Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, các loại nước tăng lực trên thị trường hiện nay thường có hai thành phần chính là đường và caffeine (tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương làm cho tỉnh táo). Một lon nước tăng lực dung tích 250 ml chứa khoảng 100 mg caffeine, cao gấp 2-3 lần lượng caffeine trong một ly cà phê.
Thực tế, sau khi tiêu thụ, caffeine trong nước tăng lực đi vào máu, dạ dày, ruột non và bắt đầu kích thích hệ thống thần kinh trung ương, cụ thể là các thụ thể thuộc các tế bào trong tim để tăng nhịp tim. Tác động của sự kích thích này làm tăng tốc độ lưu thông máu do nhịp tim tăng lên.
Trường hợp cơ thể hấp thu lượng lớn caffeine trong thời gian ngắn có thể khiến nhịp tim tăng 20 lần/phút so với bình thường và huyết áp tăng 7-20 mmHg. Do vậy, người có yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch (bệnh nền suy tim, tăng huyết áp), sau khi lao động nặng, cơ thể đang mệt mỏi, huyết áp tăng, uống nước tăng lực có thể gây ra cơn rối loạn nhịp tim.
Người mắc bệnh lý nền uống nước tăng lực ngay sau khi lao động nặng nhọc có thể máu sẽ dễ cô đặc. Trong trường hợp này, nếu huyết áp thay đổi liên tục sẽ dễ hình thành các cục máu đông trong mạch máu, gây ra nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.
Huyết áp tăng đột biến có thể làm vỡ mạch máu nhỏ trong cơ thể hoặc trong não (tai biến) dẫn đến vỡ mạch võng mạc gây xuất huyết, liệt nửa người, thậm chí tử vong.
Chuyên gia khuyên, người vừa lao động nặng nhọc xong cần uống bù nước trước, sau đó mới sử dụng các loại đồ uống chứa caffeine. Mọi người không nên lạm dụng nước tăng lực. Những người mắc bệnh lý tim mạch cần hạn chế dùng.
Bình luận