Uống nước mía vắt chanh có chữa ung thư?
Thời gian gần đây có nhiều người đồn thổi uống nước mía vắt chanh có thể chữa được ung thư. Nói về vấn đề này, Báo VnExpress dẫn lời Bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết, đây là phương pháp hoang đường, mê tín. Không có bất kỳ bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào khẳng định chỉ uống nước mà chữa ung thư, thậm chí là khối u lành tính.
Đối với bệnh nhân ung thư tủy, bác sĩ điều trị bằng nhiều biện pháp kết hợp như miễn dịch, ghép tủy, thuốc đích... Uống nước mía vắt chanh không thể đào thải khối u hay thay máu, giúp khỏi bệnh. Bác sĩ cũng chưa gặp người chữa khỏi ung thư chỉ nhờ uống nước.
Uống hơn một lít nước mía mỗi ngày làm tăng nguy cơ béo phì, rước bệnh vào người. Chưa kể, nước mía vỉa hè có nguy cơ nhiễm khuẩn, từ khâu vệ sinh cây mía, máy ép, cốc đựng nước, ảnh hưởng hệ tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc.
Những người không nên uống nước mía
Là thức uống quen thuộc với nhiều người nhưng không phải ai cũng có thể uống được nước mía. Báo VietNamNet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên Khoa Y học cổ truyền - Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, những nhóm người này không nên uống nước mía hoặc không uống quá nhiều để đảm bảo sức khỏe.
- Người có hệ tiêu hóa kém: Do tính hàn lương và hàm lượng đường cao nên những người tỳ vị hư hàn có đường tiêu hóa kém, hay bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, lạnh bụng thì không nên uống nước mía thường xuyên. Trường hợp cần thiết thì phối hợp với gừng để giảm tính lạnh của mía.
- Người đang sử dụng thuốc: Không uống nước mía khi đang dùng những loại thuốc bổ hay thuốc chống đông máu để tránh gây tương tác thuốc.
- Người mắc bệnh tiểu đường.
- Người đang ăn kiêng, muốn giảm cân cần uống nước mía có chừng mực vì nước mía nhiều năng lượng. Nếu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới béo phì vì cơ thể thừa năng lượng.
- Phụ nữ mang thai cũng không nên uống quá nhiều nước mía, dễ gây nhiễm trùng hoặc tiểu đường thai kỳ, nên ăn uống đa dạng các loại thực phẩm.
Bình luận