• Zalo

Nhà thơ Vũ Duy Thông - ‘hạt vùi trong đất đợi mùa sau’

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 01/06/2021 11:55:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thương cho cái máy tính của anh Vũ Duy Thông đau đớn vì những cú mổ cò bùm bụp, nhưng những cú mổ dữ dội đó lại mang đến cho đời những bài thơ tha thiết, dịu dàng.

Vài ngày sau khi thành cán bộ Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), tôi được anh Vũ Duy Thông vẫy vào phòng làm việc của anh tại tầng 2, số 10 phố Nguyễn Cảnh Chân – vốn là trường Albert Sarraut được xây dựng từ năm 1919. Phòng nhỏ, chỉ độ 8m2, lại còn phải qua phòng làm việc chung của Vụ, nhưng anh Thông có vẻ hài lòng vì không gian yên tĩnh, nhất là phòng có cửa sổ to trông ra khoảng sân rộng, rất thoáng và mướt mắt bởi vòm xanh của những cây hoa sữa cổ thụ thân thẳng, cao vút.

Vẻ mặt có phần nghiêm trọng, anh cầm số báo vừa ra của cơ quan báo chí địa phương tôi từng làm việc, chỉ vào chi  tiết một bài viết, phân tích để tôi thấy, chúng tôi đã sơ suất như thế nào khi đề cập đến một sự kiện chính trị. Rõ là một bài học. Tôi giật mình, vỡ ra rằng, nghề báo cần cẩn trọng từng con chữ.

Biết cậu lính mới của mình có phần hoang mang, anh gập tờ báo, an ủi và động viên: “Rồi các cậu cũng sẽ khôn lên. Tớ ngày xưa cũng thế!”.

 Anh kể chuyện thời là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thái Nguyên, có lần, vì mải thơ, anh quên béng làm tin sự kiện trên địa bàn. Anh ân hận lắm, và hứa không cho phép mình lặp lại khuyết điểm ấy...

 Sự cởi mở và chân tình của anh khiến tôi cảm thấy anh không chỉ dễ gần mà còn thoải mái. Cảm nhận ban đầu đó, trong gần chục năm được làm việc gần anh, tôi càng nhận thấy rõ hơn.

Nhà thơ Vũ Duy Thông - ‘hạt vùi trong đất đợi mùa sau’ - 1

Nhà thơ Vũ Duy Thông.

Có một thi sĩ về làm lãnh đạo, Vụ Báo chí – Xuất bản như vui hơn. Vui vì những câu chuyện bếp núc văn chương anh kể như một người từng tham gia hoặc chứng kiến. Vui vì hay được nghe anh ngâm nga thơ. Ngoài thơ mình, anh  còn thuộc nhiều thơ người khác, cả thơ nước ngoài. Đặc biệt, anh là người yêu thơ Đường, có thể đọc trọn vẹn nhiều bài thơ Đường bản phiên âm Hán Việt bằng giọng khá du dương; lại còn nói làu làu về xuất xứ, gốc tích bài mỗi bài nếu chúng tôi tò mò.

Từ chuyện thơ, chuyện văn, không ít lần anh lan sang chủ đề mỹ học với những cái đẹp, cái bi, cùng những gì gì nữa. Có lần, anh hỏi tôi: “Cậu thấy cái tủ lệch có hài hòa không?”. Cái tủ lệch thì tôi biết, từng là biểu tượng sang trọng một thời. Khu tập thể của tôi trước kia, chỉ một gia đình có và nó làm bằng gỗ mít. Nhưng “lệch” mà còn “hài hòa” thì tôi kinh ngạc. Vậy mà nghe anh giải thích, tôi chịu là đúng. Sau này, tình cờ trông thấy cái tủ lệch ở đâu đó, tôi lại nhớ anh đã khai hóa cho tôi về cái lệch hài hòa thế nào.

