Xung quanh câu chuyện về trí tuệ nhân tạo (AI) và tương lai mô hình Liên Hợp Quốc mới, phóng viên VTC News có cuộc trò chuyện với Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis, Ông Nguyễn Anh Tuấn, người vừa được Liên Hợp Quốc mời làm Tổng Biên Tập của Dự án “Liên Hợp Quốc năm 2045”, 100 năm Liên Hợp Quốc.
- Là người có sáng kiến chiến lược về Xã hội Trí tuệ Nhân tạo (AIWS), ông thấy rằng tầm quan trọng của Trí tuệ nhân tạo (AI) đối với sự phát triển văn minh nhân loại, xã hội loài người thế nào?
Tôi cho rằng, trí tuệ nhân tạo cùng với Internet sẽ định hình một nền văn minh mới của nhân loại, sẽ là một xã hội phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, cũng sẽ xuất hiện nhiều nguy cơ, hiểm hoạ trong tương lai, đòi hỏi thiết lập chế độ quản trị và chế ngự.
Theo đó, Xã hội Trí tuệ Nhân tạo là mô hình gồm bảy lớp: 1. Hiến chương; 2. Quy tắc Đạo đức; 3. Các Chuẩn; 4. Luật pháp; 5. Các quy ước, công ước; 6. Các ứng dụng vào quản trị xã hội; 7. Các ứng dụng trong đời sống dân sinh.
Các lớp này sẽ góp phần định hướng và tạo ra mô hình xã hội, ứng dụng AI một cách sâu rộng, phát huy những ưu việt và quản trị hạn chế hay những nguy cơ, rủi ro do AI đem đến.
- Ngày nay, AI sẽ tạo ra đột phá đáng kinh ngạc, có khả năng thay đổi thế giới và văn minh loài người. Vậy, Xã hội Trí tuệ Nhân tạo có những ý tưởng gì để sắp đặt tương lai thế giới với xu thế này, thưa ông?
Trước hết, Xã hội Trí tuệ Nhân tạo xây dựng mô hình Chính phủ Trí tuệ Nhân tạo (AI-Government), Công dân Trí tuệ Nhân tạo (AI-Citizen), Khế ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo 2020 và Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo.
Ở đó có sự tham gia của nhiều nhà người đứng đầu các nước văn minh, các nhà tư tưởng hàng đầu thế giới, cũng như những nhà lãnh đạo, chuyên gia trẻ xuất sắc.
Trong Khế ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo xác định ra bảy nhánh quyền lực trong thời đại AI. Đó là: 1. Chính phủ; 2. Quốc hội; 3. Toà án; 4. Doanh nghiệp; 5. Tổ chức xã hội công dân; 6. Công dân; 7. Trợ lý Trí tuệ Nhân tạo.
Tất cả nhằm tạo ra những chuẩn mực, tạo ra cơ chế vận hành, quản trị, kiểm soát quyền lực, trên cơ sở công khai, minh bạch, phục vụ công dân. Đồng thời phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của công dân, tạo điều kiện để công dân tham gia trực tiếp vào mọi mặt đời sống chính trị, xã hội với sự trợ giúp thông minh của trí tuệ nhân tạo, sẽ góp phần tạo ra một thế giới tốt đẹp, văn minh.
Đây chính là nền tảng cho một nền dân chủ mới –“Dân chủ Thông minh”.
- Con người phải có “tinh thần đổi mới”, dám nghĩ khác, dám làm khác, nắm bắt xu hướng mới của tương lai và dẫn dắt xã hội trong thời đại Trí tuệ Nhân tạo, phải không thưa ông?
Đúng vậy. Xã hội Trí tuệ Nhân tạo sẽ tạo ra sự đột phá, đòi hỏi phải có tư duy, cách làm mới. Cụ thể, sát sườn nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Theo đó, giáo dục trong Xã hội Trí tuệ Nhân tạo sẽ tập trung phát huy cao nhất khả năng sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng kết nối, tương tác giữa những cá nhân, nhằm tạo dựng những giá trị mới, trên nền tảng những chuẩn mực văn minh chung của thế giới.
