Vách đá rợn người - nơi cả trăm cỗ quan tài khổng lồ không ai dám đến

Nhiều người lạc vào núi, về nhà mất hết hồn vía, ngơ ngẩn, nên mấy chục năm nay, người Mường, người Thái không dám bén mảng đến hang đá đó nữa.

Vách đá rợn người - nơi cả trăm cỗ quan tài khổng lồ không ai dám đến

Nhiều người lạc vào núi, về nhà mất hết hồn vía, ngơ ngẩn, nên mấy chục năm nay, người Mường, người Thái không dám bén mảng đến hang đá đó nữa.

Hang Ma 2
Hang Ma 3

Cách vách núi lỗ chỗ như tổ ong nhét những cỗ quan tài đối diện huyện ủy Quan Hóa (Thanh Hóa) không xa, theo hướng đi Mường Lát, là quả núi đá sừng sững trồi lên giữa hai con sông Mã và sông Luồng.

Phía chân quả núi này cây cối rậm rịt, xanh thẫm âm u. Phía ngọn núi lộ ra trắng lốp những vách đá triệu năm phơi dưới cái nắng cháy thịt của đất Quan Hóa gió Lào. Đứng dưới chân núi, mắt thường có thể nhìn thấy miệng hang nhỏ xíu lộ ra trên đỉnh núi cao vời vợi ấy.

Mùa mưa, dòng sông Luồng và sông Mã lồng lên cuộn đỏ. Tôi đi dọc sông tìm mãi mà chẳng lái đò nào dám đưa sang, cũng không ai dám đưa đi xem cái hang ma trên đỉnh núi ấy.

“Xưa kia thi thoảng người dân còn vào chân núi bắn thú, bắt ốc đá, nhưng từ khi biết có hang ma, nơi linh hồn người xưa trú ngụ, thì không ai dám vào núi đó nữa, sợ lắm!” – bà Linh, người bán tạp hóa ở chân cây cầu bắc qua sông Mã, cuối thị trấn Quan Hóa, cho biết.

Hai ngày lần lục thuê mướn các kiểu, rồi gặp chính quyền xã thôn, đều thất bại trong việc tìm người dẫn đường. Theo lời bà Linh, trước đây, ở xã Hồi Xuân, có một người đàn ông tên Tình, hay dẫn các nhóm ham khám phá, hoặc các nhà khoa học lên hang, ai đi cũng đều nhờ ông ấy, chỉ cần biếu chút là được. Thế nhưng, mấy năm trước, ông Tình đột nhiên lăn ra chết, nên hang ma rơi luôn vào quên lãng, không ai dám đến. Các lãnh đạo xã thôn cũng đều chối dẫn tôi đi với lý do chưa lên bao giờ, không biết đường (?!).

Cũng may, lần lục mãi, thì tôi lại tìm được ông Cao Bằng Nghĩa, vốn là Trưởng phòng văn hóa huyện Quan Hóa, đã về hưu, sống ẩn trong một bản nhỏ cách thị trấn không xa. Gần 20 năm qua, ông không trèo lên những hang ma đó nữa, đường quên rồi, cây mọc bít lối cả, nhưng theo ông, cứ nhằm hướng đỉnh núi cắt đường mò lên, thì kiểu gì cũng thấy.

Con thuyền máy chạy ngược sông Mã, rồi rẽ vào sông Luồng nước chảy như tên bắn. Dòng sông dốc và chảy mạnh đến nỗi, nó đâm vào dãy núi này, tạo thành một cái hang lớn nuốt trọn dòng sông, nơi có những con cá khổng lồ trú ngụ, tạo nên một huyền thoại thú vị cho vùng Mường Ca Da.

Thuyền đáp vào chân núi, ông Cao Bằng Nghĩa cẩn thận, châm nén hương, đặt gói bánh ngay lối mòn, ông khấn vái bằng tiếng Thái, tiếng Mường, tôi nghe chẳng hiểu. Ông bảo, bản thân ông ở đây, cùng các nhà khoa học nghiên cứu, rồi chứng kiến, nên ông tin những quả núi, nơi người xưa trú ngụ rất linh thiêng, do đó, không thể liều lĩnh mạo phạm.

