• Zalo

Ước mơ đổi đời trả giá bằng đòn roi, tính mạng của những cô dâu Việt ở Hàn Quốc

Thế giớiThứ Ba, 09/07/2019 11:52:00 +07:00Google News

Nhiều phụ nữ ra đi với ước mơ đổi đời ở miền đất hứa nhưng cái giá mà họ phải trả là những trận đòn roi liên miên hay thậm chí là chính mạng sống của mình.

Với ước mơ đổi đời, thoát khỏi cuộc sống cơ cực ở ngôi làng nhỏ bé thuộc tỉnh Tây Ninh, năm 2004, Đỗ Thị Mỹ Tiên, 17 tuổi, kết hôn với người chồng Hàn Quốc hơn mình 20 tuổi, rời quê hương và chuyển tới Hàn Quốc sinh sống. 

Ngày 24/7/2014, xác của Tiên được tìm thấy dưới một hẻm núi. Khi ra đi, Tiên 27 tuổi. Thủ phạm nhanh chóng bị vạch trần, không ai khác chính là chồng nạn nhân Lee Geun Sik. Y khai nhận giết vợ sau trận cãi vã rồi ném xác cô xuống rìa một con đường vắng để phi tang. 

Tháng 7/2010, đích thân Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Lee Myung-bak phải lên tiếng xin lỗi và gửi lời chia buồn tới gia đình Thạch Thị Hồng Ngọc, cô dâu Việt Nam bị người chồng Hàn Quốc có lịch sử bệnh tâm thần sát hại dã man. 

Cái chết của Tiên khi đó gây chấn động cộng đồng Hàn Quốc và Việt Nam, trở thành một ví dụ bi thảm cho nạn bạo hành gia đình ở các gia đình có dâu ngoại quốc nói riêng và các gia đình Hàn Quốc nói chung, nơi những người chồng gia trưởng thích nói chuyện bằng nắm đấm. Với Ngọc, sự ra đi của cô trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho những người nuôi ước mơ đổi đời ở Hàn Quốc nhưng mù tịt các thông tin về đối tượng kết hôn. 

do thi man tien

Tang lễ của Đỗ Thị Mỹ Tiên được tổ chức ở Hàn Quốc. (Ảnh: facebook)

Năm 2012, 5.876 người chồng ở Hàn Quốc bị bắt vì bạo hành gia đình. Năm 2013, tổng cộng 123 phụ nữ ở Hàn Quốc bị chồng hoặc người yêu sát hại. Năm 2015, 118.178 vụ bạo hành gia đình được báo cáo nhưng chỉ có 8.862 trường hợp bị bắt giữ. 

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc, ngôn ngữ và rào cản văn hóa là một trong nhiều nguyên nhân khiến cô dâu ngoại bị bạo hành hoặc trở thành nạn nhân bị chồng sát hại. 

Theo Diplomat, hầu hết các trường hợp cô dâu nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc là qua môi giới. Họ thậm chí không nắm rõ thông tin về chồng mình và thậm chí các cặp vợ chồng không gặp mặt nhau cho tới lễ cưới. 

Han Sarang, 28 tuổi sống ở một ngôi làng nghèo ở Campuchia. Cô quyết định tới Hàn Quốc từ khi còn học trung học ngay khi biết được rằng điều kiện kinh tế trong gia đình khiến cô không thể học lên cao. Han tới một công ty mai mối quốc tế và được giới thiệu người sau này trở thành chồng cô. Cuộc gặp đầu tiên kéo dài vài giờ, họ kết hôn 1 tuần sau đó. 

"Lần đầu tiên tới Hàn Quốc, tôi thấy sân bay rộng và ấn tượng, tôi chắc mẩm mình đã đặt chân tới một đất nước tiên tiến. Nhưng sau đó tôi bị đưa đi ngày càng xa. Bò và xe máy bắt đầu xuất hiện. Cuối cùng, nó cũng chả khác gì quê hương tôi", Han nói.

Khi đặt chân được tới "miền đất hứa", nhiều người như Han hay có thể là Tiên hay Ngọc mong mỏi nhanh chóng được cấp thị thực kết hôn dành cho các cô dâu ngoại thường có thời hạn 1 năm và gia hạn 1 năm 1 lần. Tuy nhiên, người chồng lại có vai trò quan trọng trong quá trình này vì giới chức sẽ trưng cầu ý kiến của họ để quyết định có gia hạn thị thực cho người vợ hay không. Những gã đàn ông vũ phu lợi dụng điểm yếu này để kiểm soát vợ trong khi các cô dâu ngoại quốc thường ngậm đắng nuốt cay trong nỗ lực được ở lại Hàn Quốc. 