Như vậy, các chương trình đào tạo ở các bậc học sẽ phải thay đổi, đồng thời cách thức đào tạo cũng phải thay đổi.
Trong lĩnh vực y tế, những mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo dành cho chăm sóc sức khoẻ (cụ thể là khám, chữa bệnh) sẽ đem đến những cách làm, mô hình mới tiên tiến, hiệu quả và có tính rộng khắp.
- Và những tư duy này sẽ thể hiện như thế nào trong Xã hội Trí tuệ Nhân tạo và Dự án Liên Hợp Quốc năm 2045?
Đối với Dự án Liên Hợp Quốc 2045, năm Liên Hợp Quốc tròn 100 tuổi, nó sẽ lấy những chuẩn mực, nguyên lý nền tảng của Khế ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo 2020 để khuyến nghị xây dựng thế giới năm 2045. Theo đó, phải xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực, đặc biệt là phải xây dựng mô hình mới cho Liên Hợp Quốc, trên cơ sở những chuẩn mực văn minh.
Bên cạnh đó, vai trò, vị trí và tiếng nói của mỗi quốc gia cần được thiết lập trên cơ sở đóng góp của quốc gia đó vào việc gìn giữ những giá trị chuẩn mực văn minh, hướng nhân loại đến một thế giới hoà bình, an ninh, phồn vinh.
Cùng với vai trò của các Chính phủ, các quốc gia, vai trò của các nhánh quyền lực như: Doanh nghiệp, Tổ chức xã hội công dân, Công dân, Trợ lý Trí tuệ Nhân tạo trên toàn cầu cũng phải được xác lập, có vai trò, có tiếng nói, trên cơ sở những chuẩn mực giá trị văn minh chung của thế giới vào năm 2045.
- Trên một số diễn đàn quốc tế, ông có đề cập đến “tinh thần lãnh đạo và đổi mới, sáng tạo trong thời đại Trí tuệ Nhân tạo” thể hiện qua Chính phủ Trí tuệ Nhân tạo (AI-Government), Khế ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo 2020, Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo. Hai vấn đề trên được biểu hiện trên phạm vi toàn cầu nói chung và ở Việt Nam thế nào thưa ông?
Cần xây dựng Liên Hợp Quốc như một Chính phủ toàn cầu, với ứng dụng sâu rộng của AI, để ra những quyết định thông minh, tối ưu, khách quan nhất.
Ông Nguyễn Anh Tuấn
Theo tôi, ở phạm vi toàn cầu, chúng ta cần những tư duy lãnh đạo mới, cần những liên minh giữa các tổ chức xã hội, giữa các công dân, giữa các nguồn lực văn minh, tiến bộ từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau… để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Theo đó, Internet và AI là nền tảng rất tốt để hỗ trợ ra những quyết định thông minh, tối ưu, khách quan.
Ở Việt Nam, đó là khơi dậy, tạo điều kiện để mọi công dân tham gia đóng góp, xây dựng, sáng tạo một xã hội tốt đẹp, văn minh. Từ đó, Việt Nam sẽ đột phá vươn lên, trở thành nước văn minh, giàu mạnh hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.
- Hiện nay, các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Trung,..đang tích cực phát triển công nghệ AI vào lĩnh vực quốc phòng an ninh, tạo ra môi trường chiến tranh không gian mạng và sử dụng robot nhân tạo. Trong tương lai, liệu điều này gây ra một cuộc khủng khoảng cho cơ chế hiện nay của Liên Hợp Quốc không, thưa ông?
Tôi cho rằng, nếu không có cơ chế kiểm soát cuộc chạy đua vũ trang, thì chắc chắn thế giới sẽ đối mặt với những hiểm hoạ khôn lường trong tương lai. Trong đó, vai trò điều phối của Liên Hợp Quốc là rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, cần thiết phải cải tổ, xây dựng một Liên hợp Quốc mới có quyền lực thực sự, có chế tài thực sự để quản trị, giải quyết các thách thức của nhân loại.
