Tặng quà trở thành động lực tiêu dùng dịp Valentine. (Ảnh minh họa: Pexels) |
Vào tháng 2, người ta khó tránh được những dấu hiệu của Lễ Tình nhân 14/2. Dịp này, những lối đi trong siêu thị ngập tràn chocolate, thiệp, hoa và gấu bông khổng lồ; quán bar và nhà hàng địa phương cũng tung ra thực đơn đặc biệt chỉ dành cho một ngày duy nhất.
Nhưng theo Her World, câu hỏi đặt ra là liệu mọi người đang kỷ niệm ngày lễ đầy lãng mạn này vì tình yêu đích thực họ dành cho người quan trọng trong trái tim, hay do sức ép phải “bày tỏ tình cảm” được thúc đẩy bởi ngành thương mại.
Truyền thống tặng quà
Theo một cuộc thăm dò gần đây của công ty nghiên cứu thị trường YouGov, 63% số người tham gia khảo sát ở Singapore kỷ niệm ngày Valentine do áp lực từ các tổ chức thương mại, 24% thực sự tin vào ngày Lễ Tình nhân 14/2, trong khi 13% cho biết họ cảm thấy không chắc chắn.
Nhìn chung, những người trẻ Gen Z ở Singapore ít phản đối Valentine hơn so với những người lớn tuổi, với 30% người từ 18 đến 24 tuổi cho rằng đó là một dịp đáng để ăn mừng.
Tuy nhiên, bức tranh tổng thể vẫn mang sự hoài nghi nặng nề qua nhiều thế hệ, với đa số bày tỏ áp lực của thương mại hóa, thúc đẩy tiêu dùng là lý do chính khiến họ ăn mừng dịp này.
Vào thế kỷ 14 và 15, ngày 14/2 bắt đầu gắn liền với tình yêu lãng mạn và trang nhã giống như đôi uyên ương mùa xuân.
Một số nhà sử học gán người ban đầu lan truyền ý nghĩa cho Geoffrey Chaucer, một nhà thơ người Anh. Vào khoảng những năm 1370, 1380, ông đã viết cuốn “Parliament of Fowls”, trong đó có một dòng nói về Ngày Thánh Valentine, ngày để loài chim chọn bạn đời của chúng.
Khi ý nghĩa của ngày này lan rộng ra khắp thế giới, các cặp vợ chồng người Anh và Mỹ ở thế kỷ 18 bắt đầu kỷ niệm nó theo cách gần giống với những gì chúng ta làm ngày nay: hoa, đồ ngọt và thiệp chúc mừng có hình trái tim với thần Cupid - vị thần của ham muốn và sự hấp dẫn tình dục. Thời điểm đó, những tấm thiệp được làm thủ công để bày tỏ tình yêu.
Vào những năm 1840, Esther A. Howland bắt đầu bán số lượng lớn thiệp lễ tình yêu ở Mỹ, mang lại cho bà biệt danh “Mẹ của Lễ Tình nhân”. Sau đó là sự bùng nổ của ngành kinh doanh trong ngày kỷ niệm này.
Theo WalletHub, người Mỹ sẽ chi trung bình 164,76 USD cho ngày Lễ Tình nhân năm 2021; điều này tương đương với tổng chi tiêu gần 22 tỷ USD. Có không ít người đong đếm tình cảm thông qua giá trị các món quà.
Áp lực thương mại hóa
Một cuộc khảo sát đã được YouGov thực hiện trên 18 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 19.000 người được khảo sát. Thật thú vị, nhiều dân mạng Trung Quốc coi ngày Lễ Tình nhân được tổ chức vì ý nghĩa của nó nhất, với 41%. Tuy nhiên, nhiều người (45%) tin rằng nó được tổ chức nhiều hơn do áp lực của quảng cáo thương mại.
Người Đan Mạch ít coi Ngày Valentine là một dịp đặc biệt “thích hợp”, chỉ 5%. 82% người dân nước này coi đây là một sự kiện được thương mại hóa nhiều hơn. Con số tương đương cũng được ghi nhận ở Anh, đứng đầu là ở Tây Ban Nha (85%).
Theo kết quả khảo sát ở các nước phương Tây, không quá 27% người nói rằng họ nghĩ ngày Valentine được tổ chức vì những lý do mang ý nghĩa “thực sự”.
Sự hoài nghi đối với lễ kỷ niệm này được chia sẻ giữa mọi giới tính trên toàn thế giới. Ở tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ, nam giới và phụ nữ gần như đồng ý với nhau rằng đây là ngày lễ được tổ chức nhiều hơn vì áp lực thương mại.
Tuy nhiên, dù Valentine có phải sự kiện bị thương mại hóa hay không, vẫn thật tuyệt khi chúng ta có cơ hội để thể hiện sự trân trọng của mình với người thương yêu. Bất kể bạn chọn thể hiện nó bằng quà tặng, một buổi tối hẹn hò lãng mạn hay một đêm ấm cúng, đó vẫn là điều ý nghĩa.
Và nếu bạn chọn không tổ chức lễ kỷ niệm, điều đó cũng hoàn toàn bình thường. Sau tất cả, mọi người có quyền tự do thể hiện tình yêu của mình thông qua những cách nhỏ và nhất quán trong suốt cả năm, không cần phải nhồi nhét mọi thứ vào một ngày duy nhất, theo một cách tốn kém.
Bình luận