khuyến cáo phổ biến nhất mà hầu hết giới chuyên gia đều nhấn mạnh với các nhà đầu tư thời điểm này là không nên "lướt sóng" cả vàng và USD, khi thị trường tài chính thế giới đang nhiều thay đổi sau COVID-19 và đại dịch này chưa được dập tắt hoàn toàn. "Nếu nguồn vốn dôi dư dài hạn và có nhu cầu tích trữ thực sự, người dân có thể mua gom. Nhưng không nên kỳ vọng hưởng lời trong ngắn hạn vì điều này khó xảy ra, thậm chí có thể thua lỗ", chuyên gia tư vấn.
Bình luận