- Khế ước Xã hội Trí tuệ Nhân tạo 2020 đã đưa ra ý niệm về 7 nhánh quyền lực trong thời đại trí tuệ nhân tạo. Theo ông 7 nhánh quyền lực này có thể tạo ra Cơ chế để kiểm soát cuộc chiến robot và AI giữa các cường quốc trong tương lai, thưa ông?
Nếu phát huy vai trò kiểm soát của 7 nhánh quyền lực này, đặc biệt là vai trò và sự liên kết của doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội công dân, của mỗi công dân, của trợ lý AI trên toàn thế giới, thì có khả năng kiểm soát, chế ngự những hiểm hoạ từ cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm này.
- Vai trò điều phối của Liên Hợp Quốc trong vấn đề này ra sao, thưa ông?
Tôi cho rằng, Liên Hợp Quốc cần được tổ chức như mô hình Chính phủ toàn cầu. Tức là liên kết các nguồn lực, các nhành quyền lực toàn cầu thì sẽ có khả năng điều phối, đưa ra chế tài và giải quyết các thách thức đặt ra.
Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng cơ chế để giám sát, kiểm soát quyền lực của Liên Hợp Quốc mới.
- Lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2017, Liên Hợp Quốc đã lãnh đạo một cuộc họp chung của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) và Ủy ban thứ hai để xem xét vai trò và tác động của AI đối với sự phát triển bền vững. Những động thái của Liên Hợp Quốc liệu đã kịp thời chưa, thưa ông?
Tôi thấy thời điểm bắt đầu của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc và Ủy ban thứ hai để xem xét vai trò và tác động của AI đối với sự phát triển bền vững như vậy là kịp thời, nhưng tiến trình trong 2 năm qua còn chậm.
- Nhóm Phát triển Liên Hợp Quốc còn đưa ra hướng dẫn chung về quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ dữ liệu và đạo đức dữ liệu. Đạo đức dữ liệu cần được hiểu thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng, đạo đức dữ liệu - đơn giản là dữ liệu, là quyền riêng tư của mỗi cá nhân phải được tôn trọng.
Nó phải được tôn trọng, bảo vệ như là tài sản của mỗi cá nhân. Dữ liệu cá nhân phải được bảo vệ để không bị làm méo mó, sai biệt với dữ liệu gốc.
- Hiện nay Liên Hợp Quốc cần đổi mới như thế nào để bắt nhịp với thời đại trí tuệ nhân tạo, xã hội trí tuệ nhân tạo, thưa ông?
Như tôi đã nêu ở trên, cần xây dựng Liên Hợp Quốc như một Chính phủ toàn cầu, với ứng dụng sâu rộng của AI, để ra những quyết định thông minh, tối ưu, khách quan nhất.
- Những thách thức và khó khăn mà Liên Hợp Quốc đang đối mặt trong thời đại trí tuệ nhân tạo hiện nay, thưa ông?
Khó khăn thách thức lớn nhất mà Liên Hợp Quốc phải đối mặt và giải quyết là làm thế nào để tạo sự đồng thuận giữa Chính phủ các quốc gia, để gìn giữ hoà bình, an ninh trên thế giới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn
Hơn nữa là làm thế nào để các quốc gia tôn trọng và nghiêm túc thực hiện chuẩn mực chung do Liên Hợp Quốc ban hành, không giải thích méo mó và thực hiện theo cách nguỵ biện.
Vì hoàn cảnh thế giới trong thế kỷ XXI hiện nay rất khác so với hoàn cảnh thế giới năm 1945, khi Liên Hợp Quốc bắt đầu ra đời. Do đó, cần xây dựng mô hình mới để Liên Hợp Quốc có thực quyền.
- Dự án Liên Hợp Quốc 2045 có những ý tưởng gì để giải quyết những khó khăn, thách thức đó?
Mô hình Liên Hợp Quốc mới đang được nhiều nhà lãnh đạo của các nước văn minh, tiên tiến, các nhà tư tưởng hàng đầu và các nhà hoạt động thực tiễn có uy tín lớn trên thế giới tham gia thảo luận trong Dự án Liên Hợp Quốc 2045.
