Với năng suất tối đa là 100 kg/mẻ, máy có bộ thu năng lượng mặt trời và bộ phận cấp nhiệt bằng điện trở để dự phòng khi trời mưa. Ngoài ra, máy còn có bộ phận đảo gió để quá trình sấy đều, không cần phải đảo trộn, giảm thiểu công lao động. Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị sấy nâng cao chất lượng sản phẩm cá Dứa khô” do Sở KH&CN Tp.HCM tài trợ.
Huyện Cần Giờ nổi tiếng với đặc sản Cá dứa một nắng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Khô cá dứa có giá trị kinh tế cao, là nguồn thu nhập lớn cho ngư dân và các cơ sở chế biến. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất cá dứa khô hầu hết có quy mô nhỏ, làm khô cá bằng cách phơi nắng thủ công, nên đòi hỏi diện tích sân phơi lớn và nhiều lao động nhưng năng suất thấp, sản phẩm chưa đảm bảo vệ sinh, không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.
Để giải quyết vấn đề này, TS Vương Thành Tiên và các cộng sự đã nghiên cứu chế tạo máy sấy cá dứa và được ứng dụng tại cơ sở chế biến cá khô Kim Yến (huyện Cần Giờ), cho năng suất từ 50 - 100 kg/mẻ, hoạt động ổn định trong khoảng nhiệt độ sấy từ 40 – 50oC, dễ dàng trong vận hành, sử dụng.
Sản phẩm sau sấy có chất lượng ổn định, độ trắng cao hơn sản phẩm phơi nắng, đạt tiêu chuẩn vi sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sử dụng máy sấy sẽ không phụ thuộc vào thời tiết; không cần sân phơi lớn, chỉ với diện tích nhỏ nhưng năng suất cao; không tốn nhiều nhân công và chi phí sấy thấp.
Video: Máy nông nghiệp cũ nát: nước ngoài vứt đi, Việt Nam ồ ạt nhập về
TS. Vương Thành Tiên cho biết, máy sấy cá được tính toán thiết kế phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ, phù hợp với các cơ sở chế biến cá khô ở huyện Cần Giờ. Máy sử dụng năng lượng mặt trời, không phải dùng điện, vừa tiết kiệm được chi phí, lại có thể hoạt động khi trời mưa hoặc vào ban đêm nhờ vào bộ điện trở phụ. Cấu tạo máy gồm: quạt hút không khí nóng đưa vào buồng sấy; cụm điện trở là nguồn cung cấp nhiệt chính khi trời mưa hoặc sấy vào ban đêm và dùng để điều chỉnh nhiệt độ sấy; van đảo chiều không khí sấy, giúp quá trình sấy không cần phải đảo trộn nhưng cá vẫn khô đều, giảm thiểu công lao động; buồng sấy chứa cá, tránh được bụi, ruồi nhặng, côn trùng,…; tủ điều khiển; ống thông gió; bộ thu năng lượng mặt trời.
Ông cũng cho biết thêm, sau khi ứng dụng thành công tại Cần Giờ, hiện nay, một số đơn vị từ khu vực miền Tây như An Giang,.. cũng đã quan tâm khảo sát, tìm hiểu và xem xét đặt hàng, hợp tác chuyển giao công nghệ máy sấy cá bằng năng lượng mặt trời.
Ông và các cộng sự sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện hơn sản phẩm để đưa vào ứng dụng rộng rãi trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế miền biển. Một điều kiện thuận lợi nữa là có thể chế tạo máy sấy này tại các phân xưởng cơ khí quy mô nhỏ tại các địa phương, giá thành không cao nên các cơ sở chế biến cá khô nhỏ và vừa hoàn toàn có thể đầu tư được.
Bình luận