• Zalo

V-League đá tập trung trên sân không khán giả: Giải pháp để thế giới học theo?

Bóng đá Việt NamThứ Năm, 26/03/2020 15:43:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Giải pháp đá tập trung trên sân không khán giả ở một khu vực nhất định do VPF đề ra có thể được nhiều nước học hỏi trong bối cảnh Covid-19 hoành hành.

Bóng đá thế giới đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất lịch sử khi hầu hết các giải VĐQG ở các châu lục đều tê liệt. Dịch bệnh hoành hành khiến chính phủ các nước không thể tổ chức các sự kiện thể thao. Ngoại hạng Anh, LaLiga, Serie A, Ligue 1, Bundesliga ở châu Âu hay K-League, J-League, V-League đều chịu chung số phận. 

Ngoại hạng Anh mới đây thống nhất phương án trở lại từ ngày 1/5, nhưng đây cũng là thời hạn đặt ra để các đội ước chừng, tính toán, không có gì đảm bảo giải sẽ khởi tranh đúng thời hạn, chưa kể nếu trở lại thì tổ chức thi đấu ra sao cũng là vấn đề. LaLiga còn tuyên bố hoãn vô thời hạn.

V-League đá tập trung trên sân không khán giả: Giải pháp để thế giới học theo?  - 1

Sân bóng khắp thế giới phải đóng cửa do Covid-19.

Mối lo lớn nhất của các CLB, bên cạnh vấn đề khán giả, đó là di chuyển thời dịch bệnh. Việc đi lại giữa các vùng, thành phố tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, chưa kể di chuyển bằng đường hàng không (phổ biến với các CLB) đang được chỉ ra là nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2 rất mạnh.

Các CLB sẽ đối phó ra sao để vẫn đảm bảo giải đấu được tiếp tục, vừa giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh? Đề xuất của VPF với V-League đang được xem như lời giải đầy tiềm năng.

Cụ thể, các CLB Việt Nam sẽ thi đấu tập trung ở một số sân phía Bắc. Việc này giúp hạn chế quãng đường di chuyển cho các đội bóng, giảm nguy cơ lây nhiễm khi các CLB đi lại bằng máy bay. Sân Thanh Hóa, Thiên Trường (Nam Định), Lạch Tray (Hải Phòng), Cẩm Phả (Quảng Ninh), Hàng Đẫy (Hà Nội), Mỹ Đình (Hà Nội), PVF (Hưng Yên) và Việt Trì (Phú Thọ, dự phòng) sẽ đăng cai các trận đấu.

Chỉ có một số CLB được đá sân nhà thực sự, các đội còn lại sẽ chơi ở sân trung lập. Phương án này có một số ưu điểm, quan trọng nhất là giảm tải lịch thi đấu, tiết kiệm thời gian và chi phí cho CLB và giải đấu, bên cạnh nhược điểm như thi đấu tập trung sẽ ảnh hưởng tới chất lượng mặt sân và chi phí lắp đặt lại bảng biển quảng cáo cũng phải được tính toán phù hợp.

Có mặt lợi và hại, nhưng không thể phủ nhận đây là một trong những giải pháp ít thiệt hại nhất (không có giải pháp mà không bên nào thiệt hại), đảm bảo được cả hai tiêu chí: giải đấu vẫn diễn ra, tăng cường khả năng bảo vệ sức khỏe, giảm nguy cơ lây nhiễm. 

Video: Kiểm tra y tế thời Covid-19

Các CLB có 3 ngày để phản hồi về giải pháp của VPF. Một giải pháp khác là chờ đợi đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, cuộc sống trở lại bình thường thì mới để bóng lăn trở lại. Dẫu vậy, V-League còn có thể chờ thêm do giải đấu diễn ra dàn trải trong năm 2020, còn các giải châu Âu thì... chờ đến khi nào.

Càng gần thời hạn 30/6 do UEFA đặt ra (các giải chưa kết thúc sau ngày này sẽ bị huỷ), các CLB càng sốt ruột, bởi với tình trạng dịch bệnh không biết thời điểm nào mới được không chế, chờ đợi là thụ động.

Trở lại vào tháng 5 hoặc tháng 6, các đội sẽ phải thi đấu liên tục, tiềm ẩn nguy cơ quá tải, chấn thương. Sẽ không có thứ gọi là "festival bóng đá" với 9 trận trong 9 ngày như Gary Neville đề xuất, bởi sức khỏe cầu thủ không phải chuyện để đùa. 

V-League đá tập trung trên sân không khán giả: Giải pháp để thế giới học theo?  - 2

Các đội như HAGL phải hy sinh quyền lợi nếu đá ở phía Bắc. 

Giải pháp tổ chức các trận ở một số vùng lân cận với nhiều sân bóng gần nhau có thể là phương án khả thi nhất trong các phương án. Bóng đá châu Âu không khó thực thi phương án này nhờ chất lượng cơ sở vật chất tốt.

Trên thực tế, tờ Daily Mail từng "hiến kế" để Ngoại hạng Anh đá ở vùng Midlands, miền Trung nước Anh, qua đó các đội phía Bắc và phía Nam không mất nhiều thời gian di chuyển. Ở Đức, Tây Ban Nha hay Pháp cũng có thể tìm một số vùng tập trung để thi đấu.

Dĩ nhiên, kịch bản tươi sáng nhất vẫn là Covid-19 được khống chế trong tháng 4, để các giải VĐQG trên khắp thế giới được diễn ra như bình thường, nhưng nếu điều đó không xảy ra, cả thế giới có thể nhìn về V-League. Trường hợp V-League được tổ chức theo kế hoạch tập trung của VPF và diễn ra suôn sẻ, đây sẽ là giải pháp hình mẫu để thế giới học theo.

Chủ tịch Hà Nội FC: "Chúng tôi xác định, chỉ khi nào Chính phủ cho phép các hoạt động văn hóa thể thao trở lại bình thường, tôi nghĩ V-League mới nên tiếp tục thi đấu".

Bầu Đức: "Thủ tướng yêu cầu tập trung chống dịch trước nên các phương án mà VPF đưa ra, tạm thời không bàn tới. Khi nào Chính phủ cho phép thì V-League mới nên quay trở lại!"

Hạ Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn