Đến thời điểm này, sau 18 năm tuổi kể từ khi V-League ra đời, có thể khẳng định bóng-đá-doanh-nghiệp kết hợp địa phương gần như là lộ trình bất biến. Dần dần, tính địa phương đôi khi chỉ tồn tại bằng cái tên ghép. Về điều này, không có nghĩa là không có giải pháp khác, nhưng vì nhiều lý do, mà những người làm bóng đá chưa dám mạo hiểm. Đơn giản thành bại vẫn tại những… ông bầu.
Màn nhung V-League 2018 đã kéo xuống, nhưng không một ai, ngay cả nhà tổ chức VPF dám chắc số đội (hay địa phương) nào sẽ chơi V-League 2019. Ngoài suất cuối còn tùy thuộc vào trận play-off giữa Nam Định và Hà Nội B, thì số phận lẫn danh phận của nhiều đội bóng vẫn còn bỏ ngỏ.
Cuộc chơi của các ông bầu
Kết thúc mùa giải 2011, một cuộc "binh biến" đã nổ ra ngay trong buổi họp tổng kết, với người "cầm chương" là bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên), thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), buộc VFF phải nhượng quyền tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. VFF với V-League vốn còn quá nhiều tồn tại, từ công tác tổ chức đến các vấn đề trọng tài, nên lúc đó buộc phải thỏa hiệp, nhượng bộ.
VPF ra đời với rất nhiều kỳ vọng về một cuộc cách mạng cho giải đấu cao nhất Việt Nam. Tuy nhiên, càng ngày lại càng nhiều biến tướng, khi "bình mới rượu cũ". Dù cách thức tổ chức đã thay đổi ít nhiều, minh bạch hơn ít nhiều, nhưng vẫn với những con người ấy, VPF bị VFF đồng hóa và trở thành sân sau. Các đội bóng và cụ thể là các ông bầu rủ nhau rời bỏ cuộc chơi. Một số địa phương gặp khó khăn về kinh tài, cũng nói không với V-League.
Giai đoạn đầu khi VPF ra đời, kể từ 2012-2015, đã có trên dưới chục cái tên biến mất khỏi bản đồ V-League, thậm chí là bản đồ bóng đá Việt Nam.
Tiềm lực tài chính là một chuyện, song cơ bản, đấy là họ không tin vào sự điều hành của nhà tổ chức. Một số ông bầu, sau các thất bại với việc xin (hay đổi) dự án, lợi ích, qua kênh bóng đá, đã nản lòng. Bóng đá bắt đầu từ một trò chơi, sau trở thành môn thể thao vị thành tích, nhưng đồng thời cũng là phương tiện xin cho.
Gần 20 năm quá độ, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể khoác lên mình cái áo chuyên nghiệp, bởi chưa bỏ được thói quen "ăn xổi" và chưa quy tụ được những con người thực sự làm bóng đá bằng cả cái tâm, lẫn cái tầm. Đây không phải là lập ngôn sáo rỗng, bởi suy cho cùng, làm việc phải được trả lương. Chỉ có điều, trả lương mà không ra sản phẩm tốt, thì phải thay đổi. Đại hội Liên đoàn khóa VIII tới đây được kỳ vọng cũng một phần là thế.
Và một V-League thiếu bản sắc
Ở phần đầu của bài viết, chúng tôi đã đề cập đến bóng đá địa phương kết hợp doanh nghiệp, như một mô hình chuẩn mực tương đối. Việc thành lập các công ty cổ phần bóng đá, là khuôn mẫu của AFC, nhưng sự thật là, công ty chỉ là bình phong. Sự thành bại của giải đấu không được quyết bởi chất lượng, hình ảnh, bởi CĐV, của bản quyền truyền hình…, mà vẫn phụ thuộc vào các ông bầu. Nó khiến cho V-League ngày một thiếu bản sắc, thiếu tính cộng đồng.
Trên thực tế, cũng đã có một vài công ty bóng đá hoạt động khá hiệu quả và bước đầu kiếm được tiền về cho đội bóng. Điển hình như CLB Hà Nội hay B.Bình Dương. Nhưng số này quá nhỏ và quá lẻ loi.
Các đội bóng đậm bản sắc vùng miền nhất như SLNA hay Nam Định lại gặp khó khăn về kinh tài. Một số khác được đầu tư theo "gói" như FLC Thanh Hóa, CLB Sài Gòn, CLB TP.HCM, Than Quảng Ninh và cả kinh đô bóng đá Hải Phòng.
Hãy cứ tưởng tượng thế này, với việc cổ phần hóa đội bóng và mỗi CĐV hay khán giả trung lập, thậm chí là nhà đầu tư nhỏ, mua một vài cổ phần, cộng dồn lại không nhẽ không đủ để nuôi một đội bóng? Đây cũng là mô hình của phần lớn các CLB lớn như Bayern Munich, Barcelona, Juventus, Manchester United… Không ai cấm các nhà đầu tư - tài trợ đến với đội, nhưng vai trò của CĐV luôn rất quan trọng.
Tiếc là điều này ở Việt Nam là thứ xa xỉ, với bóng đá thuộc về một nhóm người. Thế nên, sự tồn vinh của một đội bóng doanh nghiệp kết hợp địa phương, không được quyết bởi chính địa phương hay người hâm mộ bản địa, mà thuộc về các ông chủ thực sự của đội bóng ấy. Chúng ta đánh mất CĐV theo cách này.
Bản quyền truyền hình chưa bán được giá cao, khán giả thưa thớt dần, từ bản thân các đội bóng đến bộ mặt chung của V-League, vì thế mà không có bản sắc. Chúng ta khoan nói về lối chơi, bởi làm gì có lối chơi nào được gầy dựng, với kiểu làm bóng đá đi tắt đón đầu?! Hà Nội FC có lẽ là một, là khi thông tin khác cho rằng, đến HAGL (cũng được cho là có lối chơi Việt Nam nhất) có thể phải ghép tên thêm một lần nữa.
Bình luận