Vâng, đúng là "Vang âm tiếng sóng", bởi 89 bài thơ trong tập thơ thứ 11 của Nguyễn Hồng Vinh có một thứ “Vang âm” thật đặc biệt: Lắng sâu và lan tỏa của tiếng sóng biển – Ánh sáng chậm như một nhà phê bình đã cảm nhận. Nhưng đó còn là sự lan tỏa nhanh - chuẩn chỉ của cây bút chính luận tờ Nhật báo hàng đầu trong nền Báo chí Cách mạng Việt Nam!
Thơ vốn là dòng chảy chậm, đọc nhâm nhi, thưởng thức sự lắng sâu của cảm xúc. Vậy mà khác lạ tôi lại đọc “Vang âm tiếng sóng” một mạch trên chuyến bay Hà Nội – TP. HCM vào một ngày đầu tháng 11, khi tập thơ còn thơm nóng mùi mực in. Dư âm của những ngày cuối Thu Hà Nội đẹp đến mê hồn, mặt nước Hồ Gươm lãng đãng sương bay, vẫn còn “vang âm” trong tôi. Sự nao lòng lãng mạn dễ thương ấy giúp cho tâm hồn thuận chiều đến với thơ. Tôi đọc kỹ, có bài đọc 2-3 lần để “thấu hiểu”, càng nể phục sức viết, sức sáng tạo thanh xuân trên cánh đồng thơ của một cây bút chính luận báo chí gạo cội, tuổi sắp vào ngưỡng bát thập. Hơn 10 năm, từ năm 2010 đến nay, 11 tập thơ với hàng ngàn bài đâu phải dễ, có phải ai cũng làm được? Nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang viết trên Báo Nhân Dân Cuối tuần: “Ngọn bút Nguyễn Hồng Vinh vẫn rừng rực cháy sáng!”.
Thơ của Nguyễn Hồng Vinh có sức tương tác, bởi tác giả luôn bám sát thời cuộc, viết về thời cuộc mà lắng đọng, thấm đẫm nghĩa tình, nhân văn. Ông bàn về Chính trị - Tư tưởng - Tuyên giáo không những không khô cứng mà ý thơ tuôn chảy tâm hồn, lãng mạn bằng thi ca.
Cũng như các tập thơ đã xuất bản trước đó, “Vang âm tiếng sóng” - tập hợp chủ yếu những sáng tác của Nguyễn Hồng Vinh trong 2 năm từ 2020 đến 2022. Một giọng thơ về đất và người, vẫn bao quát các chủ đề lớn về Tổ quốc – Đất nước – Quê hương; Đảng và nhân dân; Về biển cả bao la và tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên; Về người lính chiến trong chiến tranh vệ quốc và cả trong hòa bình xây dựng; Về cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 chưa có tiền lệ.
Điều gần như là sự khác biệt so với một số cây bút - nhà thơ khác, Nguyễn Hồng Vinh bám rất sát những điều cuộc sống đặt ra, nằm trên bàn nghị sự. Thơ của Nguyễn Hồng Vinh phục vụ nhiệm vụ chính trị rõ nét, như là cơm ăn nước uống hằng ngày - lẽ tự nhiên vậy. Tôi cảm nhận ánh sáng chậm như một cây bút phê bình lý luận đã viết, nhưng hơn thế như tôi cảm được, đây còn sự lan tỏa nhanh trong thơ Nguyễn Hồng Vinh - nhà thơ và tính chính luận hòa hợp đến khéo, quyện chặt bên nhau, trong nhau.
