• Zalo

Ứng dụng thành công Công nghệ sàn bóng Bubbledeck tại Việt Nam

Sản phẩmThứ Sáu, 30/06/2017 15:07:00 +07:00Google News

Công nghệ sàn bóng BubbleDeck là công nghệ sàn mới, rất thành công tại Châu Âu từ những năm đầu thành lập. Trong hơn 20 năm qua hàng triệu m2 sàn sử dụng công nghệ BubbleDeck đã được thi công, ứng dụng cho tất cả các tòa nhà cao tầng bao gồm Văn phòng, Bệnh viện, Trường học, Nhà ở, Nhà để xe và các công trình công cộng khác.

BubbleDeck là một công nghệ thi công sàn bê tông cốt thép mang tính cách mạng trong xây dựng khi sử dụng những quả bóng bằng nhựa tái chế để thay thế phần bê tông không tham gia chịu lực ở thớ giữa của bản sàn, làm giảm đáng kể trọng lượng bản thân kết cấu và tăng khả năng vượt nhịp lên khoảng 50%.

anh1

Cấu kiện Cdeck đã chế tạo từ xưởng được cẩu từ xe vận chuyển lên vị trí lắp đặt 

Để giúp độc giả hiểu thêm về công nghệ mới này, phóng viên VTC News đã có buổi phỏng vấn Ths.Giảng viên chính Đỗ Đức Thắng – Đại học Xây dựng Hà Nội – người đầu tiên mang công nghệ mới này về Việt Nam và đã được cấp bằng hộ Sáng chế cho cải tiến, ứng dụng tại thị trường Việt Nam vào tháng 2/2012.

- Thưa ông Đỗ Đức Thắng, xuất phát từ đâu mà ông quan tâm đến công nghệ sàn bóng Bubbledeck?

Tôi biết đến sàn bóng Bubbledeck năm 2006, qua thông tin từ một kỹ sư xây dựng Việt Nam làm việc ở Hà Lan giới thiệu cho bạn bè Việt Nam về công nghệ tiên tiến đang được ưa chuộng ở Châu Âu. Lúc đó tôi đã có một số kinh nghiệm và thành tựu với hệ kết cấu không gian ứng dụng cho mái nhà công cộng, công nghiệp và rất muốn đưa hệ kết cấu không gian vào hệ sàn nhà. Chúng tôi đã mày mò nghiên cứu, thử nghiệm và thấy hướng đi này rất có triển vọng, song để chuyển từ thủ công sang quy mô sản xuất công nghiệp thì riêng Việt Nam chưa thể làm được. Vì vậy, chúng tôi đã sang Hàn Quốc, Trung Quốc tham khảo các phương pháp sản xuất công nghiệp của họ và đã đưa hệ Sàn Superdeck về thử nghiệm, tuy nhiên vẫn chưa thật sự hài lòng.

Đúng lúc ấy được biết về Bubbledeck (Đan Mạch) và nhận thấy các ưu điểm vượt trội của công nghệ này, đúng với điều mình mong muốn nên chúng tôi đã nhanh chóng tập trung cao độ để nắm được công nghệ, và phải mất 2 - 3 năm (từ 2007 đến cuối 2009) chúng tôi mới hoàn toàn làm chủ công nghệ và ứng dụng tốt vào thực tiễn Việt Nam.

- Khi đưa công nghệ mới này vào Việt Nam, ông đã có những cải tiến gì để có thể áp dụng phù hợp với điều kiện trong nước?

Lúc đầu chúng tôi thực hiện hoàn toàn đúng như quy trình công nghệ được chuyển giao từ tác giả công nghệ người Đan Mạch, tuy nhiên có đi sâu vào thực tiễn mới thấy công nghệ nguyên bản này rất tốt ở Châu Âu, Bắc Mỹ...nơi có hạ tầng kỹ thuật, xã hội đã phát triển, giá nhân công rất cao. Còn ở Việt Nam, tình hình ngược lại, giá nhân công còn tương đối thấp trong khi hạ tầng kỹ thuật như đường xá, thiết bị vận chuyển cẩu lắp, trình độ công xưởng hoá còn hạn chế thì việc dùng nguyên xi công nghệ của Đan Mạch là không phù hợp. Để có thể đưa công nghệ này vào thực tiễn phải có những điều chỉnh cần thiết, từ cách chế tạo những quả bóng nhựa rỗng, đến sản xuất các cấu kiện xuất xưởng có diện tích đến 20m2.

Video: Hà Nội thanh minh cầu 'bê tông cốt xốp'

Tháng 5/2009 chúng tôi đã nộp đơn xin bảo hộ Sáng chế cho cải tiến này và đã được cấp Patent vào 2/2012. Còn trong thực tiễn, ngay sau khi cải tiến được cách làm thì thị trường đón nhận rất tốt, năm 2010 - 2012 chúng tôi đã có đến 6 nhà xưởng sản xuất Cdeck (Bubbledeck type C) trải đều từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ông có thể cho độc giả đươc biết về các ưu, nhược điểm của công nghệ mới này?

Hệ sàn bóng Cdeck có khá nhiều ưu điểm, nổi bật nhất là nó cho phép thi công những kết cấu bê tông cốt thép sàn nhà có cấu tạo rỗng, không dầm, chịu lực hai phương, do vậy sàn nhẹ, giảm tải trọng bản thân sàn, tiết kiệm bê tông, tiết kiệm thép của sàn, giảm tải trọng truyền xuống kết cấu bên dưới và móng. Sàn phẳng không dầm tiện lợi cho khai thác sử dụng, cách âm, cách nhiệt tốt, thi công nhanh, tốn ít nhân công tại hiện trường, hạn chế xả rác thải trong thi công...

Tuy nhiên, đây là công nghệ mới, nên cần có sự hiểu biết và tuân thủ tốt quy trình thi công mới bảo đảm chất lượng công trình, như mọi công nghệ mới khác.

- Trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo và triển khai ứng dụng vào thực tiễn Viêt Nam, những khó khăn mà ông gặp phải là gì?

Như mọi công nghệ mới xuất hiện, sàn bóng Cdeck dù rất ưu việt song cũng mất nhiều công sức để thuyết phục khách hàng đồng ý ứng dụng công nghệ mới vào công trình của họ. Khó khăn khác là phải đầu tư tài chính, kỹ thuật để có Nhà Xưởng sản xuất sản phẩm Cdeck trên quy mô công nghiệp, rồi tổ chức huấn luyện cho kỹ sư, công nhân thay đổi thói quen cũ, tuân thủ quy trình thi công mới, mọi thứ đều không dễ dàng...

anh2 3

 Hoàn thiện Cdeck trước khi đổ bê tông sàn bóng

- Hiện nay công ty nào đang nhận chuyển giao nghiên cứu của ông?

Họ triển khai sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường như thế nào? Hiện nay chúng tôi đã chuyển giao công nghệ Cdeck cho một số công ty ở Hà Nội, Thành phố HCM, Lào Cai, họ đều đang hoạt động tốt, thị trường đang mở rộng. Đáng mừng là tháng 4/2017 Bộ XD đã công bố Bộ Định mức bổ sung trong đó có các định mức cho các hạng mục của sàn bóng Cdeck, từ đây chúng tôi mới có đủ cơ sở pháp lý để đưa sản phẩm tiếp cận các dự án có nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước.

- Ông đã được sự hỗ trợ nào của các cơ quan, đơn vị?

Chúng tôi rất cảm ơn Bộ Xây Dựng mà cụ thể là Vụ KHCN và Môi Trường, Cục Quản lý các hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng. Các cơ quan này luôn hướng dẫn và giúp chúng tôi hoạt động đúng hướng, đồng thời ra các văn bản giải thích để khách hàng hiểu và tin dùng sản phẩm mới của chúng tôi.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN mà đặc biệt là Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Cục Sáng Chế cũng giúp chúng tôi tiếp cận các khách hàng, nguồn lực từ các đối tác, các Quỹ.

- Ông có kỳ vọng gì trong thời gian tới về phát triển sản phẩm sàn bóng Cdeck?

Chúng tôi vẫn mơ ước có được nguồn tín dụng đủ để làm chủ một Nhà xưởng đạt chuẩn, qua đó cung cấp ra thị trường những sản phẩm chuẩn mực, yếu tố quan trọng nhất cho chất lượng công trình và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Ông có kiến nghị gì với các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và các Quỹ trong việc hỗ trợ ứng dụng các sản phẩm KH&CN vào thực tiễn?

Để triển khai ứng dụng sản phẩm công nghệ mới vào thực tiễn, chúng tôi đã thành lập Doanh nghiệp khoa học công nghệ VITEC – Công ty cổ phần giải pháp công nghệ xây dựng quốc tế Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ do các nhà khoa học lập ra nên chỉ mạnh về ý tưởng và kỹ thuật, còn về tài chính lại yếu, nên rất mong muốn tìm được nhà đầu tư có thể đồng hành phát triển sản phẩm này trên diện rộng phục vụ tốt cho các dự án cần có giá thành hạ, chất lượng cao, thi công nhanh.

Chúng tôi cũng mong được hỗ trợ quảng bá sản phẩm và được vay tín dụng ưu đãi từ Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia để đẩy mạnh sản xuất đưa sản phẩm thâm nhập thị trường tốt hơn.

Xin cảm ơn Ths.Giảng viên chính Đỗ Đức Thắng đã tham gia buổi phỏng vấn của phóng viên VTC News.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn