Công ty dịch vụ trung chuyển khí đốt Ukraine (OGTSU) thông báo, họ không thể tiếp tục vận chuyển khí đốt qua một điểm nối và trạm nén nằm ở khu vực Lugansk vì tình huống bất khả kháng.
Theo OGTSU, các nhân viên của họ không thể tiến hành các hoạt động kiểm soát kỹ thuật và vận hành đối với điểm nối Sokhranovka và trạm nén Novopskov. Do đó, công ty này không thể tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng.
Thông báo từ OGTSU cho biết, bắt đầu từ 7h sáng ngày 11/5 (giờ địa phương), khí đốt từ điểm nối này sẽ không được bơm vào hệ thống trung chuyển của Ukraine.
Điểm nối Sokhrankovka chiếm khoảng 1/3 lượng khí đốt Nga vận chuyển qua Ukraine tới châu Âu, với khoảng 32,6 triệu m3/ngày.
Người phát ngôn của công ty Gazprom Sergey Kupriyanov cho biết, Gazprom chưa nhận được thông báo về tình huống bất khả kháng hay gián đoạn hoạt động ở Sokhranovka cũng như Novopskov. Ông nói rằng, các chuyên gia Ukraine vẫn được tiếp cận đầy đủ cả 2 cơ sở này.
OGTSU đã đề xuất chuyển hướng khí đốt sang Sudzha - một điểm nối ở khu vực Sumy và hiện do chính phủ Ukraine kiểm soát. Tuy nhiên, ông Sergey Kupriyanov nói rằng đây là điều không thể thực hiện về mặt kỹ thuật.
“Việc phân phối các khối lượng được nêu rõ ràng trong thỏa thuận hợp tác ngày 30/12/2019 và phía Ukraine cũng nhận thức được điều này", người phát ngôn của công ty Gazprom nhấn mạnh.
Ông Sergey Kupriyanov Gazprom sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng với các khách hàng châu Âu, phù hợp với các điều khoản của hợp đồng đã ký kết và đã được thanh toán đầy đủ.
Nga vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tới châu Âu, trong đó có cả trung chuyển qua Ukraine bất chấp chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vẫn đang diễn ra cũng như các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh châu Âu áp đặt đối với Nga.
Châu Âu chưa sẵn sàng áp đặt cấm vận đối với dầu, khí đốt của Nga do sự chia rẽ về quan điểm của các quốc gia trong khối.
Trước đó, EU chuẩn bị đưa ra gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen gợi ý rằng, các nước EU bắt đầu loại bỏ dầu của Nga. Theo đề xuất của EC, các nước EU từ bỏ nhập khẩu dầu thô của Nga trong sáu tháng và nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ vào năm 2023.
Cho đến nay, đã có 10 nước châu Âu đồng ý thanh toán cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp, theo yêu cầu của Tổng thống Putin đối với các nước không thân thiện, kể từ ngày 1/4 vừa qua.
Bình luận