Việt Nam tự hào là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất được vắc xin, với 8/12 loại vắc xin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đồng thời, Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là Cơ quan quản lý vắc xin đạt chuẩn theo quốc tế.
Là một trong những nước trên thế giới sản xuất vắc xin cúm
Sau nhiều năm nghiên cứu, phát triển, ngày 25/9/2018, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC - Bộ Y tế) phối hợp với các bên liên quan công bố thử nghiệm thành công vắc xin cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1.
Đây là loại vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí. Như vậy, nước ta chính thức có tên trên bản đồ thế giới là một trong những quốc gia tham gia sản xuất vắc xin cúm.
Cùng với đó, ngày 13/12/2018, Dự án sản xuất vắc xin sởi do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (POLYVAC) thực hiện, đã hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin sởi, vắc xin phối hợp sởi - rubella và sản xuất thành công vắc xin chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất vắc xin và đã sản xuất được nhiều loại vắc xin như vắc xin lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn…
Đặc biệt, từ tháng 4/2018, vắc xin sởi - rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc.
vắc xin sởi-rubella (MRVAC) do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Bộ Y tế sản xuất. Cả nước hiện có 19 tỉnh, thành phố đã triển khai gồm: Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắc Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Dương và Bình Phước.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Ðào tạo, Bộ Y tế cho biết, hiện tất cả vắc xin của Việt Nam đều được sản xuất trên dây chuyền công nghệ đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) của WHO. Cơ quan quản lý về vắc xin của Việt Nam (NRA) đã được WHO đánh giá và công nhận đạt yêu cầu của WHO vào năm 2015.
“Những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam hiện nay, như vắc xin sởi, vắc xin phối hợp sởi - rubella, rota, cúm mùa, viêm não Nhật Bản… không những đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu lớn” - ông Quang cho biết.
Việt Nam tuy được thế giới đánh giá cao trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người. Tuy nhiên, thời gian qua một số vắc xin có nhu cầu sử dụng lớn như vắc xin 5 trong 1, vắc xin dại… vẫn bị thụ động, khan hiếm do chưa tự sản xuất được, phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tiến tới không phụ thuộc vắc xin ngoại nhập
Các chuyên gia cho rằng, việc phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài đang đặt ra áp lực cần phải đẩy nhanh tiến độ trong nghiên cứu và sản xuất các chủng loại vắc xin có mức sử dụng lớn để chủ động cân đối nhu cầu trong nước và chủ động kế hoạch sản xuất.
Theo các chuyên gia, việc sản xuất được nhiều loại vắc xin sẽ giúp chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia chủ động hơn trong công tác tiêm chủng; hạn chế cảnh “cháy” hàng và giá thành rẻ hơn vắc xin nhập ngoại.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu các sản phẩm phòng bệnh. Đặc biệt, hiện nay Chương trình sản phẩm quốc gia đang nghiên cứu các loại vắc xin phòng bệnh phổ biến, bảo đảm hiệu lực và an toàn là số một.
Bộ Y tế cũng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tự sản xuất được vắc xin 5 trong 1 (vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib). Hiện các đơn vị đang tiến hành nghiên cứu vắc xin này trên động vật và chuẩn bị phối trộn.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc đầu tư nghiên cứu sản xuất vắc xin với Việt Nam là cần thiết vì Việt Nam có dân số đông, nhu cầu tiêm chủng lớn. Ông Trần Đắc Phu cho rằng, tự cung cấp được nguồn vắc xin cũng đồng nghĩa với việc sẽ bảo đảm an ninh về vắc xin và sẽ không bị thụ động vào nguồn vắc xin nhập ngoại.
Với việc duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95%, Việt Nam đang tiến tới chủ động hoàn toàn vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đảm bảo an toàn vắc xin.
Bình luận