• Zalo

V-League 'hái ra tiền': Bài học từ cách làm của người Thái

Thể thaoThứ Hai, 19/02/2018 17:15:00 +07:00Google News

Bóng đá Thái Lan không chỉ thu hút người hâm mộ và kiếm ra tiền nhờ chất lượng trận đấu hay trình độ của các đội bóng, cầu thủ.

Bóng đá Thái Lan, với sự phát triển rất nhanh của giải Thai League, đang là hình mẫu mà người hâm mộ Việt Nam mơ ước được trải nghiệm ở nước nhà. Người Thái làm gì để xây dựng hình ảnh và giá trị thương hiệu một cách thành công như vậy?

Để tìm hiểu về vấn đề này, VTC News có cuộc trò chuyện với anh Huỳnh Trí Thiện, nghiên cứu sinh ngành Quản lý thể thao tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan).

- Qua thời gian làm việc ở Thái Lan, có lẽ anh hiểu khá nhiều điều về bóng đá nước này. Anh có thể chia sẻ về cách các đội bóng xứ chùa vàng kiếm tiền từ hoạt động bóng đá? Họ nhận thức như thế nào về thương hiệu bóng đá?

Đối với bóng đá chuyên nghiệp ở Thái Lan, có thể nói rằng nguồn tiền đến từ những nguồn như tài trợ, bản quyền truyền hình, bán vé, áo đấu, khăn và đồ lưu niệm, chuyển nhượng hay mua – bán cầu thủ và tiền thưởng.

San Hang Day (14)

 Sau mùa giải 2017, Toyota muốn giảm giá trị tài trợ cho V-League, nhưng lại đầu tư nhiều hơn vào Thai League.

Tất cả những yếu tố nêu trên đều có liên quan mật thiết với ý nghĩa “win-win” nên không chỉ tập thể đội bóng phải cố gắng tạo ra sản phẩm tốt, có thương hiệu. Nhà tài trợ luôn phải đồng hành, giúp cho sản phẩm mình đang đầu tư được hiệu quả tốt nhất. Còn người hâm mộ cũng sẵn sàng chung tay để đóng góp cho đội bóng được phát triển bền vững, mang đến những trận cầu hấp dẫn cho bản thân, mang đến niềm tự hào khi khoác lên tấm áo đấu của đội đó khi đi ngoài đường.

Ở vị trí của đơn vị quản lý giải đấu, công ty Thai League, cũng luôn tìm cách hỗ trợ tốt nhất cho các đội bóng. Họ nhận thức được khi giải đấu hấp dẫn và lôi cuốn thì các nhà đầu tư hay nhà tài trợ cũng như đơn vị truyền thông sẽ sẵn sàng chi nhiều hơn. Do đó, tất cả các bên đều nhận thức một cách đúng đắn về “thương hiệu bóng đá” và chung tay phát triển nó được tốt nhất.

- Theo thống kê số khán giả trung bình ở Thai League không cao hơn V-League. Vì sao sức mạnh thương hiệu của họ vẫn cao hơn? Vì sao nhà tài trợ Toyota lại bỏ Việt Nam trong khi đổ thêm tiền vào Thái Lan?

Đúng là thống kê số lượng khán giả trung bình ở Thái League không hơn V-League. Nhưng đối với bóng đá chuyên nghiệp thì chất lượng cổ động viên là yếu tố then chốt để phát triển chứ không chỉ là số lượng.

Những đội bóng hàng đầu như SCG Muangthong United, Buriram United... có lực lượng cổ động viên đông đảo ở các trận trên sân nhà. Những đội khác như Bangkok Glass hay Army United có lực lượng cổ động viên ít hơn, nhưng lại rất "chất".

muangthong

 Muangthong United là một trong những đội bóng có lực lượng cổ động viên đông và cuồng nhiệt nhất ở Thái Lan.

