Theo The War Zone, một đám cháy lớn đã bùng phát trên tàu sân bay Minsk, con tàu thuộc lớp Kiev được đóng từ thời Liên Xô cũ. Chiếc tàu sân bay bị bỏ rơi này đang mục nát trong một đầm phá nhân tạo, ngay bên ngoài một đoạn sông Dương Tử ở Trung Quốc nhiều năm nay.
Theo truyền thông Trung Quốc, đám cháy đã được dập tắt, phần kiến trúc thượng tầng của tàu đã bị phá hủy và nguyên nhân vụ cháy đang được làm rõ. Chính quyền địa phương cho biết vụ cháy bùng phát vào khoảng 4 giờ chiều theo giờ địa phương, không có thương vong và vụ việc đang được điều tra.
Theo các chuyên gia, một vụ hỏa hoạn xảy ra trên tàu, ngay cả trong điều kiện con tàu đang hoạt động tốt cũng dễ dàng trở thành thảm họa, đặc biệt là nếu chúng đang được bảo dưỡng và chỉ có một nhóm thủy thủ đoàn trên tàu để canh gác.
Một ví dụ điển hình về điều này là vụ hỏa hoạn kéo dài nhiều ngày, trên tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp của Hải quân Mỹ USS Bonhomme Richard vào năm 2020, cuối cùng con tàu đã bị hư hại hoàn toàn. Trong khi đó, với tình trạng mục nát như hiện tại, thì tàu sân bay Minsk có thể sẽ chịu mức độ hư hại lớn hơn nhiều.
Minsk được đưa vào biên chế của Hải quân Liên Xô từ năm 1978. Nhìn chung, lớp Kiev là một thiết kế kỳ lạ trong số các tàu chiến, nó là sự pha trộn giữa tàu sân bay và tàu tuần dương chiến đấu.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hải quân Nga thừa hưởng các tàu này, nhưng nhanh chóng nhận thấy chúng khó bảo trì và tốn kém. Năm 1993, tàu chị em của Minsk là Novorossiysk đã bị hỏa hoạn lớn ở phòng máy.
Ba trong bốn tàu sân bay lớp Kiev cuối cùng đã được bán đi, với Minsk và Novorossiysk ban đầu được chuyển đến một công ty phá dỡ tàu ở Hàn Quốc. Đô đốc Gorshkov (tên ban đầu là Baku) đã được bán cho Ấn Độ vào năm 2004, được quốc gia này cải tạo thành tàu sân bay và đưa vào hoạt động từ năm 2013 với tên gọi là INS Vikramaditya.
Novorossiysk cuối cùng đã bị phá dỡ tại Hàn Quốc, nhưng các cuộc biểu tình của người dân địa phương đã khiến tàu sân bay Minsk bị bán cho một công ty Trung Quốc để phá dỡ. Một nhóm doanh nhân Trung Quốc sau đó đã cứu chiếc Minsk khỏi việc bị tháo dỡ. Con tàu đã được sửa chữa và trở thành trung tâm của một công viên có tên là “Minsk World” mở cửa vào năm 2000.
Các ông chủ Trung Quốc đã trưng bày những chiếc máy bay chiến đấu do Liên Xô thiết kế và máy bay chiến đấu của Trung Quốc trên boong để người dân tham quan, đồng thời biến con tàu thành nơi tổ chức các sự kiện văn hóa. Tuy nhiên, Minsk World đã phá sản vào năm 2006 và chính phủ Trung Quốc tiếp quản công viên này cùng với con tàu.
Vào cuối những năm 2010, tàu sân bay Minsk đã được di dời đến nơi neo đậu hiện tại, cách thành phố Thượng Hải của Trung Quốc khoảng 50 dặm về phía tây bắc. Kế hoạch thành lập một Minsk World mới không bao giờ thành hiện thực và con tàu ngày càng xuống cấp này đã trở thành điểm đến cho những người được gọi là 'nhà thám hiểm' hoặc các youtube ưa khám phá.
Có một số báo cáo cho rằng, chính quyền thành phố Nam Thông gần đó đã công bố kế hoạch vào tháng 1/2024 để phục hồi con tàu và biến nó thành "trung tâm giáo dục khoa học quốc phòng".
May mắn hơn Minsk, một chiếc tàu sân bay khác cùng lớp có tên là Kiev được bán cho Trung Quốc vào năm 2000, hiện đang là một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng tại Công viên máy bay Binhai ở Thiên Tân, Trung Quốc, cách Bắc Kinh khoảng 100 dặm về phía đông nam. Năm 2011, công ty sở hữu Binhai đã công bố kế hoạch cải tạo chiếc tàu sân bay này, nó được bảo dưỡng tốt hơn nhiều so với Minsk và trở thành một khách sạn nổi sang trọng.
Mức độ thiệt hại mà tàu Minsk cũ có thể phải chịu hiện vẫn chưa được công bố cụ thể. Thật đáng buồn khi những vận đen vẫn chưa chịu buông tha cho con tàu có số phận hẩm hiu này.
Bình luận