• Zalo

Vài trăm ngàn/m2, vì sao đất khu nhà Mỹ Linh vẫn ế?

Kinh tếThứ Bảy, 18/05/2013 09:05:00 +07:00Google News

Mặc dù được rao bán với giá rất rẻ, thậm chí chỉ vài trăm ngàn/m2 nhưng đất khu vực nhà ca sỹ Mỹ Linh vẫn ế ẩm.

Mặc dù được rao bán với giá rất rẻ, thậm chí chỉ vài trăm ngàn/m2 nhưng đất khu vực nhà ca sỹ Mỹ Linh vẫn ế ẩm.

Giá rẻ vẫn ế khách

Là nơi được thiên nhiên ban tặng, Sóc Sơn có diện tích đất rừng lên tới vài nghìn héc ta. Vài năm trước, dân Hà Nội có nhu cầu trang trại đã đổ xô đi lùng đất ở các vùng lân cận. Sóc Sơn trở thành vùng đất hứa trong các cuộc săn tìm, lùng sục. Trong đó nhiều diện tích đất lâm nghiệp được người dân ở đây ồ ạt rao bán chuyển nhượng.

Tìm hiểu tại một vài văn phòng giao dịch nhà đất tại Sóc Sơn, một "cò" đất tại đây cho biết: Hiện nay người tìm mua đất ở trên đây đã giảm đi nhiều so với trước đây. Nhưng bây giờ người ta mua là do nhu cầu thực tế chứ không phải mục đích đầu cơ như ngày xưa nữa. Thực ra giai đoạn này cũng có nhiều người hỏi mua đất diện tích từ 500 – 700m2.

"Nói chung đất thì nhiều nhưng vấn đề là khách hàng muốn mua đất như thế nào thôi".  
Ngỏ ý muốn mua đất để xây khu nhà vườn nghỉ dưỡng cuối tuần, anh đưa ra nhiều thông tin tham khảo.

“Bây giờ ở trên này đất thì thiếu gì. Đất vài trăm, 1 triệu, 2 triệu/m2, 3 – 5 triệu/m2 cũng có. Nói chung đất thì nhiều nhưng vấn đề là khách hàng muốn mua đất như thế nào thôi.

Nếu với mức đầu tư khoảng 2 – 2,5 triệu đồng/m2 thì muốn xây nhà, xây biệt thự hay làm trời bể gì cũng không ai có thể làm gì được cả. Với mức giá đó có thể mua được đất thổ cư có sổ đỏ”.

Tuy nhiên khi đặt vấn đề về tính pháp lý trong câu chuyện nhà vườn của Mỹ Linh và phủ Thành Chương, "cò" đất thẳng thắn: “Đất như của Mỹ Linh hay đất của Thành Chương đó là đất rừng. Bây giờ, tự nhiên bảo xây một cái nhà ra ruộng, xây lên giữa đỉnh núi thì có ai dám xây. Nhưng xây nhà ở những chỗ mà người ta xây rồi thì mình mới dám làm chứ. Nên vấn đề cũng không đáng lo nhiều lắm.

Đất rừng thì rẻ lại mua được diện tích lớn. Nếu lựa chọn đất rừng thì phải lo lắng về vấn đề về pháp lý. Mà vấn đề khung pháp lý không tốt, thứ 2 là các bạn phải tự tin chứ các bạn cứ vừa làm lại vừa lo nhiều khi cũng không được”.

Về tính pháp lý của đất rừng hiện nay một "cò" đất khác tỏ ra khá cẩn trọng cho rằng: Với loại đất như của Mỹ Linh hay Thành Chương nếu đã mua nhà rồi thì đất như thế chỉ để làm vườn cũng không sao. Đất như thế muốn xây nhà thì khó. Bây giờ 1m2 đất rừng hay đất ruộng đều phải có sự đồng ý của chính phủ chứ huyện cũng không thể quyết định được.

Có nguy cơ bị thu hết?

Câu chuyện vi phạm trong quản lý đất rừng, buông lỏng quản lý để chuyển nhượng đất rừng ồ ạt tại Sóc Sơn giờ vẫn chỉ là chuyện cũ. Từ năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã đưa kết luận về vấn đề này nhưng điều mà nhiều người quan tâm là vấn đề sẽ chấn chỉnh, xử lý ra sao.

Hiện đang sở hữu mảnh đất gần gia đình ca sĩ Mỹ Linh tại khu vực xã Minh Phú, chủ nhân khu đất này cho biết: “Mảnh đất này tôi mua từ năm 2009. Hồi đó mua được mảnh đất khu vực này cũng khá đắt.

Công trình văn hóa nổi tiếng Việt phủ Thành Chương 
Khi tôi mua xong thì có giấy trích lục bản đồ của xã có ký tên đóng dấu, hợp đồng chuyển nhượng. Tất cả diện tích của khu đất đã có trích lục rồi như sổ đỏ vẽ ra từng hướng giáp với gia đình nào, mỗi chiều là bao nhiêu mét. Theo đó thì đất đó tối thiểu là đúng pháp luật trong vòng 50 năm nữa”.

“Xung quanh đó thì người ta đã xây và ở rất nhiều không chỉ nhà ở, nghỉ dưỡng mà có chủ còn đầu tư xây dựng như cả một khu resort trên đó.

Thực ra nói thì bây giờ nói về cơ chế chính sách cũng không thể hiểu một cách tường tận được” – anh nói thêm.

Khẳng định biệt thự nhà vườn của gia đình tại khu vực xã Minh Trí là đất thổ cư do cha ông để lại có sổ đỏ đầy đủ chứ không phải là đất rừng hay đất phần trăm, anh S. bày tỏ: “Đất của Mỹ Linh hay Thành Chương là do mua đất rừng mà đất rừng thì không được phép làm nhà. Đất rừng ở trên đó thì rất rẻ.

Có thể do nhiều người tham rẻ cũng có thể là có người không biết mà mua. Người dân cũng rao bán ồ ạt cả đất rừng, đất trồng lúa họ chỉ xây tường bao xung quanh lên khoảng 20 – 30 phân với vài hàng gạch. Tất cả giao dịch chỉ là tư nhân bán với nhau chứ không có sự đảm bảo pháp lý nào từ phía nhà nước”.

Cũng theo anh S., giấy chứng nhận chuyển nhượng có xác nhận của xã cũng chỉ là một phần thôi. Vì có khi đó là loại đất gì xã cũng không nắm rõ chỉ xác nhận rằng người này bán cho người kia. Bao nhiêu trường hợp chỉ có giấy xác nhận chuyển nhượng như thế đến bây giờ vướng vào ai thì người đó mất thôi. Trước đó có thể chưa bị đụng đến nên bây giờ có nhắc tới thì lại có thu cơ bị thu hết”.

Theo Hồng Khanh/Vland

Bình luận
vtcnews.vn