Trong thời điểm hiện tại, kinh tế hay GDP của Thái Lan đang cao hơn Việt Nam. Bên cạnh làm thương hiệu, quảng bá đến người hâm mộ thì các tập đoàn lớn hay các công ty Thái Lan xem việc đầu tư vào hoạt động thể thao, đặc biệt bóng đá, ở một khía cạnh khác là trách nhiệm xã hội của tập đoàn.

Đặc biệt, mỗi ngành nghề đều có nhiều tập đoàn tham gia tài trợ cho các đội bóng chuyên nghiệp như là một sự cạnh tranh để quảng bá thương hiệu. Bản thân các nhà tài trợ cũng chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động liên quan đến nơi mình đang tài trợ. Họ không chỉ bỏ tiền để đổi lại những bảng quảng cáo trên sân hay áo đấu đơn thuần.

Khi quyết định chọn tài trợ hay ngừng tài trợ cho giải đấu nước này hay giải đấu nước khác thì có nhiều lý do, có thể là lý do chuyên môn hay lý do kinh tế. Thai League thu hút thêm nhiều đầu tư khủng sau khi họ có một “bộ sậu” mới, trong đó nổi bật là việc mời được ông Benjamin Tan (chuyên gia người Singapore) về làm Phó Tổng Giám đốc Công ty Thai League. Tại sao chúng ta không tin tưởng vào “ê kíp” mới của Công ty VPF?

Dĩ nhiên, mục tiêu lợi nhuận là yếu tố sống còn trong bóng đá chuyên nghiệp, đặc biệt trong thời đại mà giá của cầu thủ luôn tăng với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, bóng đá chuyên nghiệp là một cuộc chơi dài hơi và có sự góp sức của nhiều yếu tố như những nhà tài trợ đồng hành hay lực lượng cổ động viên.

Đặc biệt, bản quyền truyền hình là vấn đề mà các nhà quản lý bóng đá chuyên nghiệp cần phải nghiên cứu sao cho đó là một nguồn thu quan trọng để phát triển các câu lạc bộ.

Video: Biển người đổ ra đường đón U23 Việt Nam

- Một số CLB Thái Lan còn đang kết hợp cả kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng. Đây có phải là một hướng đi mới của họ?

Thật ra, việc kết hợp bóng đá với kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng không phải là mới ở Thái Lan. Người ta hay gọi là du lịch thể thao; và đây là lĩnh vực mà Thái Lan đang hướng đến để phát triển kinh tế qua việc kết hợp ngành du lịch và thể thao, sau khi du lịch thuần túy ở Thái đã phát triển đến mức có thể xem là bão hòa.

Nhưng để làm được điều này thì sản phẩm bóng đá phải xuất sắc thì mới có thể thu hút khách du lịch. Chẳng hạn như việc tỉnh Buriram đầu tư hệ thống sân bóng đá đẳng cấp FIFA hay có những trận đấu đẳng cấp giữa đội Buriram United và SCG Muangthong United, hay mới đây là giải đấu U23 Thái Lan mở rộng thu hút các đội bóng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam, Myanmar...

buriram 3

 Sân vận động của CLB Buriram United có chất lượng như Ngoại Hạng Anh.

- Có ý kiến cho rằng bên cạnh chất lượng trận đấu, trải nghiệm của khán giả khi đến sân cũng là yếu tố quyết định tới số lượng người xem. Người Thái Lan quan niệm như thế nào về điều này?

Trong một lần đến sân SCG ở Thái Lan xem trận giữa chủ nhà SCG Muangthong United và Buriram United, tôi có hỏi một nhóm khán giả hâm mộ nữ trung niên rằng tại sao chị lại đến sân bóng đá và có hiểu về chiến thuật của hai đội hay không. Chị ấy trả lời rằng chúng tôi đến sân vì “nghiện” không khí vui nhộn trên sân bóng cũng như được thấy thần tượng của mình chứ không quan tâm mấy đến kết quả thi đấu đâu.

Bên cạnh tạo không khí sôi động và cuồng nhiệt trên khán đài thì khu vực trước sân bóng hay xung quanh sân bóng cũng là nơi các nhà tài trợ có thể tổ chức những hoạt động giải trí cho người hâm mộ, tạo cho họ có thêm nhiều cơ hội trúng thưởng, làm tăng giá trị của việc đến sân bóng đá. Và, các nhà tài trợ cũng được lợi qua các hoạt động tương tác với khán giả này.

“Được ăn, được nói, được gói mang về” có thể xem là một trong những giải pháp phát triển số lượng người xem mà Thai League đang tiến hành bên cạnh việc tăng chất lượng chuyên môn của trận đấu.

- Vì sao các CLB Việt Nam chưa thể kiếm tiền từ hoạt động bóng đá như Thái Lan?

Theo quan điểm của tôi, các đội bóng ở Việt Nam vẫn đang kiếm được tiền và kiếm rất nhiều tiền qua hoạt động bóng đá. Tuy nhiên, những tiền kiếm được đó có thể xem là vô hình hay được tính dưới những hình thức khác như quảng bá thương hiệu hay được tạo điều kiện tốt hơn khi đầu tư tại địa phương.

Đơn cử, trước khi ông Đoàn Nguyên Đức mang Kiatisuk Senamuang về đội Hoàng Anh Gia Lai thì có mấy ai biết được đội bóng này đang ở đâu. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì Hoàng Anh Gia Lai vẫn đang là thương hiệu không chỉ Việt Nam mà bạn bè quốc tế biết đến. Nếu tính đúng giá trị thương hiệu này thì sẽ hiểu được HAGL kiếm tiền qua bóng đá hiệu quả như thế nào.

HAGL

Không còn ở thời đỉnh cao nhưng HAGL vẫn là một thương hiệu lớn của bóng đá Việt Nam.

Tuy vậy, do đặc thù của bóng đá Việt Nam, việc kiếm tiền từ các hoạt động bóng đá cũng cần được phát triển tốt hơn qua những yếu tố cần phải được các nhà quản lý nghiên cứu giải pháp hiệu quả hơn. Ví dụ như tự chủ về sân bóng, bản quyền truyền hình, kinh doanh áo đấu và đồ lưu niệm hay bán vé...

Ở Thái Lan, vé vào sân xem bóng đá rất đa dạng, phục vụ cho nhiều đối tượng. Chẳng hạn như những người có tiền sẽ thích vào những phòng VIP được thiết kế riêng biệt để tiếp đón bạn bè, ăn uống và cùng thưởng thức trận đấu. Các nhà tài trợ cũng dung những phòng VIP này để mời đối tác của mình đến dự khán các trận bóng và có thể trao đổi công việc thay vì ra nhà hàng. Hay những nhóm cổ động viên cuồng nhiệt thì có thể mua vé mùa để lúc nào cũng có thể cùng nhau cổ vũ tại một khu vực quen thuộc.

Giá vé có thể cao hơn Việt Nam nhưng với sự kết hợp tốt với các nhà tài trợ, khán giả có thể nhận được những giá trị cộng thêm khi sở hữu những chiếc vé mùa mà có khi lợi ích đó lại hơn cả giá tiền bỏ ra mua vé mùa.

Video: Truyền thông thế giới ngỡ ngàng trước màn chào đón U23 Việt Nam vinh quy bái tổ

- Trong mùa giải 2017, CLB Hà Nội hợp tác với tập đoàn SCG của Thái Lan. Là người xuất hiện khá nhiều trong các hoạt động quảng bá của đội bóng thủ đô, theo anh điều gì khiến SCG chọn Hà Nội? Có phải việc học cách làm của người Thái giúp CLB này kéo khán giả đến sân Hàng Đẫy đông hơn?