Còn nhớ, một chiều cuối ngày thứ Ba – khoảng thời gian ngắn ngủi trong tuần tạm coi là ngớt việc sau cuộc họp giao ban báo chí buổi sáng, đương lúc phấn khởi vì một chuyện vui của cơ quan, anh bỗng lái sang đề tài về cái đẹp và nói về cái đẹp trong thơ một cách say sưa. Hóa ra hôm đó, ngoài cái vui chung, anh có niềm vui riêng, chuyên luận Cái đẹp trong thơ kháng chiến giai đoạn 1945 - 1975 của anh được tái bản.

Và đến lúc này, tôi mới biết, cùng với việc là nhà thơ, nhà báo tên tuổi, anh còn có học vị Tiến sĩ Mỹ học. Quyển sách được tái bản kia chính là luận án tiến sĩ anh bảo vệ thành công năm 1996. Cách tiếp cận vấn đề qua một góc nhìn khá mới đã khiến luận án của anh được xuất bản thành sách ngay sau đó, được nhiều sinh viên ngữ văn tìm đọc như một tài liệu tham khảo thú vị, bổ ích. Cũng một phần nhờ đó, vài năm sau, anh thêm sang trọng khi được phong học hàm Phó Giáo sư; được mời thỉnh giảng tại các khoa Báo chí, Ngữ văn một số trường đại học.

“Đang là báo, bỗng thành giáo, cũng vui”, buổi chiều đó, anh cười nói với chúng tôi thế, như thanh minh cho sự chuyển đề tài câu chuyện có phần đường đột của mình.

Nhà báo vốn đã nhiều bạn. Anh Vũ Duy Thông ngoài nhà báo còn là nhà thơ tiếng tăm, nhà giáo “trẻ”, lại còn làm trong cơ quan quản lý báo chí, nên có nhiều bạn văn, bạn báo. Dạo anh làm việc tại Vụ, tôi từng thấy các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, Trần Quang Quý, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Thành Phong, Hữu Ước, Nguyễn Như Phong, đạo diễn điện ảnh Phạm Việt  Tùng... tới ngồi với anh nhiều lần.

Mối thâm tình đặc biệt của anh với thi sĩ Trịnh Thanh Sơn người xứ Thanh, nhiều người biết. Có thể vì thế, anh Trịnh Thanh Sơn từng viết lời bạt tập thơ Du ca đời lá xuất bản năm 2006 của anh. Còn anh cũng nắn nót từng dòng giới thiệu thơ Trịnh Thanh Sơn với những lời lẽ rất mực trân trọng và nâng niu. Tôi từng theo anh tới thăm nhà thơ Trịnh Thanh Sơn ốm nặng, từng thấy anh thương bạn thế nào khi chứng kiến cảnh anh Sơn muốn nói mà chỉ thoát ra được những âm thanh khào khào...   

Bạn bè không chỉ khiến anh Vũ Duy Thông vui, mà Vụ Báo chí – Xuất bản nhiều khi cũng vui theo. Là bởi, đàm đạo văn chương xong, tiễn khách về, tiện hành lang, có lần anh lại kéo khách vào gọi là “chào Vụ”. Cái sự “chào” của văn nhân, nghệ sĩ diễn ra bên bàn nước, đôi khi thêm chai rượu “lộc” anh cầm qua, khiến thời gian bị lãng quên trong sự hoan hỷ, mặn mà, rôm rả của cả khách và chủ.

Đôi khi, có vị khách cũng khiến anh  phàn nàn. Còn nhớ một buổi  đầu sáng, có bác cỡ xấp xỉ 80 tuổi, ôm chiếc cặp căng phồng nhất định đòi gặp bằng được nhà thơ Vũ Duy Thông. Cách nói năng tự tin có phần kẻ cả khiến mấy chị cơ quan nghĩ là bác này thân anh lắm, bèn đưa sang phòng. Gần trưa, khi vị khách đã xuống cầu thang, anh Thông qua chỗ chúng tôi, mặt đầy mệt mỏi, đặt xuống tập bản thảo thơ viết tay dày cộp của vị khách kia, kèm câu: “Thế là... ‘đi’ buổi sáng”.

