Theo Globocan 2020, trong số các ca ung thư ở nữ giới tại Việt Nam, ung thư vú đứng vị trí đầu tiên với hơn 21.500 bệnh nhân, chiếm 25,8% tổng số ca ung thư. Chính vì vậy, việc tự trang bị cho mình kiến thức về ung thư vú sẽ giúp bạn phòng tránh và ngăn ngừa nguy cơ mắc căn bệnh ung thư này. Sau đây là một số thông tin cần thiết về ung thư vú do trang tin Healthline cung cấp.
Ung thư vú là gì?
Ung thư xảy ra khi cơ thể xuất hiện tế bào bất thường, phân chia, phát triển không kiểm soát và tập hợp thành khối u. Ung thư vú là dạng u ác tính, phát triển trong tế bào vú. Hầu hết các trường hợp mắc ung thư vú đều xuất phát từ các thùy hoặc ống dẫn sữa.
Ngoài ra, ung thư cũng có thể xảy ra trong mô mỡ hoặc mô liên kết xơ trong vú. Các tế bào ung thư không được kiểm soát thường xâm lấn vào các mô vú khỏe mạnh và có thể di chuyển đến các hạch bạch huyết dưới cánh tay. Một khi ung thư xâm nhập vào các hạch bạch huyết, nó có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo ung thư vú
Trong giai đoạn đầu, ung thư vú thường có rất ít triệu chứng dễ nhận thấy vì khối u thường quá nhỏ để cảm nhận sự thay đổi; tuy nhiên, vẫn có thể thấy sự bất thường thông qua ảnh chụp tuyến vú.
Ung thư vú có nhiều loại và mỗi loại có nhiều triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng thường bao gồm:
Đau vùng ngực
Thay đổi ở vùng da
Sưng hoặc nổi hạch lớn ở vùng ngực hoặc vùng dưới cánh tay
Núm vú bị chảy máu
Tuy nhiên, nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào như trên, chưa chắc bạn đã mắc ung thư vú, vì có thể đó chỉ là một khối u nang lành tính. Trong trường hợp bạn phát hiện ngực xuất hiện một khối u lớn, đi kèm với nhiều dấu hiệu cảnh báo ung thư thì hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.
Các giai đoạn ung thư vú
Các bác sĩ chia ung thư vú thành các giai đoạn khác nhau, dựa trên kích thước của khối u và mức độ lan rộng của nó. Ung thư vú bao gồm 5 giai đoạn:
Giai đoạn 0: Tiền ung thư
Giai đoạn 0 là giai đoạn mà tế bào ung thư mới chỉ xuất hiện ở ống dẫn sữa và chưa lan sang các mô xung quanh vú. Đây được gọi là ung thư vú không xâm lấn hoặc ung thư biểu mô tuyến vú tại chỗ (DCIS).
Giai đoạn 1: Xâm lấn
Giai đoạn 1A: Khối u nhỏ (nhỏ hơn 2cm) và chưa lan tới các hạch bạch huyết.
Giai đoạn 1B: Tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó (thường là dưới cánh tay). Không xuất hiện khối u ở vú hoặc khối u có kích thước nhỏ hơn 2cm.
Giai đoạn 2: Phát triển
Giai đoạn 2A: Khối u nhỏ hơn 2cm và lan đến 1-3 hạch bạch huyết ở gần đó, hoặc khối u có kích thước từ 2-5cm và không lan đến bất kỳ hạch bạch huyết nào.
Giai đoạn 2B: Khối u có kích thước từ 2-5cm và đã lan đến 1-3 hạch bạch huyết ở gần đó, hoặc khối u lớn hơn 5cm và không lan đến bất kỳ hạch bạch huyết nào.
Giai đoạn 3: Lan rộng
Giai đoạn 3A: Tế bào ung thư có thể đạt đến bất kỳ kích thước nào và lan đến 4 - 9 hạch bạch huyết, có thể lan đến các hạch bạch huyết bên trong vú nhưng chưa lây lan sang các bộ phận khác; hoặc khối u có kích thước hơn 5cm và lan đến 1 - 3 hạch bạch huyết ở dưới cánh tay hoặc trong tuyến vú.
Giai đoạn 3B: Khối u đã lan đến thành ngực hoặc biểu bì, có thể lan đến 9 hạch bạch huyết.
Giai đoạn 3C: Tế bào ung thư đã lan đến hơn 10 hạch bạch huyết ở dưới cánh tay, xương đòn hoặc bên trong tuyến vú.
Giai đoạn 4: Di căn
Đây là giai đoạn cuối của ung thư vú. Khối u có thể đạt đến bất kỳ kích thước nào và tế bào ung thư đã lan rộng và di căn đến các hạch bạch huyết gần đó cũng như các cơ quan khác của cơ thể (xương, não, phổi, gan).
Điều trị ung thư vú
Phẫu thuật
Tùy vào tình trạng ung thư và kích thước khối u, bác sĩ sẽ lựa chọn thực hiện loại phẫu thuật nào.
Phẫu thuật bóc tách: loại phẫu thuật này áp dụng đối với bệnh nhân có khối u nhỏ.
Đoạn nhũ: bác sĩ sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú (bao gồm phần biểu bì, núm vú, tuyến sữa).
Đoạn nhũ dự phòng: Cắt bỏ tuyến vú bên lành đối với các bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc ung thư vú.
Liệu pháp xạ trị
Liệu pháp xạ trị sẽ sử dụng các chùm tia năng lượng cao như tia X, tia gamma để tiêu diệt các tế bào ung thư. Để tiến hành liệu pháp điều trị này, các bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt các hạt hoặc sóng năng lượng cao vào bên trong cơ thể, gần vị trí khối u. Chúng sẽ ở đó trong một thời gian ngắn và làm việc để phá hủy các tế bào ung thư.
Liệu pháp hoá trị
Liệu pháp này sử dụng thuốc để phá hủy các tế bào ung thư. Bệnh nhân có thể điều trị hóa trị kết hợp với phẫu thuật. Một số người sẽ được phẫu thuật trước tiên sau đó là các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như hóa trị hoặc phóng xạ. Điều này được gọi là liệu pháp bổ trợ. Những người khác có thể có hóa trị trước để thu hẹp ung thư sau đó là phẫu thuật. Đây được gọi là liệu pháp tân sinh.
Liệu pháp hóc-môn
Liệu pháp này được sử dụng cho những bệnh nhân dương tính với thụ thể hóc-môn. Estrogen và progesterone là 2 loại hóc-môn ở nữ giới và có thể kích thích sự phát triển của khối u ung thư vú.
Liệu pháp hóc-môn hoạt động bằng cách làm giảm lượng hóc-môn hoặc ngăn chặn các loại hóc-môn này trên tác động tiêu cực đến các tế bào ung thư vú.
Phòng tránh ung thư vú
Mặc dù có những yếu tố rủi ro mà bạn không thể kiểm soát nhưng nếu bạn làm những điều sau để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Xây dựng cho bản thân một lối sống lành mạnh bằng cách:
Bổ sung nhiều loại dưỡng chất cho bữa ăn hằng ngày như rau và các thực phẩm giàu phytoestrogens.
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao
Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,...
Tránh lợi dụng một số loại thuốc có tác dụng phụ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú (thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu,...)
Ngoài ra bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để sớm phát hiện và phòng tránh ung thư vú.
Bình luận