Đối với những nhà quản lý bóng đá chuyên nghiệp, xây dựng hình ảnh và thương hiệu CLB là vấn đề sống còn. Không phải ngẫu nhiên mà đội Hà Nội thu hút được những nhà tài trợ, đặc biệt là SCG – một tập đoàn công nghiệp hàng đầu ASEAN. Ban huấn luyện và cầu thủ cũng phải ý thức được việc xây dựng hình ảnh thương hiệu chứ không chỉ là nhiệm vụ của lãnh đạo hay đội ngũ marketing và truyền thông của đội bóng.

Khi một đội bóng thi đấu hấp dẫn, có nhiều tuyển thủ quốc gia, khán giả cổ vũ nhiệt tình trên một sân bóng đáp ứng tiêu chuẩn thì lúc đó việc tăng nguồn thu sẽ là vấn đề sớm muộn mà thôi.  

Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất của việc khán giả tăng đáng kể trên sân Hàng Đẫy đó là do tính chất quyết liệt của việc cạnh tranh chức vô địch V-League 2017, đặc biệt ở những trận đấu gặp Thanh Hóa hay Quảng Nam.

Bên cạnh đó, tập đoàn SCG cũng phối hợp với đội Hà Nội để mang lại những hoạt động thể chất và giải trí đến cho khán giả trước trận đấu như chụp ảnh với mô hình phòng thay đồ của đội hay tham gia sút bóng lấy quà tặng trong khuôn viên sân Hàng Đẫy.

Ha Noi Sai Gon (30) 4

 CLB Hà Nội phối hợp cùng nhà tài trợ SCG tổ chức các hoạt động bên lề trận đấu.

Đội Hà Nội cũng phối hợp với nhà tài trợ SCG mang các cầu thủ ngôi sao như Thành Lương, Văn Quyết hay Quang Hải ra phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm để giao lưu với người hâm mộ. Các chương trình dạy bóng đá cho học sinh trên sân Hàng Đẫy cũng là những cách để tạo sự liên kết bền chặt với người dân Thủ đô, góp phần xóa đi khoảng cách giữa ngôi sao và người hâm mộ.

Đó cũng là một trong những biện pháp tích cực để tăng số lượng khán giả đến sân Hàng Đẫy trong mùa bóng 2017 vừa qua.

- Theo anh những đội bóng nào ở VN có tiềm năng để kiếm ra tiền từ bóng đá? Điều đó có khả thi hay không, khi mà việc bán áo đấu vẫn còn là mơ ước của các CLB?

Ở Thái Lan, đội SCG Muangthong United ở thủ đô hay đội Buriram United ở gần biên giới đều có thể thu hút được các nhà tài trợ lớn để đồng hành cùng đội bóng. Việt Nam có Hà Nội ở thủ đô, HAGL trên Tây Nguyên. 

Điều này cho thấy các đội bóng đều có tiềm năng để kiếm tiền. Quan trọng là lãnh đạo đội bóng đó đã đặt tầm quan trọng vào chiến lược, để có thể chuẩn bị tốt cho việc kiếm tiền hay chưa hay chỉ quan tâm đến chuyên môn của đội bóng.

Việc khiến cho cổ động viên mua áo đấu của đội nhà ở tầm CLB hay đội tuyển đang gặp nhiều khó khăn. Nếu so với thời gian 3 năm trước đây thì vấn đề này đang có những thay đổi rõ rệt, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ như mơ ước.

Vấn đề này muốn thay đổi triệt để thì cần phải đến từ ba phía là đội bóng, nhà tài trợ áo đấu và người hâm mộ. Tất cả phải chung tay để góp phần phát triển bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đây không phải là việc riêng của một bên nào.

Đơn cử như các lãnh đạo của đội bóng, nếu xem chiếc áo đấu của đội mình là niềm tự hào, sẵn sàng mặc lên sân khi đội tập luyện hay thi đấu thì cũng là một tác động lớn đến người hâm mộ. Các nhà tài trợ hiện diện trên áo đấu cũng hài lòng hơn.

- Xin cảm ơn anh!

Ngọc Anh
Bình luận
vtcnews.vn