Thương cho cái máy tính tội nghiệp của anh Thông phải đau đớn vì chịu đựng những cú mổ cò bùm bụp. Nhưng chính những cú mổ dữ dội đó đã mang đến cho đời nhiều câu thơ, bài thơ rất đỗi tha thiết, dịu dàng...

Thì ra, anh bị “nhà thơ” kia  “cưỡng bức” nghe vài chục bài thơ nôm na tới hơn ba giờ đồng hồ, không cách nào thoát ra được. Chị trong cơ quan ái ngại quá, mới xin lỗi mà rằng: “Lần sau, ‘nhà thơ ấy tới, bọn em sẽ chối khéo!”. Mặt anh có vẻ buồn, lặng một phút rồi nói, giọng day dứt: “Nhưng anh ấy ở xa tới, lại tin mình, nhờ mình thẩm định. Làm thế khó coi”.

Vậy đấy, đã vị nể, còn vị tình nên về sau, anh còn vài bận phải làm khán giả bất đắc dĩ nữa, cũng tại phòng làm việc nhỏ xíu, qua cửa sổ gần như với cả được những cành lá xanh của cây hoa sữa.  Chỉ có điều, chẳng thấy anh phàn nàn thêm một lời nào. Sự chịu đựng lặng lẽ đó của anh hóa ra lại cho chúng tôi thêm một bài học ứng xử ở đời.

Những năm làm Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, anh Vũ Duy Thông rất bận. Bận vì công việc liên quan cả hai mảng rộng và đang bắt đầu sôi động. Bận vì anh còn tham gia giảng dạy, lại còn làm thơ, làm văn, làm báo. Năm 1998, anh đồng thời giữ chuyên mục hằng tuần cho cả hai tờ Gia đình & Xã hội và Nông thôn ngày nay... Vậy mà cũng năm đó, anh ra liền 2 tập thơ và một tập khảo cứu văn chương gần 400 trang in.

Lạ cho cách viết của anh. Anh chỉ viết tay bằng bút mực, dù được cơ quan trang bị một bộ máy tính 486 kèm máy in mới tinh – khi đó còn là của hiếm. Bản thảo anh viết chỉ một lần, sạch, chữ chân phương, dễ đọc. Sau này, có lẽ nể việc nhờ vả anh em đánh máy lại, anh cố tập sử dụng máy tính. Thương cho cái máy tính tội nghiệp của anh phải đau đớn vì chịu đựng những cú mổ cò bùm bụp. Nhưng chính những cú mổ dữ dội đó đã mang đến cho đời nhiều câu thơ, bài thơ rất đỗi tha thiết, dịu dàng...

Thoắt cái, đã hơn 20 năm. Cuối năm ngoái, biết anh ốm, chúng tôi tới thăm anh tại nhà riêng ở ngõ Văn Chương. Thi nhân nằm trên tầng 3, mắt lim dim, mệt mỏi. Vậy mà khi nhận ra người cơ quan cũ, anh trở dậy, áo quần chỉnh tề xuống ngồi với chúng tôi tại phòng khách tầng hai, chuyện trò nhiệt tình và rất vui.

Giờ thì anh đã đi xa, rất xa rồi! Chợt nhớ những câu thơ trong bài “Lời của mùa đông” anh viết về sự ra đi của một người bạn thơ:

“Tôi sẽ ra đi
Như tờ lịch trên tường
Như dòng sông tan mình vào biển
Như quả chín tới tận cùng sự chín
Hạt vùi trong đất đợi mùa sau”.

Còn có mùa sau để mà gặp lại nữa không, anh Thông ơi?!

 Vũ Đình Thường
Bình luận
vtcnews.vn