Văn bản của tỉnh Khánh Hoà là trái pháp luật
Cụ thể, tại công văn số 12143/UBND-KGVX do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Vinh ký ngày 27/11/2018 gửi một số sở, ngành liên quan của tỉnh Khánh Hòa về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu các dự án không được chuyển nhượng và thay đổi cổ đông được phản ánh là có nội dung trái luật.
Xung quanh câu chuyện này, trả lời báo chí, GS Đặng Hùng Võ cho rằng: “Văn bản đưa ra của tỉnh Khánh Hoà là văn bản trái pháp luật bởi các Bộ, ngành tương cũng không hề có văn bản nào như vậy. Du lịch nghỉ dưỡng thuộc quyền sở hữu của nhà đầu tư thứ cấp, họ được cấp sổ thì họ có quyền chuyển nhượng cớ gì lại cấm.
Ví dụ, một căn hộ condotel đã thuộc về người khác thì họ có quyền chuyển nhượng. Đó là chưa kể, tỉnh Khánh Hoà đang có nhiều lợi thế phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Một văn bản ban hành không sát với thực tế chắc chắn sẽ giảm khả năng thu hút đầu tư của Khánh Hòa. Văn bản đi ngược với chủ trương phát triển du lịch là không được. Mặc dù có đính chính nhưng đính chính này không làm thay đổi nội dung của văn bản trước đó”.
Ông Võ vẫn khẳng định, quan trọng nhất vẫn văn bản này là trái pháp luật và thẩm quyền của UBND cấp tỉnh là không có quyền quy định các vấn đề đó. Theo đó, để giải quyết khúc mắc này cần phải có một quy trình là ai đó phải đưa ra ý kiến rồi gửi cho Bộ Tư pháp. Sau đó Bộ Tư pháp lấy ý kiến và gửi lên cấp cao hơn.
“Người có thẩm quyền quyết định loại bỏ văn bản đó phải là Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trong bối cảnh nhà đầu tư ngoại đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, xu hướng chuyển nhượng toàn bô, từng phần dự án bất đông sản là tất yếu, chính nhà nước cũng đã cho phép việc này thì nhà đầu tư đều có quyền, tỉnh không thể đi ngược lại. Phải nghiên cứu cụ thể văn bản của Khánh Hoà, nó dùng để xử lý các dự án chậm triển khai thì phải dùng Luật đầu tư, Luật đất đai. Và đương nhiên phải xử lý xong các dự án đó thì mới tính đến chuyện cho phép làm gì, cấm làm gì” ông Võ cho hay.
Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề?
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì văn bản của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký ban hành đã gây nên những hậu quả nhãn tiền. Thời hạn điều chỉnh đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp chỉ có 3 ngày. Theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh thì sở Kế hoạch & Đầu tư phải lấy ý kiến các sở ngành rồi báo cáo xin phép UBND tỉnh. Thực tế tạo nên rào cản đối với việc thực thi Luật doanh nghiệp.
Theo quy định, bên mua cổ phần phải thanh toán xong, nộp thuế xong thì mới nộp hồ sơ lên sở KH&ĐT. Việc chờ tỉnh cho phép sẽ tạo nên rủi ro cho nhà đầu tư mua cổ phần. Thực tế công văn của tỉnh chặn đứng giao dịch mua bán cổ phần, kêu gọi vốn góp vào các cty đang có dự án.
Đối với dự án Nha trang Sao, sở KH&ĐT đã có văn bản gửi HĐND tỉnh, phân biệt rõ ràng giữa sang nhượng dự án và quyền sang nhượng cổ phần. Lập luận rằng kiểm soát mua bán cổ phần để chống lại việc sang nhượng dự án là sai.
Nếu nói rằng tỉnh chỉ khoanh vùng “các dự án có sai phạm” cũng không ổn vì để xác định dự án có sai phạm thì sở KH&ĐT phải thanh tra, chưa nói đến việc Luật đầu tư đã có cơ chế xử phạt hoặc thu hồi, thanh lý dự án sai phạm.
Văn bản của tỉnh chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp trong tỉnh. Doanh nghiệp ngoài tỉnh không làm thủ tục điều chỉnh đăng ký kinh doanh ở sở KH&ĐT Khánh Hoà, tức là các doanh nghiệp đầu tư lâu dài, có trụ sở tại Khánh Hòa bị thiệt hại. Doanh nghiệp có thể có nhiều dự án khác nhau, nếu chỉ một dự án nào đó có sai phạm thời hạn đầu tư thì mọi hoạt động khác theo Luật doanh nghiệp bị đóng băng.
Văn bản của tỉnh không có tác dụng đối với các công ty cổ phần có hơn 3 năm tuổi vì theo Luật doanh nghiệp, các công ty đó tự quản lý danh sách cổ đông. Hậu quả là các doanh nghiệp này phải chuyển trụ sở đăng ký kinh doanh khỏi tỉnh để thực hiện các hoạt động thu hút vốn, tăng vốn, thay đổi nguoi đại diện mà theo Luật doanh nghiệp là quyền đương nhiên của họ, họ chỉ “đăng ký kinh doanh” chứ không phải “xin phép”.
Hậu quả của việc này là doanh nghiệp tốn thêm chi phí, còn ngân sách địa phương thất thu và tỉnh có một môi trường đầu tư kinh doanh lạc điệu.
Một vấn đề nữa đang được đặt câu hỏi là tại sao tỉnh Khánh Hòa lại phải kiểm soát các dự án đầu tư du lịch có vốn ngoài ngân sách? Luật đầu tư đã có quy định về ký quỹ thực hiện dự án đầu tư, mức phạt khi dự án bị trễ và quy trình thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khi dự án có sai phạm nặng.
Thủ tướng đã phát đi thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo. Theo đó, nhiệm vụ xây dựng thể chế, đổi mới tư duy về quản trị, cải cách bộ máy lên đầu tiên và chuyển từ quản lý sang phục vụ người dân, doanh nghiệp và cán bộ phải gương mẫu trong lời nói và hành động, nói đi đôi với làm. Việc, xây dựng Chính phủ kiến tạo đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, phải được sự đồng tình ủng hộ của toàn thể hệ thống chính trị và toàn dân tộc Việt Nam, đặc biệt cần quyết tâm chính trị cao và lãnh đạo quyết liệt của Đảng. Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ đã và đang thu hút sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của nhân dân cả nước.
Tuy nhiên qua sự việc ở tỉnh Khánh Hòa mà cụ thể là việc ban hành văn bản mới đây bị cộng đồng doanh nghiệp phản ứng rõ ràng đã khiến cho nhiều doanh nghiệp khốn đốn và đi ngược lại với tinh thần, thông điệp kiến tạo theo như tinh thần mà Thủ tướng phủ đã truyền cảm hứng cho doanh nghiệp.
Bình luận