Cách đây 2 hôm (17/7) nhiều tờ báo, đài truyền hình đưa tin Sacombank ký hợp đồng hỗ trợ cho 16 doanh nghiệp tại TPHCM vay 1.110 tỷ đồng với lãi suất 13%. Việc Sacombank cho doanh nghiệp vay liên quan gì đến bóng đá?
Một trong 16 DN được cho vay có tên Gạch Đồng Tâm Long An của ông Võ Quốc Thắng. Cụ thể trong buổi lễ, Sacombank đã ký thỏa thuận cho Gạch ĐT.LA vay ưu đãi 300 tỷ đồng. Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã trích phát biểu của ông Thắng: “Vài ngày nay tôi đã có thể cười được rồi. Mức lãi suất đã từ hơn 20% giảm xuống còn 13% đã giúp DN dễ thở hơn, dôi dư ra trả lương, tích lũy, đưa vào vốn lưu động…”.
Nhiều doanh nghiệp muốn rút khỏi bóng đá (Ảnh: Quang Minh) |
Đây không phải là lần đầu ông Võ Quốc Thắng nói về chuyện doanh nghiệp gặp khó về vốn. Cách đây hơn 1 năm, với tư cách Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ VN đã có bài viết trên báo Tuổi Trẻ nói về thế bí của các doanh nghiệp khi lãi suất cho vay quá cao. Gần hơn, cách đây 2 tháng, trong hội thảo kinh tế do báo Tuổi Trẻ tổ chức, ông Thắng lần này trong vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN nhấn mạnh: “Hai năm nay chỉ riêng việc trả nợ Ngân hàng đã khiến nhiều DN không còn sức để sáng tạo nữa”.
Trong bức tranh khái quát về kinh tế mà trường hợp của Đồng Tâm Long An và cá nhân ông Võ Quốc Thắng là ví dụ cho thấy việc nuôi một CLB bóng đá chuyên nghiệp có vẻ quá sức chịu đựng với một doanh nghiệp, trừ ngành… ngân hàng.
Suy ngẫm sẽ thấy, chỉ với việc vay được 300 tỷ đồng đã giúp bầu Thắng “có thể cười được rồi” thì chuyện nuôi một lúc 2 đội bóng mang tên ĐT.LA (hạng Nhất, hạng Nhì) mỗi năm ngốn mấy chục tỷ đồng có vẻ “cười không nổi”, dù số tiền chơi bóng đá đó có thể quyết toán dưới hình thức quảng cáo thương hiệu.
Do vậy đối với những doanh nghiệp như ĐT.LA giữa thời khủng hoảng hiện nay mà họ còn “chơi” được bóng đá thì quả là chuyện… “thần kỳ” chứ việc doanh nghiệp đã nghỉ bóng đá như Hòa Phát hay muốn buông tay như lời tiết lộ của bầu Kiên là quá bình thường. Trường hợp của Đồng Tâm để tiếp tục cuộc chơi bóng đá đầy tốn kém có lẽ bầu Thắng đã nhận được sự tiếp sức từ tỉnh Long An, nơi họ đang đại diện phiên hiệu địa phương.
Trở lại với bóng đá TPHCM, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu 2 CLB Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn, CLB TPHCM từ bỏ, chuyển giao và thậm chí là giải tán. Với SG.XT và CLB TPHCM “tiền” là cốt lõi vấn đề. Với Navibank là câu chuyện nhạy cảm mà một số người nói rằng đối với giới bóng đá “chỉ nên biết không nên hỏi’ (?!).
Suy cho cùng, cuộc khủng hoảng hiện nay đâu chỉ xảy ra ở bóng đá và đâu chỉ có tại TPHCM!
Đăng Khoa (Thể thao 24h)
Bình luận