• Zalo

V-League, có sao đâu nếu về thời phong trào?

Thể thaoThứ Ba, 25/09/2012 04:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hơn 10 năm ra đời giải chuyên nghiệp, câu hỏi “được gì, mất gì?” đang được gióng lên một cách bức xúc hơn bao giờ hết.


(VTC News) - Hơn 10 năm ra đời giải chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam –V-League, sau quá nhiều sự cố cũng những hồi hộp, lo âu hy vọng và câu hỏi “được gì, mất gì?” đang được gióng lên một cách bức xúc hơn bao giờ hết.

Và bây giờ, khi một lễ tổng kết mùa giải với nhiều “kịch tính” vừa xong, khi có một ông bầu bóng đá Hà Nội dính vào vòng lao lý và dự báo về hội chứng “tháo chạy” đang để lại lỗ hổng rất khó bù đắp cho bóng đá, câu hỏi trên xem ra càng bức xúc hơn lúc nào hết.

Hãy nói cái được. Ra đời V-League, cái danh xưng chuyên nghiệp đã làm những fans Việt có thể tự hào với anh em bè bạn, thì ra bóng đá Việt Nam cũng chẳng thua chị kém em, ta cũng có cái tên gọi “Vi lit” như ai!

Bầu Đức và bầu Thắng là những người đi tiên phong trong việc chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt (Ảnh: Quang Minh)

Một lượng đáng kể khán giả đã đến sân và rõ ràng là người xem ở ta không quay lưng lại bóng đá. Đã xuất hiện những CLB bóng đá chuyên nghiệp, đã có những ông bầu rất mê trái bóng tròn và hàng lớp, hàng lớp ngoại binh tứ xứ xuất hiện trên sân cỏ Việt Nam, làm người xem say mê và có tác dụng lôi kéo, làm mẫu cho lớp cầu thủ nội binh nhanh chóng tiến bộ.

“Nước lên thuyền lên”, các cầu thủ của BĐVN đã được thừa nhận là một nghề hẳn hoi, nhiều người có mức lương cao, hơn quá nhiều so với các môn thể thao khác, nhiều cuộc chuyển nhượng ầm ĩ, rất chuyên nghiệp và điều này cũng góp phần “hướng nghiệp” cho nhiều trẻ em thêm yêu mến môn thể thao vua.

Đó là cái được, bên cạnh đó, sự ra đời của V-League cũng kéo theo không ít sai số, thậm chí dẫn đến quá nhiều hệ lụy không đáng có và làm cho môn thể thao được mang danh là nghệ thuật thứ 8 bị biến thành thứ “bóng đá xấu xí” không hơn không kém.

 

Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc!

Cựu HLV ĐTVN Alfred Riedl
 
Rất khó kể hết những bất cập từ khi xuất hiện V-League, do yếu kém về mặt quản lí, từ cấp TW (ngành TDTT), tổ chức xã hội (VFF) đến các CLB, tất cả những điều này đã khiến diện mạo của nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là rất khó định hình, thiếu bản sắc, trong đó không ai quên câu nói năm nào của ông thày người Áo Alfred Riedl là rất đúng đắn: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.

Không lo đào tạo, chỉ biết chạy theo những thành tích ảo và bất lực trong việc vận dụng quy luật giá trị trong môi trường này, BĐVN xuất hiện những chuyện không giống ai, trình độ thấp song giá chuyển nhượng của cầu thủ lại cao ngất và xuất hiện những người chơi ngông nhảy vào bóng đá để “chơi” mà chưa phải là “làm” bóng đá, theo nghĩa tích cực.

Hiện tượng bạo lực gia tăng, chuyện “đi đêm” đã không còn là sự hiếm, hàng loạt vụ bạo loạn hoặc gây rối trên những sân vận động, bên cạnh là những vấn nạn trọng tài như căn bệnh trầm kha luôn được nghe “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”…

Sự yếu kém trong quản lý, đang đẩy V.League tới nguy cơ đổ vỡ (Ảnh: Quang Minh)

Bây giờ, khi mùa giải 2012 đã dừng lại, ngay các doanh nhân tham gia điều hành trong bộ máy VPF lại chưa thống nhất, đến mức có ông bầu đòi các đồng minh rút lui, ngài chủ tịch nhiều tai tiếng của VFF bộc lộ ý định xin nghỉ…con tàu V-League 2012 đang có dấu hiệu thiếu bánh lái do thiếu luật chơi đã chòng chành về đích với một trận đấu được xem như màn hài kịch sân cỏ.

Hiện tượng có nhiều ông bầu xin rút lui khỏi V-League đang gây xao động trong môi trường bóng đá, kể cả ý kiến mới đây nhất của ông Nguyễn Hồng Thanh, lãnh đạo CLB SLNA để xuất khả năng tạm dừng V-League để cũng cố, phải chăng những bất cập được dồn nén bấy nay đã đến lúc cần có cái nhìn thực tế và tích cực hơn?

 

Hay là chúng ta cứ quay về thứ bóng đá phong trào như xưa, có sao đâu!

Cố Nhà báo Tường Vi
 
Chợt nghĩ lại năm nào, khi BĐVN có quá nhiều rắc rối, cố nhà báo Tường Vy đã từng thốt lên: “Hay là chúng ta cứ quay về thứ bóng đá phong trào như xưa, có sao đâu!” Cây bút hàng đầu của BĐVN ngày ấy đã có sự mẫn cảm đáng ghi nhận.

Thử nghĩ xem, ở thời kỳ bao cấp trước đây, gian nan vất vả là thế mà BĐVN có nhiều thành tích hơn hẳn so với bây giờ. Khi ấy, bằng sự phấn đấu hết mình dù rất nhiều khó khăn nhưng bóng đá của chúng ta từng thắng các đối thủ như đội tuyển Cuba 1-0, tuyển Olympic Liên Xô cũ 1-0, hạ Bát Nhất (Trung Quốc) đến 4-1, đội tuyển miền Nam giành Cúp Merdeka…Vậy mà từ khi vào ngôi nhà chuyên nghiệp, thứ hạng ngày càng bết bát, trình độ cứ lùi dần so với các đội bóng khu vực mà trước đây chúng ta chưa hề xem là đối thủ của mình.

Lại nữa, trên bảng vàng thành tích thể thao của Việt Nam, rất nhiều môn thể thao khác, thuộc hệ thống Olympic hay chưa, nhưng đã có những HCV thế giới, huy chương Olympic, HCV châu Á và SEA Games, chỉ trừ có bóng đá, đầu tư “tiền núi” mà cũng chỉ có một cái cup AFF có chút may mắn! Tâm tư năm nào của Tường Vy cũng là suy nghĩ của nhiều người yêu bóng đá ở thời điểm này.

Nếu phải chia tay (từ mùa sau) hoặc tạm hoãn V-League, tất là sẽ có nhiều luyến tiếc, song đó là cái chuyện chẳng đặng đừng, nếu dám dũng cảm nhìn vào sự thật và kiên quyết bắt tay xây dựng lại từ gốc, cho đến khi những điều kiện cần thiết đã có đủ thì việc trở lại ngôi nhà xưa mới là sự đúng đắn, đó là việc phát triển đúng quy luật, là chuyện ăn chắc mặc bền và rồi sẽ được những khán giả chân chính ủng hộ.

Chuyên gia cùng nói1.    HLV Nguyễn Văn Vinh: Tốt, nhưng giải pháp là rất khó. Nếu không có tiền, cầu thủ bây giờ (kém mọi mặt, nhất là ý thức )nó không đá và bỏ đi làm nghề khác thì sao?
2.    HLV Trần Văn Phúc: Tốt, nhưng vấn đề không đơn giản. Nên thu về một mối là VFF mà thôi, nhưng phải làm cho tốt mà không như hiện tại quá bất cập.
3.    Ông Lê Thế Thọ: VFF không đủ sức điều hành. Cầu thủ kém đạo đức…V-League vẫn bế tắc và trình độ BĐVN ngày càng đi xuống.
4.    Danh thủ Ba Đẻn: Tôi không nói chuyện BĐVN nữa, chán lắm rồi…



Anh Quang

Bình luận
vtcnews.vn