Những nét phác thảo ban đầu của mô hình Liên Hợp Quốc mới là định vị vai trò lớn hơn, có khả năng đưa ra các chế tài, định vị lại cơ chế ra quyết định, xem xét vai trò của các quốc gia.
Theo đó, tiếng nói, vai trò của các quốc gia cần được xác lập trên cơ sở những giá trị, chuẩn mực văn minh, tiên tiến. Quốc gia nào đóng góp nhiều để xây dựng một thế giới văn minh, tiên tiến, bảo đảm cho nền hoà bình, an ninh của thế giới thì sẽ có tiếng nói và vai trò tương ứng với đóng góp và cống hiến.
Bên cạnh đó, cần xem xét, thiết lập vai trò, tiếng nói của các nhánh quyền lực khác như các tổ chức xã hội công dân, các nhân vật có uy tín lớn cống hiến cho hoà bình, an ninh, các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và mẫu mực đóng góp cho các chuẩn mực giá trị văn minh, các hệ thống trợ lý AI.
- Dự án Liên Hợp Quốc năm 2045 là nhằm cải tổ Liên Hợp Quốc. Cái mới sẽ đối mặt với sự trì kéo của cái cũ. Làm thế nào để dự án này trở thành hiện thực?
Tôi cho rằng, chắc chắn những tư tưởng mới sẽ gặp những trở lực lớn. Nhưng nếu đó là quy luật khách quan, là quy luật tất yếu của sự phát triển của nhân loại, có thể đem đến văn minh, đem đến hoà bình, an ninh cho thế giới, thì chính nhân loại sẽ vận động để biến điều đó trở thành hiện thực.
- Xin cảm ơn ông!
Năm 2017, Sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân tạo (AIWS) của Diễn đàn Toàn cầu Boston đã ra đời, trở thành một trong những diễn đàn, hội nghị lớn trên thế giới. Sáng kiến này được xây dựng và phát triển bởi Tổng giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston Nguyễn Anh Tuấn và 9 nhà lãnh đạo và nhà tư tưởng nổi tiếng thế giới khác.
Sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân tạo trở thành nhân tố quan trọng với các sự kiện lớn khác như Hội nghị Thế giới Trí tuệ Nhân tạo (được xem là hội nghị lớn nhất về Trí tuệ Nhân tạo hàng năm hiện nay), Hội Nghị Chính phủ Trí tuệ Nhân tạo (diễn ra vào tháng 6/2019 ở Washington DC).
Ngoài ra, Xã Hội Trí Tuệ Nhân tạo đã được trân trọng ở Hội nghị Riga-2019 (Hội nghị của các nhà lãnh đạo thế giới hàng năm ở Riga), Hội nghị của Liên minh Lãnh đạo Thế giới – “Club de Madrid -2019”(tổ chức của hơn 100 cựu tổng thống, cựu thủ tướng của các nước G7, OECD) và Hội nghị Thượng đỉnh G7 (vào các năm 2018 -2019).
Đặc biệt, Liên Hợp Quốc cũng vừa tổ chức bài giảng đặc biệt về Xã hội Trí tuệ Nhân tạo, nhân kỷ niệm Ngày Hiến chương Liên Hợp Quốc (26/6/2019). Ngoài ra, Chương trình Lãnh đạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo được triển khai ở một số trường đại học trên thế giới.
Ngày 12/12/2019, Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo đã ra đời ở Đại học Harvard, với sự bảo trợ của Bang Masachusetts và Đại học MIT.
Với những sáng kiến đi tiên phong đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo đã được Liên Hợp Quốc mời làm Tổng Biên Tập của dự án Liên Hợp Quốc Năm 2045. Dự án đã quy tụ những nguyên thủ quốc gia các nước văn minh, tiên tiến, các nhà tư tưởng lớn, cũng như cha đẻ Internet Vint Cerf.
Bình luận