Mặc dù cách thị trấn Quan Hóa không xa, nhưng hang quan tài với quả núi sừng sững này thuộc địa bàn bản Khẳm, xã Hồi Xuân.

Thời điểm đó, quả núi này vừa cao, vừa hiểm trở, nên có rất nhiều khỉ trú ngụ. Tuy nhiên, vì nó quá cao, nên thợ săn cũng ít khi trèo lên trên đó. Họ thường phục lưng chừng núi, chờ bọn khỉ xuống kiếm ăn thì bắn.

Hang Ma 5

Các cụ kể rằng, ở vách núi đó, có một cái hang, và có con lợn rừng khổng lồ trú ngụ. Những người thợ săn, thấy con lợn rừng này thì đều không bắn, mà vứt cung tên bỏ chạy, vì nó to như con trâu, đen sì, với cái nanh dài nửa sải thò ra như hai cặp sừng ở miệng. Vì vậy, người dân xã Hồi Xuân và thị trấn Quan Hóa thường gọi là hang Luỗng Mu, tức là hang có lợn rừng trú ngụ.

Khoảng năm 1975, một người đàn ông tên Minh, ở huyện Bá Thước, đuổi theo đàn khỉ, đã đến quả núi này. Đuổi gần đến nơi, ông bắn trúng bụng con khỉ. Nó không chết, chạy vào trong hang. Ông đuổi theo, chui vào hang, thì thấy những thân cây to nhỏ, dài ngắn, xếp ngăn nắp, la liệt trong hang.

Nghĩ rằng, đây là nơi người Tàu giấu của, ông dùng đá đập bật tung một khúc thân cây, lộ ra hộp sọ trắng lốp với vài mẩu xương ống nguyên vẹn. Quên luôn cả con khỉ, người thợ săn hãi hùng chạy xuống chân núi, như người mất hồn. Ông toàn nói những câu không ai hiểu nổi. Sau này, ông ngơ ngẩn, rồi mất.

Người thứ 2 đặt chân lên hang Luỗng Mu là anh Lường Văn Tướng, 50 tuổi, người Thái ở bản Khẳm, xã Hồi Xuân.

Hồi đó, ngoài 20 tuổi, anh vác bẫy và cung tên vào núi săn thú. Đi cả buổi chẳng gặp con gì, lúc chuẩn bị về, thì thấy con sơn dương đang gặm lá. Anh tiến lại gần, bắn một nhát trúng hông con vật.

Mũi tên tẩm thuốc, nên con vật sẽ say. Nó bỏ chạy lên đỉnh núi để tẩu thoát, anh Tướng đuổi theo. Đuổi mãi mà con vật không chịu ngã. Theo dấu máu đến tận đỉnh núi, thì dẫn vào trong một cái hang.

Lần mò vào trong hang, anh Tướng rợn tóc gáy, khi thấy những cỗ quan tài bung bét, xương trắng la liệt, hộp sọ trắng lốp. Lấy hết can đảm, anh Tướng đi sâu vào trong hang, nhưng không thấy con vật đâu, mà chỉ thấy toàn xương người. Cảm giác âm khí rờn rợn chạy dọc sống lưng, khiến anh Tướng mất hết hồn vía.

Về nhà, anh Tướng biến thành người khác, như kiểu mất hồn. Lúc nào anh cũng có cảm giác xương cốt dính quanh mình. Anh không chịu ăn uống, mặt mũi hốc hác, chỉ còn da bọc xương. Người Mường, người Thái tin rằng, anh đã bị những con ma trong rừng bắt mất hồn vía. Để gọi được “ba hồn bảy vía” trở về, thì phải nhờ thầy cúng.

Quả nhiên, sau khi được thầy cúng đến nhà, lập đàn lễ, gọi hồn vía về, thì anh Tướng tỉnh lại. Lúc đó, anh Tướng kể lại toàn bộ câu chuyện, thì người dân trong bản, trong vùng xôn xao. Họ tin rằng, anh Tướng xâm phạm nơi yên nghỉ của người xưa, nên mới bị phạt nặng như vậy.

Lúc đó, người dân trong vùng mới biết, sau khi người thợ săn ở Bá Thước phát hiện hang quan tài, thì một nhóm thợ săn kho báu đã tìm đến, phá bung tất cả quan tài thân cây để tìm cổ vật. Chẳng biết họ có lấy được thứ gì quý giá không, nhưng lúc anh Tướng tìm lên, thì tất cả quan tài đã bung bét, với xương cốt rơi vãi tóe loe ra ngoài.

Không rõ câu chuyện của người thợ săn và của anh Tướng kia có sức ảnh hưởng, và gây sợ hãi thế nào, mà nhiều người lạc vào núi đó, về nhà cũng mất hết hồn vía, ngơ ngẩn. Chính vì vậy, mấy chục năm nay, người Mường, người Thái trong vùng không ai dám bén mảng đến hang đá đó nữa.

Hang Ma 8

Đường không dài, nhưng vách núi hiểm trở, cây mọc bít lối, đặc biệt lá han ngứa rách da thịt mọc đầy vách đá, nên phải mất vài tiếng, với cả chục lần nhầm đường, tôi vào ông Cao Bằng Nghĩa mới tìm lên được hang Luỗng Mu, mà cư dân ở đây gọi là Hang Ma, hay Hang Quan Tài.

Với kinh nghiệm đi rừng và sự thận trọng với vấn đề tâm linh, ông Cao Bằng Nghĩa không vào hang vội, mà đặt bánh kẹo, thắp nhang nghi ngút khói, rồi khấn vái một lúc, mới cùng tôi khám phá hang động.

Trước mắt tôi, là một cửa hang khá hẹp, nhưng bên trong khá rộng, phải đến 70m2. Trong hang la liệt các cỗ quan tài thân cây, đã bửa làm đôi vì bọn trộm mộ phá. Có lẽ phải có đến cả trăm bộ quan tài. Phía sâu trong hang, những giá đỡ bằng gỗ vẫn còn nguyên vẹn. Trên giá đó, những chiếc quan tài vốn được xếp ngay ngắn. Tuy nhiên, giá thì còn, mà quan tài thì bung bét dưới đất.

Trong hang có đủ các loại quan tài, có chiếc chỉ dài hơn mét, dùng táng trẻ con, có chiếc dài đến 2,8m, trừ phần đầu và đuôi, thì lòng quan tài vẫn còn dài 2,2m, dùng để táng người cực kỳ cao lớn. Tôi trộm nghĩ, người Việt thời nay nằm trong chiếc quan tài đó vẫn còn thừa đầu, thừa đuôi rất nhiều.

Phía phải của lòng hang, có một ngách nhỏ, lách vừa người sang. Chui qua ngách nhỏ đó, thì lại một hang nữa hiện ra, rộng chừng 30m2, cũng có vài chục bộ quan tài thân cây nằm la liệt. Có chiếc gác đầu thò ra ngoài vách đá.

Đi qua hang nhỏ này, thì có một lỗ nhỏ chui tiếp xuống tầng hang thứ 3. Các nhà khoa học đã dùng mấy chiếc quan tài làm thang, mới có thể bám vào tụt xuống được, bởi lỗi đi dựng đứng, tụt từ trần hang xuống. Hang này rộng chừng 50m2 và cũng có vài chục quan tài thân cây, không chiếc nào còn nguyên vẹn, đều đã bị phá bung ra rồi.

“20 năm trước, tôi dẫn các nhà khảo cổ lên đây, thấy xương cốt còn nhiều lắm, nhưng giờ không thấy đâu nữa. Có thể đào đất dưới hang lên vẫn thấy. Có thể nhiều người tìm lên gom xương đem chôn, hoặc các nhà khảo cổ đem các mẫu xương đi giám định. Đến giờ, bao nhiêu năm nghiên cứu, với nhiều nhóm nhà khoa học đã đến, nhưng vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về chủ nhân của những động táng này” – ông Cao Bằng Nghĩa chia sẻ.

Chúng tôi lần lục một lúc trong hang, thì gặp được vài mẩu xương nhỏ. Điều đặc biệt, gạt chút đất ở chân vách đá, thì nhặt được một đồng tiền cổ, đã sắp gãy làm đôi, nhưng chữ trên đồng tiền vẫn còn rõ. Những đồng tiền cổ sẽ là câu trả lời cho niên đại những ngôi mộ.

Còn tiếp...
Phạm Ngọc Dương
MR.T
15.06.2018
Nguồn: