Nghi vấn Coca – Cola Việt Nam dùng thủ thuật để lách thuế khiến người ta liên tưởng đến vụ việc của công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải cách đây vài năm. Số tiền thuế đáng ra phải nộp của Coca-Cola có thể lên đến hàng chục tỉ, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng nhưng nỗi đau mất tiền sẽ không lớn bằng việc chúng ta bị lừa cả chục năm trời mà không hề hay biết.
“Không hề hay biết” ở đây là nhà nước, toàn thể người dân Việt Nam không biết, còn những người có trách nhiệm ở địa phương, bộ máy kiểm soát doanh nghiệp, thuế TP HCM thì… chưa dám chắc!Thương hiệu Coca - Cola đang bị nghi ngờ ở Việt Nam.
Trong chừng ấy năm, họ đã làm gì với công ty Coca-Cola?
Một thương hiệu toàn cầu, một nhà máy khổng lồ, tạo ra một thị trường rộng khắp cả nước trên 80 triệu dân, hẳn hoạt động tài chính cũng rất nhộn nhịp và sự hợp tác công việc qua lại giữa Coca-Cola với các cơ quan hành chính, cơ quan thuế địa phương không phải là ít.
Nếu các cơ quan thuế TP HCM vì một lý do nào đó không biết hay cố tình không biết thì chỉ có 2 khả năng: Hoặc là họ biết nhưng không nói, hoặc là họ thông minh nhưng mà… hơi chậm, mất cả chục năm mới phát hiện ra.
Đây quả là một điều đau đớn. Đau đớn vì đất nước bị tổn thất một khoản ngân sách không nhỏ, đau đớn hơn là cả đất nước… bị lừa. Bị lừa vì đặt quá nhiều niềm tin vào đội ngũ cán bộ quản lý trực tiếp tại địa phương.
Một thông tin nữa là có rất nhiều người Việt Nam nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy điều hành, sản xuất ở công ty Coca – Cola Việt Nam. Qua hàng chục năm trời, khó có thể nói rằng họ không biết công ty làm ăn như thế nào, lợi nhuận ra sao và thậm chí có những “chiêu trò” gì.
Nhưng họ đã chọn cách im lặng, im lặng vì những khoản lương cao, vì miếng cơm manh áo. Mặc cho đồng bào họ bị lừa gạt, đất nước họ bị tổn thất…
Chúng ta đã được thấy ở các nước trên thế giới như Trung Quốc. Mỹ, Nhật Bản, Anh… mỗi khi phát hiện ra sự lừa đảo trắng trợn thì lập tức làn sóng tẩy chay sản phẩm sẽ lên cao, thậm chí các nhà máy, xí nghiệp sẽ bị đập phá.
Đành rằng chúng ta không đồng tình với việc phá hoại nhưng sự dám thể hiện đó cũng chứng tỏ phản ứng mạnh mẽ của đám đông với sự lừa dối.
Vậy mà, nhiều người Việt Nam ở Coca - Cola Việt Nam đã chọn cách im lặng.
Câu chuyện đa ý nghĩa của phương Tây “Sự im lặng của bầy cừu” có ngụ ý rằng: Chưa biết rằng con cừu im lặng vì quá sợ con sói hay con cừu im lặng vì “không thèm chấp" con sói. Trong trường hợp này, chúng ta cũng có thể hiểu rằng: Chưa chắc những người Việt Nam ở Coca - Cola không biết mà họ biết nhưng “ấm quá” nên không thèm kêu…
Im lặng - đôi khi tránh được nhiều sóng gió, nhưng có những khi sự im lặng xếp ngang hàng với phản bội, đớn hèn.
Theo Petrotimes
Bình luận