Liên tiếp bệnh nhân ngộ độc rượu
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân bị rối loạn ý thức, hôn mê, suy hô hấp vì viêm phổi, tiên lượng rất dè dặt dù đã bước sang ngày điều trị thứ 5 điều trị.
Trước đó, sau khi uống rượu, bệnh nhân bị rối loạn ý thức, nôn nhiều nên đã bị hít chất nôn, đờm dãi vào đường thở gây viêm phổi rất nặng. Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê.
Trước đó, Trung tâm tiếp nhận nữ bệnh nhân V.T.H (24 tuổi, ở Thanh Thủy, Phú Thọ). Người nhà bệnh nhân cho biết H. về Bắc Ninh để dự buổi liên hoan gặp mặt bạn. Tại đây H. uống nhiều rượu nên bị say, mọi người đưa về phòng ngủ.
Đến chiều hôm sau, H. vẫn ngủ li bì, mê man nên nhóm bạn đã đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, nói sảng. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch. Một nam bệnh nhân khác 57 tuổi (Hà Nội) bị ngộ độc methanol cấp.
Theo lời người nhà, ngày 17/12, bệnh nhân uống rượu không rõ nguồn gốc mua ở một quán gần nơi trọ. Một ngày sau uống rượu, bệnh nhân xuất hiện kích thích, đau đầu, nhìn mờ.
Bệnh nhân được Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội chuyển ngay lên Trung tâm Chống độc cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, giảm thị lực, tụt huyết áp, suy gan, suy thận, ngộ độc rất nặng.
Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm xác định, bệnh nhân đã được kịp thời cấp cứu theo hướng ngộ độc rượu, hồi sức, chống độc: đặt nội khí quản, lọc máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy methanol trong máu lên tới 169 mg/dL (trong khi bình thường 20 mg/dL đã là rất nặng phải lọc máu).
Hậu quả nặng nề
Bác sĩ Nguyên cũng cảnh báo nguy cơ hạ đường huyết do chỉ uống mà không ăn. Trước đó, một trường hợp là cô gái 24 tuổi cũng được đưa tới Trung tâm Chống độc do hạ đường huyết, ngất xỉu vì chỉ uống mà không ăn.
Bác sĩ lý giải, khi say rượu, sau lúc nôn, lảm nhảm, nói nhiều người say thường lịm đi, thậm chí ngủ một mạch vài tiếng đồng hồ. Trong khi đó bụng lại đói, lúc này xuất hiện nguy cơ bị hạ đường trong máu, dễ dẫn tới tử vong hoặc di chứng trên não.
Được biết, đa số các ca do uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.
Video: Ngộ độc rượu ngày Tết, gần 2.000 người nhập viện
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, bản chất methanol là chất độc, được trà trộn vào rượu uống (rượu trắng). Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt.
Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh. Người uống không hề biết mình đã uống nhầm rượu độc, đến khi được đưa vào viện thì thường đã quá muộn.
Hàng tiếng sau khi uống, thậm chí sau 2 ngày, người bệnh mới có biểu hiện mờ mắt, hôn mê, mệt mỏi; gia đình đưa đi cấp cứu thì đã muộn. Nếu như biết ngộ độc methanol, bệnh nhân được đưa vào viện sớm, không đợi các dấu hiệu thì sẽ không có tổn thương não, di chứng mắt.
Xét về lượng tiêu thụ, Việt Nam vẫn ở mức thấp so với thế giới, song xét về các bệnh có nguyên nhân do uống rượu bia không an toàn gây ra, Việt Nam cao hơn rất nhiều.
Cụ thể, số người mắc các bệnh lý mãn tính (gồm ung thư, gan, thần kinh, tim mạch,…) do rượu kém chất lượng tại châu Âu là 116.502 người/năm trong khi tại Việt Nam là 408.655 người/ năm (cao gần 4 lần so với châu Âu) . Điều này cho thấy một thực trạng đáng báo động về rượu kém chất lượng tại Việt Nam.
Bình luận