Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, rau má có tên khoa học là Centella asiatica. Bên cạnh đó, loại rau này còn có tên gọi khác là tích tuyết thảo hay liên tiền thảo. Loại rau này thường mọc ở những nơi ẩm ướt, bờ mương, thung lũng.
Tác dụng của cây rau má
Rau má là một trong những loại thực phẩm mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng và có tác dụng như một vị thuốc, mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Người ta có thể dùng rau má để ăn sống, hoặc chế biến theo nhiều cách khác nhau như luộc, xào, nấu canh, dùng làm nước ép.
Trong y học cổ truyền, đây là loại thảo dược có thể sử dụng để làm thuốc điều trị những trường hợp bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hay một số loại ký sinh trùng, chẳng hạn như các bệnh sau:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Bệnh tả, phong, lỵ.
- Bệnh zona.
- Bệnh giang mai
- Bệnh cúm.
- Lao.
- Bệnh sán máng.
Rau má cũng có thể được sử dụng để điều trị một số bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loạn tâm thần. Những thành phần dưỡng chất trong rau má còn giúp cải thiện trí nhớ rất tốt nên có thể phòng ngừa và điều trị bệnh Alzheimer.
Bên cạnh đó, rau má cũng được cho là loại dược liệu có công dụng hiệu quả trong việc chữa lành vết thương, giúp lưu thông máu, cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch.
Theo dân gian, loại thảo dược này còn có tác dụng trị say nắng, đau dạ dày, viêm amidan, vàng da, viêm gan, viêm màng phổi, lupus đỏ hệ thống, động kinh.
Trong y học Ấn Độ, rau má được sử dụng để tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể và là loại thuốc lợi tiểu hiệu quả.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho rằng, rau má tác dụng chữa viêm loét dạ dày hiệu quả, giúp những tổn thương nhanh lành hơn.
Theo các chuyên gia, rau má chứa lượng lớn saponin - có tính kháng khuẩn và chống viêm da cũng như chữa lành da rất hiệu quả. Vì thế mà rau má có thể tái tạo vùng da bị tổn thương hiệu quả, tránh để lại sẹo ngay từ giai đoạn kết da non. Do đó, nhiều người sử dụng rau má thoa lên da để vùng da tổn thương mau lành và tránh để lại sẹo.
Bên cạnh đó, trong rau má còn có chứa các axit amin, axit béo beta carotene và chất phytochemical. Đây là những dưỡng chất có thể giúp da săn chắc, làm chậm nguy cơ lão hóa và bảo vệ da hiệu quả. Đó cũng chính là do vì sao rau má rất phổ biến trong các công thức làm đẹp da của chị em.
Uống nước rau má có tốt cho sức khoẻ?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Phó Thuần Hương giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh từ nước rau má:
- Cảm nắng do ở ngoài nắng lâu, bị nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn: Lấy 1 nắm rau má tươi rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước cốt pha loãng, thêm hạt muối uống. Hoặc nước cốt rau má hoà nước bột sắn, đường phèn để uống. Bã đắp lên trán và thái dương lấy khăn buộc lại.
- Giải nhiệt chữa rôm sẩy, mẩn ngứa, mụn nhọt...: Rau má tươi 30-100g giã (hoặc xay) lấy nước uống hàng ngày (nếu cẩn thận chần qua nước sôi). Có thể phối hợp rau sam, kinh giới.
- Bệnh sởi: Rau má 30 - 60g sắc uống. Có thể phối hợp rau rệu.
- Giải độc (thuốc, thức ăn...): Để phòng biến cố chỉ nên sơ cứu rồi đưa đi bệnh viện sớm. Rau má giã lấy nước uống. Có thể cho thêm đường phèn.
Lưu ý: Nước rau má rất tốt tuy nhiên các bác sĩ Đông y khuyến cáo bạn cần tránh lạm dụng rau má khi cơ thể ở trạng thái hư hàn, đang bị đau bụng đi ngoài do hàn.
Bình luận