Trong vụ việc bạo hành cô dâu Việt gây chấn động dư luận Hàn Quốc và Việt Nam mới đây, K., 30 tuổi, nói cô thường xuyên bị chồng đánh đập nên quyết định giấu điện thoại trong phòng khách để ghi lại. Một ngày sau vụ hành hung dã man, K gửi video cho người quen để họ trình báo tới cảnh sát. 

ha quoc

Đoạn video bạo hành cô dâu Việt chấn động những ngày qua. (Ảnh: Korea Times) 

17h chiều 6/7, cảnh sát kiểm tra video. 3 giờ sau, họ triệu tập người chồng để thẩm vấn rồi ban lệnh bắt khẩn cấp. Về phần mình, K bị gãy xương sườn và cần điều trị ít nhất 4 tuần. 

Năm 2011, Ủy ban nhân quyền quốc gia Hàn Quốc kiến nghị Bộ Tư Pháp loại bỏ quy định trưng cầu ý kiến của vợ hoặc chồng Hàn Quốc trong Đạo luật kiểm soát người nhập cư để ngăn chặn nạn kết hôn vì thị thực hoặc yêu cầu thường trú. Sau nhiều năm sống tại Hàn Quốc, các cô dâu ngoại sẽ phải trải qua nhiều quá trình xét duyệt kéo dài trong vài năm trước khi được phép nộp đơn xin nhập tịch. 

Theo Hani, người chồng Hàn Quốc thường cố tình không giúp đỡ những người vợ nhập cư của mình có được quyền công dân vì tin rằng họ sẽ chạy trốn khi trở thành công dân Hàn Quốc. 

Giống như truyền thống ở nhiều nước phương Đông, bạo lực gia đình ở Hàn Quốc thường được coi là vấn đề riêng tư, không phải là vấn đề cơ quan thực thi pháp luật cần và nên giải quyết. 

"Bạo lực gia đình với phụ nữ nhập cư Hàn Quốc hiếm khi phải đối mặt với hình phạt, đó là lý do các nạn nhân thường tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức quyền phụ nữ hoặc các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa thay vì thực hiện các bước đi pháp lý", một quan chức tại Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết. 

"Không chỉ có phụ nữ Việt Nam, các vụ bạo hành xảy ra với cô dâu ngoại thuộc mọi quốc tịch. Chúng tôi hy vọng pháp luật sẽ trừng phạt nặng với những người chồng vũ phu này", ông cho biết, nói thêm rằng K sợ gia đình của cô ở Việt Nam biết về tình trạng hiện tại của mình sau khi đoạn video được đăng tải. 

Luật pháp Hàn Quốc trước đây quy định nếu nạn nhân bạo hành không muốn tố cáo chồng, quyền buộc tội sẽ bị xóa bỏ. Tuy nhiên, theo các thay đổi về luật mới đây, ngay cả khi nạn nhân không còn quyền buộc tội, vụ việc sẽ được đưa lên Trung tâm Tư vấn Bạo hành gia đình xem xét trong 20-40 giờ và sau đó là ở Văn phòng Quản chế. Ngoài ra, các trường hợp sử dụng vũ khí gây chết người hoặc dụng cụ nguy hiểm sẽ bị bắt vì nghi ngờ gây tổn hại cho gia đình. 

Đối với các gia đình có cô dâu ngoại, cảnh sát đang lên kế hoạch cung cấp các phiên dịch và luật sư hỗ trợ cho họ thông qua các trung tâm hỗ trợ văn hóa. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cố "ngậm đắng nuốt cay", sống qua ngày với những trận đòn roi như cơm bữa vì không dám đứng lên tố giác chồng mình. 

Theo số liệu thống kê năm 2018, phụ nữ Việt chiếm tới 73% số cô dâu ngoại quốc ở Hàn Quốc, tiếp theo là Campuchia với 8,8%, Trung Quốc với 7,6% và Philippines là 3,7%.

Không nhiều trường hợp trong số đó là các cuộc hôn nhân chân chính, dựa trên tình yêu. Phần nhiều xuất phát từ thực trạng các phụ nữ ngoại quốc muốn tới Hàn Quốc để thoát khỏi cuộc sống nghèo khó ở quê nhà. Không ít người chồng coi họ như "máy đẻ, người giúp việc hoặc người chăm sóc cho cha mẹ già". 

Koreajoongang Daily cho rằng các cuộc hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc hiện nay rất gần với nạn buôn người. 

Theo nghiên cứu của Bộ Bình Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc, gần 1/3 trong tổng số các cuộc hôn nhân quốc tế tan vỡ trong 5 năm đầu tiên. "Tuổi thọ" một cuộc hôn nhân giữa 2 người Hàn Quốc thường là 15,3 năm, nhưng với các cuộc hôn nhân đa quốc tịch chỉ là 6,4 năm. 

Nhiều cô dâu ngoại nói rằng họ cảm thấy khó hòa nhập vào xã hội, nơi nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn phổ biến. Các trường hợp khác bị lạm dụng, ép làm việc quá sức hoặc bị đánh đập như K. hay thậm chí bị sát hại như Tiên hay Ngọc. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn