Khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết đã tiếp nhận một bệnh nhân V.B.N. (11 tuổi, ở Kỳ Sơn, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì ngộ độc rượu.
Theo người nhà chia sẻ trong lúc mọi người đi vắng, bé cùng với nhóm bạn rủ nhau uống rượu. Vì bạn bè thách đố nên N. đã uống hết khoảng hơn một lít rượu.
Sau đó, bệnh nhi này bị rối loạn ý thức, kích thích vật vã, khó thở, nôn nhiều, sốt liên tục 39 độ, hôn mê, li bì. Trước đó, bệnh nhi đã được điều trị ở bệnh viện tuyến huyện nhưng không đỡ. N. được chuyển đến bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp tục cấp cứu, điều trị từ ngày 11/5.
Hiện, sau hơn một tuần điều trị, bệnh nhân đang phải hồi sức tích cực và thở máy, đã được chuyển sang khoa Thần kinh - Phục hồi Chức năng để theo dõi và điều trị tiếp. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, tiên lượng ca bệnh vẫn rất dè dặt, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp tuần hoàn, rối loạn chuyển hóa, các cơ quan thần kinh não bị tổn thương nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, đối với trẻ nhỏ khi uống các chất kích thích như rượu bia sẽ ảnh hưởng đến gan, dạ dày, hệ miễn dịch.
Sau khi uống rượu bia, các mao mạch sẽ giãn nở, sức tản nhiệt tăng lên, trẻ dễ bị cảm và viêm phổi. Rượu, bia có thể làm quá trình phát dục của trẻ bị rối loạn và gây ra nhiều ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này đối với cả nam và nữ.
Mặt khác, nếu cho trẻ uống thử, uống thường xuyên bia rượu, lâu dần sẽ thành quen và có thể dẫn đến chứng nghiện rượu bia sau này. Vì vậy, gia đình không nên cho trẻ nhỏ uống bia, rượu, cũng như các đồ uống có cồn khác để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và tránh được các biến chứng sau này.
Theo Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương với 106 điều có quy định cụ thể nghiêm cấm hành vi bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Video: Uống rượu cồn công nghiệp, 3 người Hà Nội "nghỉ lễ" trong bệnh viện
Bình luận