• Zalo

Ưu tiên nguồn lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, không để hết Tết mới có kết quả

Sức khỏeThứ Hai, 15/01/2018 07:53:00 +07:00Google News

Chiều 12/1, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế tổ chức họp, thông tin tới báo chí về công tác đảm bảo ATTP, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở kiểm nghiệm phải ưu tiên nguồn lực, tập trung xét nghiệm các mẫu thực phẩm thanh tra nhằm đưa ra kết quả sớm nhất.

_DSC0166

Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh: Lệ Chi)

“Tuyệt đối không để tình trạng Tết qua rồi mới bắt đầu công bố kết quả sản phẩm này không đạt hay đạt tiêu chuẩn”, ông Nguyễn Thanh Phong nói.

“Chúng ta đều biết các phòng kiểm nghiệm thì bận rộn. Tuy nhiên. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, riêng trong dịp Tết này, các mẫu thực phẩm mà đoàn thanh tra gửi về cần phải được ưu tiên nguồn lực xét nghiệm trước, có kết quả thì công bố sớm.

Đối với các kết quả không đạt, các cơ sở vi phạm, sản phẩm sẽ bị dừng lưu thông và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người dân, kết hợp kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.

Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018 là thời điểm nhu cầu về thực phẩm tăng cao, lượng tiêu thụ thực phẩm lớn, kéo theo các cơ sở sản xuất cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình.

Những biện pháp, kế hoạch được đưa ra đều nhằm ngăn chặn kịp thời các loại sản phẩm thực phẩm không an toàn, bảo đảm người dân đón Tết và lễ hội xuân an toàn, yên vui.

_DSC0169

Ông Nguyễn Thanh Phong làm việc cùng với báo chí (Ảnh: Lệ Chi)

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho hay, thực tế, nhiều địa phương vẫn còn rất thờ ơ với công tác thanh tra, kiểm tra ATTP, quy hết trách nhiệm cho cơ quan chuyên ngành. Đặc biệt nếu đoàn kiểm tra không có sự phối hợp từ đơn vị công an thì công tác kém hiệu quả hơn nhiều lần.

Mặt khác, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm quy định về ATTP cũng gặp không ít khó khăn: có cơ sở đóng cửa, tránh không tiếp đoàn khi đoàn đến thanh, kiểm tra; có cơ sở đăng kí địa chỉ sản xuất ở một nơi nhưng sau đó chuyển đi nơi khác; có cơ sở công bố cửa hàng ở một nơi nhưng khi đoàn thanh tra đến thì nơi đó lại là cửa hàng cắt tóc gội đầu, …

“Tại Trung ương, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Nhưng, các cơ quan chuyên ngành không “làm thay” địa phương, mà yêu cầu địa phương thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, tránh tình trạng “khoán trắng” cho cơ quan chuyên ngành, “trên nóng dưới lạnh”, để lọt các cơ sở vi phạm, không đảm bảo ATTP”, ông Nguyễn Thanh Phong cho hay.

Ngoài ra, công tác y tế, xử lý khi có tình trạng ngộ độc xảy ra cũng được nhấn mạnh. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, … nhằm chủ động cấp cứu và xử lý khi có tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra.

 “Đảm bảo chất lượng, ATTP là bởi, yêu cầu về sức khỏe của người tiêu dùng, người dân luôn là số một”, ông Nguyễn Thanh Phong nói.

Video: Phát hiện 2 tấn thực phẩm bẩn làm thức ăn cho công nhân

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn