• Zalo

Ứng dụng AI trong chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ

AIThứ Tư, 04/10/2023 15:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Điều quan trọng nhất khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là phải biết rõ nên ứng dụng công cụ gì, vào thời điểm nào, cũng như mức độ phù hợp của doanh nghiệp.

AI đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp

Từng đào tạo cho hơn 1.000 doanh nghiệp về ứng dụng AI trong kinh doanh, bà Jenny Nguyễn, Chủ tịch Học viện Kinh doanh AZ dễ dàng viện dẫn loạt ví dụ cụ thể để minh chứng cho lợi ích mà AI có thể đem lại cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự.

Ứng dụng AI sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Ứng dụng AI sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Trước đây, để sản xuất 1 video đăng trên mạng xã hội YouTube, TikTok có thể mất tiền triệu cho nhiều đầu việc, nhưng bây giờ tổng chi phí chỉ khoảng 200 nghìn đồng cho nhân sự biên tập lại, còn các khâu khác có thể sử dụng AI để thực hiện một cách dễ dàng trong vài phút, chẳng hạn, sử dụng Voice AI cho phần giọng nói, Chat GPT lên kịch bản, và một số công cụ khác để tạo hình ảnh.

Có doanh nghiệp từng tốn khá nhiều chi phí thuê nhân sự thiết kế, giờ với công cụ AI, chỉ cần đưa ảnh vào, dùng 1 câu lệnh, trong vài giây là xong.

Nhiều người chưa có chút kiến thức nào về việc tổ chức sự kiện, giờ chỉ cần ứng dụng Chat GPT, Bing Chat hay một số công cụ khác thì chỉ trong 30 phút cũng có thể lên khung chương trình tương đối ổn.

Với hoạt động marketing, nhiều doanh nghiệp đã phải chi ít nhất 5 – 7 triệu đồng thuê nhân sự viết content (nội dung), nếu nội dung chất lượng hơn thì chi phí khoảng 12 – 15 triệu đồng. Giờ ứng dụng AI, doanh nghiệp đỡ phải chi khoản này.

Khởi nghiệp muốn lên kế hoạch kinh doanh, không cần phải tìm chuyên gia dạy về Business Model Canvas (mô hình kinh doanh Canvas) mà có thể tự học hỏi qua những công cụ AI phân tích rất chi tiết.

Đào tạo nhân sự không phải chuyện dễ dàng với các doanh nghiệp. Khi biết sử dụng công cụ AI và hướng dẫn cho nhân sự tự học sẽ giảm chi phí để thuê chuyên gia đào tạo. Thậm chí, công cụ AI còn hướng dẫn nhân viên sale biết trả lời phản hồi của khách hàng chi tiết hơn so với văn phong bình thường nhân viên hay nói chuyện với khách hàng.

Trên thị trường hiện có khá đa dạng công cụ AI. Về hỗ trợ sáng tạo nội dung không chỉ có riêng Chat GPT mà còn có Google Bard và nhiều công cụ khác. Về thiết kế cũng không chỉ có Misumi. Để làm Voice AI có tới vài chục công cụ và mỗi công cụ lại có giá trị riêng.

Khi ứng dụng công cụ AI vào thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp là cần phải thay đổi tư duy, phải biết rõ mình nên ứng dụng công cụ gì, vào thời điểm nào, cũng như mức độ phù hợp của doanh nghiệp mình đối với từng ứng dụng AI cụ thể. Không nên triển khai ứng dụng AI theo kiểu trào lưu”, bà Jenny Nguyễn lưu ý.

Xu hướng của nền kinh tế

Theo ông Nguyễn Trung Trang, Giám đốc Công ty TNHH Time Group: “Xu hướng tiếp theo của nền kinh tế là ứng dụng các công nghệ mới như Blockchain và AI trong doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh. Trên thế giới, các công ty, tập đoàn hàng đầu đều đã ứng dụng. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này. Nếu chậm chân sẽ là thảm họa”.

Ông Nguyễn Trung Trang chia sẻ tại một hội thảo về ứng dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Trang chia sẻ tại một hội thảo về ứng dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Trang cũng chỉ rõ, việc áp dụng công nghệ AI vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn đầy rẫy khó khăn. Đơn cử, vẫn chưa có đầy đủ các nền tảng cần thiết. Doanh nghiệp muốn biến Chat GPT hoặc phần mềm hỗ trợ thành nhân viên bán hàng thì phải đưa được toàn bộ dữ liệu về sản phẩm của mình cho Chat GPT hiểu thì mới bán được hàng. Thế nhưng hiện vẫn chưa có nền tảng để doanh nghiệp đưa dữ liệu Chat GPT, nói cách khác là muốn ứng dụng cũng chưa được.

Làm rõ hơn nhận định AI đang là xu hướng trên thế giới, ông Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn số liệu báo cáo năm 2022 của McKinsey: 50% doanh nghiệp trả lời phỏng vấn cho biết đã bắt đầu ứng dụng AI, trong khi năm 2017 mới chỉ đạt 20%.

Trung bình mỗi doanh nghiệp sử dụng 4 tính năng AI. Hai chức năng ứng dụng AI phổ biến nhất trong doanh nghiệp là tối ưu hóa quy trình vận hành cũng như cung cấp dịch vụ và sử dụng AI để tạo ra sản phẩm mới. Năm 2018 có 40% doanh nghiệp chi hơn 5% ngân sách cho AI, đến năm 2022, tỷ lệ tăng lên khoảng 52% doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp chịu chi hơn khi ngày càng thấy rõ lợi ích của công nghệ. Ví dụ, chatbot, Chat GPT giúp doanh nghiệp giảm số lượng lớn nhân viên giao tiếp với khách hàng tại các call-center, đồng nghĩa cắt giảm chi phí vận hành”, ông Long nói.

Đồng quan điểm ứng dụng AI trong doanh nghiệp còn không ít khó khăn, ông Long phân tích: Quá trình thu thập dữ liệu để chuẩn bị triển khai ứng dụng AI sẽ ảnh hưởng tới công việc hàng ngày, thậm chí nhân viên phải làm thêm việc nhập liệu thủ công trước khi hệ thống thu thập dữ liệu tự động vận hành trơn tru.

Cùng với đó, phải đánh giá tính sẵn sàng, lựa chọn giải pháp, thay đổi nhận thức để người sử dụng chấp nhận hệ thống AI. Doanh nghiệp phải có quyết tâm rất lớn, sẵn sàng hy sinh một số thứ thì mới triển khai được. Nhiều doanh nghiệp Việt còn hạn chế về nguồn vốn, nhân lực, không vượt qua được bước này, nên vẫn áp dụng công nghệ cũ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô ít người sẽ có lợi thế trong triển khai ứng dụng AI, đó là có thể nhanh chóng thay đổi, tự động hóa quy trình, trong khi doanh nghiệp lớn sẽ khó ứng dụng AI hơn vì phải “nuôi” lực lượng khá lớn nhân sự đã quen với cách làm cũ. AI bây giờ đang được cung cấp như một dịch vụ. Các “ông lớn” công nghệ như Amazon, Google, Microsoft… đã có hệ sinh thái AI khá hoàn chỉnh.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thuê các dịch vụ này và nhanh chóng đưa ứng dụng AI vào thực tiễn, không phải đầu tư quá nhiều vào phần cứng, trang thiết bị. AI đã đến và sẽ ở lại chứ không biến mất. Các doanh nghiệp hãy tìm hiểu cách ứng dụng phù hợp với mình. Nên bắt đầu với dự án quy mô nhỏ, vì chính mình trước. Cần xây dựng văn hóa chấp nhận AI, và khi ứng dụng AI cần để ý tới các khía cạnh đạo đức, pháp luật”, ông Long đưa ra một số khuyến nghị cụ thể.

Với góc nhìn của một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về các công nghệ mới, ông Lê Minh Hưng nhận định, những công nghệ mới như AI và blockchain đang là cơ hội lớn cho Việt Nam, đem lại sự thay đổi đáng kể cho kinh tế - xã hội, giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí sản xuất, tăng tốc phát triển.

Công nghệ mới liên tục thay đổi. Người Việt rất giỏi thích nghi với những cái mới, có khả năng tiếp thu, đón nhận tốt. Hiện Việt Nam đang đứng ở trong Top 50 thế giới về ứng dụng AI. Chúng tôi đã góp ý, tư vấn cho các tổ chức của chính phủ về định hướng, chính sách liên quan tới công nghệ mới. Hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều sự thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông Hưng chia sẻ.

Nhấn mạnh rằng “các công nghệ mới đang đóng góp giá trị vào nền kinh tế, góp phần giải quyết các bài toán cụ thể trong đời sống xã hội, chứ không chỉ tồn tại trên giấy hay trong nghiên cứu”, bà Bùi Thị Thanh Hằng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học & công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ cho biết thêm: Nhằm thúc đẩy ứng dụng AI tại Việt Nam, từ năm 2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127 ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Trong đó xác định rõ định hướng “Gia tăng số lượng các doanh nghiệp triển khai, phát triển và ứng dụng AI nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các lĩnh vực đã sẵn sàng về dữ liệu, công nghệ và kinh phí đầu tư”.

Mai Hiền
Bình luận
vtcnews.vn