Ung thư cổ tử cung: Những khuyến cáo quan trọng bạn tuyệt đối không nên bỏ qua

Tư vấnThứ Năm, 21/10/2021 12:09:00 +07:00
(VTC News) -

Ung thư cổ tử cung không chỉ là một căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong, mà còn phát triển "ngầm" nên việc phát hiện sớm là điều rất khó.

Trang bị một chút kiến ​​thức có thể giúp bạn đi chặng đường dài trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư cổ tử cung.

Các chuyên gia ung thư từ City of Hope, một trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư ở California, Hoa Kỳ cho biết, trên thực tế, phụ nữ càng biết nhiều về căn bệnh này thì cơ hội phòng ngừa được càng lớn.

Các chuyên gia lưu ý, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm hơn 50% trong 4 thập kỷ qua khi phụ nữ hiểu thêm về nguy cơ mắc bệnh và ngày càng có nhiều người làm xét nghiệm Pap (hay còn gọi là xét nghiệm Papanicolaou, phết PAP, phết tế bào cổ tử cung) là phương pháp để tầm soát phát hiện những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung), giúp các bác sĩ có thể tầm soát căn bệnh này.

Tuy nhiên, vì căn bệnh ung thư này thường không có dấu hiệu cảnh báo sớm, nên các chuyên gia ở City of Hope kêu gọi phụ nữ hãy bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tìm hiểu 5 điều cơ bản sau về ung thư cổ tử cung.

1. Nguyên nhân phổ biến là do virus HPV

HPV - một loại virus gây u nhú ở người, là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Khoảng 99% trường hợp ung thư cổ tử cung là do bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Các chủng virus phổ biến nhất gồm có HPV 16 và HPV 18, là nguyên nhân gây ra khoảng 70% tổng số trường hợp mắc bệnh.

Mỗi năm, có khoảng 14 triệu ca nhiễm HPV mới được phát hiện tại Mỹ. Một số ca được chữa khỏi hẳn, nhưng nhiễm trùng kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Ung thư cổ tử cung: Những khuyến cáo quan trọng bạn tuyệt đối không nên bỏ qua - 1

2. Ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt 3 loại vaccine chống HPV.

Đầu tiên là vaccine Gardasil, được phê duyệt vào năm 2006, có tác dụng bảo vệ đồng thời chống lại 2 loại virus nguy hiểm nhất là HPV 16 và HPV 18. Tiếp đó, năm 2009, FDA đã phê duyệt vaccine Cervarix.

Vaccine thứ ba là Gardasil 9, được chứng minh có hiệu quả 97% trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ và âm đạo bằng cách bảo vệ, chống lại các loại chủng HPV nguy cơ cao, đã được phê duyệt vào năm 2014.

Các chuyên gia khuyến cáo nam giới và phụ nữ trẻ, trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, nên được tiêm phòng HPV.

3. Đồng tính nữ và song tính nữ ít được tầm soát ung thư cổ tử cung

Các chuyên gia từ City of Hope cho rằng, điều này có thể do họ sợ bị phân biệt đối xử hoặc có trải nghiệm không tốt với bác sĩ trong quá khứ và thông tin sai lệch về ung thư cổ tử cung.

4. Tất cả phụ nữ từ 21 tuổi nên khám sàng lọc thường xuyên

Điều này bao gồm khám phụ khoa hàng năm và xét nghiệm Pap định kỳ. Đây được xem là một phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Đối với xét nghiệm Pap, các tế bào được thu thập từ cổ tử cung để có thể kiểm tra xem có sự bất thường nào không.

Các chuyên gia khuyên rằng, phụ nữ ở độ tuổi 20 nên làm xét nghiệm Pap 3 năm/lần trong trường hợp kết quả bình thường. Phụ nữ từ 30 đến 64 tuổi nên làm xét nghiệm Pap 5 năm/lần với kết quả vẫn bình thường.

5. Dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có thể gây chảy máu, nhưng nhiều phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều nên điều này khó xác định và thường bị bỏ qua.

Thông thường, bệnh này không gây ra đau đớn hoặc xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo rõ ràng, điều đó làm cho việc tầm soát trở nên quan trọng hơn. Do vậy, phụ nữ nếu nghi ngờ có điều khác thường thì không nên chủ quan bỏ qua các triệu chứng và cần đi khám ngay.

Ngô Xuyến(Nguồn: WebMD)
Bình luận
vtcnews.vn