Trong một bài viết ngắn không thể bàn hết mọi khía cạnh mà chỉ có thể đôi nét chấm phá nào đó, tùy theo góc nhìn mỗi người. Mở đầu “Vang âm tiếng sóng”, xếp ở “mâm” trên là bài “Tổ quốc thiêng liêng” (trang 13). Nguyễn Hồng Vinh định nghĩa về Tổ quốc không có gì cao siêu mà thật gần gũi, bình dị, bằng da bằng thịt như có thể sờ nắn, nắm bắt, có thể nhỏ to tâm sự: Với tôi, Tổ quốc là truyền thuyết vỏ bọc trăm trứng/Nở trăm người con/Một nửa ngược rừng/Nửa kia ra biển/ làm nên đất nước Văn Lang… Tổ quốc là những chàng trai vạm vỡ… nguyện thề giữ bình yên biển đảo. Tổ quốc là thế hệ cha anh/Chân trần chí thép. Tổ quốc là các chị, các anh/Tất bật nơi công trường bụi đất/Tổ quốc là dải đất hình chữ S… là cánh rừng Trường Sơn… Tổ quốc là những con tàu mang cờ đỏ Việt Nam/Vượt sóng lừng tới các cảng năm châu… Tổ quốc là những người cha, người mẹ tảo tần… Tổ quốc là tình nghĩa vợ chồng… Tổ quốc là Ngày đầu tuần, người người lớp lớp/Hát Tiến quân ca trào dâng lồng ngực…
Có thể coi “Tổ quốc thiêng liêng” là một trong những bài thơ hay – hơi ấm chất dân ca để ngợi ca Tổ quốc của thơ ca hiện đại, cũng là bài thơ viết từ trái tim yêu Tổ quốc, đằm thắm, một sức bật gợi cảm trong “Vang âm tiếng sóng”. Trong một bài thơ khác – Dòng chảy đất nước tôi – trang 201, Nguyễn Hồng Vinh viết về Tổ quốc: Tổ quốc tôi - Bản hùng ca bất diệt/Tràn khát khao xây đất nước hùng cường/Trong gian khó, chí kiên trung, đồng thuận/Đưa con tàu Việt Nam vượt sóng cả đại dương!
Nguyễn Hồng Vinh là nhà báo Việt Nam đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ báo chí, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; có 2 khóa (khóa X, XI) Đại biểu Quốc hội, nhiều năm làm công tác Tuyên giáo. Về văn chương, Nguyễn Hồng Vinh làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học – Nghệ thuật Trung ương. Nguyễn Hồng Vinh quảng giao rộng, có nhiều bạn quý, đồng nghiệp tâm giao.
Trong “Vang âm tiếng sóng” Nguyễn Hồng Vinh dành hơn 20 bài thơ viết tặng bạn – đồng nghiệp. Đọc những bài thơ về đồng nghiệp, tôi chợt nhớ đến tập thơ “Chân dung nhà văn” của cố nhà thơ Xuân Sách ra đời hơn 1/3 thế kỷ trước từng gây “bão” trên văn đàn và dư luận xã hội. Thơ tặng bạn trong “Vang âm tiếng sóng” của Nguyễn Hồng Vinh người đọc cảm nhận cách viết, cách “tặng” hoàn toàn khác, dù đó cũng là vài nét chấm phá chân dung. Một số bài thơ tặng bạn trong “Vang âm tiếng sóng”, Nguyễn Hồng Vinh không viết rõ tên, nhưng tinh ý là biết ngay, đó là sự chấm phá chân dung ông A, bà B, chị C, bài nào cũng ấm áp, nồng hậu, nhân văn.
Nguyễn Hồng Vinh vẽ nên một góc nhìn chân dung nhà báo, nhà văn Phan Quang: Trai Huế ôm thơ theo cách mạng/Thấm thoát nay vượt chín thập niên/… Bến sông Nhùng xao xuyến hồn ta/… Đã bao lần qua phà Mỹ Thuận/Đất lúa Chín Rồng thẳng cánh cò bay/Cảm ơn đời tiếp nguồn nhựa sống/Để hồn văn mãi mãi ắp đầy! (Nguồn nhựa của đời, trang 173). Dù chỉ viết tắt tên người được tặng thơ, nhưng đọc là biết chân dung của ai?
Bài Tìm trang 170, tác giả viết tặng NSĐ: Chú tìm người xứ Đông/ Rồi ngược lên phía Bắc/Mong gặp được Tiên Dung/Cả trong mơ lẫn mộng/Bỗng giật mình thảng thốt/Người chú tìm bao năm/Đang bên mình nồng ấm/Một sắc HOA không tàn… Vâng, cách tả chân dung chấm phá bằng thơ của Nguyễn Hồng Vinh thật tài tình. Chỉ cần một chữ Hoa viết hoa là nút thắt được mở!
Một bài thơ khác tặng Kim Hoa & Sĩ Đại tựa đề “Cỏ và anh” (trang 103), Nguyễn Hồng Vinh viết: Cỏ đã bén xanh một thời/Và đã héo vàng một thuở?/ Không! Cỏ sinh để mà xanh/Héo vàng để thêm mượt lá! Để rồi Thuở mười sáu/Bên dòng sông Lam… theo nhau ra biển khơi/Thành nhạc vút bên trời!... (tên một tập thơ được tặng Giải thơ của Trần Kim Hoa).
“Hư và Thực” (trang 149), Nguyễn Hồng Vinh viết tặng PQT với những câu thoáng qua đã da diết, thực thực hư hư, như nỗi oan hồn, nhưng rồi PQT đã vượt qua chính mình: Đời bao tiếng nói thầm thì/Anh cứ thản nhiên lặng lẽ/Con tim đôi lần rạn vỡ/Bề ngoài tỏ vẻ như không!… Đời sao nói được hở em/Nhờ phút xao lòng chắp cánh/Để có hàng ngàn trang sách/Cho đời, cho bạn, cho em!... Quả thực, nếu không hiểu thấu sẽ chẳng bao giờ viết trúng, viết đúng về bạn.
“Còn vang sóng biển” (trang 34) cũng để dành tặng PQT, Nguyễn Hồng Vinh viết: Hẹn gặp nhau Bãi Trước/Em lại vòng Bãi Sau/Cuộc rượt tìm không hồi kết!/Rồi từ bữa đó/Em tìm cách lánh xa… Hình như PQT chỉ là cái cớ của người trong cuộc, theo đó Nguyễn Hồng Vinh muốn gửi gắm lòng mình cho em… nơi Bãi Trước và Bãi Sau (?). Vâng đúng là em tìm cách lánh xa. Người đến sau thì đành phải vậy, nhưng trái tim vẫn neo đậu nơi anh như chút… yêu thoáng qua… để cho nó lành. Không có vốn sống bao la sẽ chẳng bao giờ tỏ lòng vấn vương đến như vậy.
Thật là thiếu sót khi viết về thơ Nguyễn Hồng Vinh mà không nhắc tới về đề tài quê hương và người lính, người chiến sĩ hy sinh nơi mặt trận luôn luôn và khá đậm nét trong “Vang ấm tiếng sóng”. “Thiêng liêng hai tiếng Thành Nam – Quê hương Nam Định của tác giả” (trang 152), Nguyễn Hồng Vinh bày tỏ: Anh ở tận Lạng Sơn/Em cuối nơi rừng đước/Nhắc hai chữ Thành Nam/Mà sao lòng rạo rực… Ta cùng tay trong tay/Giữa màu xanh ngút ngàn/… Quê hương nguồn nhựa sống/Người người vượt phong ba/… xứng cháu con Thánh Trần. Chiến khu “Ba Lòng vẽ lại dung nhan” (trang 96) là một trong những bài thơ đi vào lòng người, sự tri ân, uống nước nhớ nguồn của Nguyễn Hồng Vinh: Trở lại Ba Lòng, lòng chẳng yên/Mong thắp nén nhang tri ân người con gái/Nhưng đến nay vẫn là điều không thể/Xương cốt em đã hòa trong đất Mẹ thiêng liêng!... Đèn điện sáng giữa rừng xanh thôn, bản/Người Ba Lòng đang vẽ lại dung nhan! …
Vâng! “Vang âm tiếng sóng” – lan tỏa và bay cao! Xin được chúc mừng nhà thơ, nhà báo PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh “Ngọn lửa đam mê rừng rực cháy”!.
Bình luận