• Zalo

UDIC: Lợi nhuận lao dốc, ‘dính’ nhiều sai phạm

Tài chínhThứ Sáu, 03/07/2020 10:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Lợi nhuận UDIC năm 2019 chỉ đạt 544 tỷ đồng, giảm 30,7% so với cùng kỳ 2018, “ông lớn” này cũng từng bị Thanh tra Chính phủ kết luận loạt sai phạm.

Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) là một trong những doanh nghiệp nhà nước có trong tay quỹ đất vàng rất lớn để phát triển dự án. Vì vậy, UDIC hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Thế nhưng, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UDIC đã có hàng loạt sai phạm, trong đó có sai phạm về đất, gây thất thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, UDIC còn bị tố góp phần gây ô nhiễm môi trường khi sử dụng đất không đúng mục đích.

Lợi nhuận lao dốc

Trong báo cáo "Công bố thông tin doanh nghiệp theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP", Phó TGĐ Huy Tuyên khẳng định năm 2019 là năm "bứt phá". Ông Nguyễn Huy Tuyên, Phó Tổng giám đốc UDIC khẳng định UDIC "quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu".

UDIC: Lợi nhuận lao dốc, ‘dính’ nhiều sai phạm - 1

Dự án Udic riverside 122 Vĩnh Tuy của UDIC.

Thực tế cho thấy, UDIC đang chứng kiến lợi nhuận lao dốc. Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng 2019, lợi nhuận sau thuế năm 2019, năm "bứt phá" của UDIC chỉ đạt 544 tỷ đồng, giảm 241 tỷ đồng, tương đương 30,7% so với năm 2018.

Lợi nhuận của UDIC giảm thảm bất chấp doanh thu vẫn tăng trưởng dương. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 của UDIC đạt 2.529 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 2.350 tỷ đồng của năm 2018.

Nguyên nhân của việc lợi nhuận giảm dù doanh thu tăng chính là hoạt động tài chính sa sút. Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 742 tỷ đồng xuống chỉ còn 432 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tại thời điểm lập báo cáo, UDIC có khoản nợ xấu là hơn 356 tỷ đồng trong khi giá trị có thể thu hồi chỉ hơn 79,5 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp đang gánh khoản nợ phải trả hơn 3.428 tỷ đồng, khiến phải trả hơn 11 tỷ đồng lãi vay trong 2019.

Loạt sai phạm liên quan đất và môi trường

Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra rất nhiều sai phạm, trong đó đáng chú ý nhất là sai phạm liên quan đến đất và môi trường.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ có kết luận về dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội) liên doanh giữa UDIC và Công ty Development Planning Investments Pte,Ltd Singapore làm chủ đầu tư (lấy pháp nhân là Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long) đã tồn tại không ít sai phạm trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, ở giai đoạn 1, quỹ đất 20% phải trích nộp cho TP.Hà Nội, với diện tích 21.729m² (gồm 12.487m² tại lô đất CT13 và 9.242m² tại lô đất CT14A). Thế nhưng, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc liên ngành khi xác định tiền sử dụng đất của dự án đã khấu trừ khoản tiền chi phí dự phòng vào giá đất đối với 130 căn hộ thuộc quỹ đất 20% tại ô CT13 là không đúng quy định tại Thông tư số 145/2007/TT/BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Một sai phạm nữa được chỉ ra chính là việc giao các lô đất CT13 (12.487m²), CT14A (9.242m²), CT02B (39.902m²) là chưa có cơ chế rõ ràng; quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp giao dự án với khách hàng là cán bộ công chức Nhà nước chưa được thể chế hóa cụ thể, dẫn đến cơ chế bán, mục đích sử dụng còn nhiều bất cập.

Vẫn theo Thanh tra Chính, tại quyết định số 119/2002/QĐ-UB ngày 27/08/2002 của UBND TP.Hà Nội về phê duyệt QHCT 1/2000 KĐT Nam Thăng Long, diện tích đất ở là 1.039.571m², diện tích quỹ đất 20% phải trích nộp là 207.914m² (1.039.571m² x 20%). Như vậy, diện tích quỹ đất 20% phải trích nộp còn thiếu là 28.389m² (207.914m² – 179.525m²).

UDIC Riverside 1 - Dự án chung cư đình đám của UDIC - cũng khiến ngân sách nhà nước thất thu. Theo đó, năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố Văn bản số 1468/KL-TTCP khẳng định Dự án UDIC Riverside 1 do UDIC làm chủ đầu tư có những sai phạm trong việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp.

Chưa dừng lại ở đó, UDIC còn tự ý cho thuê đất tràn lan, sai phạm trong mục đích sử dụng đất tại nhiều dự án.

Ngày 21/4/2005, UDIC được Sở Tài nguyên & Môi trường và Nhà đất TP.Hà Nội ký hợp đồng cho thuê khoảnh đất rộng 5.400 m2 tại lô B2 đường Trần Kim Xuyến (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) với thời hạn 30 năm. Mục đích sử dụng của khu đất này là làm trụ sở văn phòng các thành viên của Tổng công ty.

Thế nhưng, khu đất này đã trở thành nhà xưởng để thiết bị vật liệu và một phần làm trạm trộn bê tông cung cấp cho các công trình xây dựng trong nội thành Hà Nội. Người dân tố cáo trạm trộn bê tông gây ô nhiễm. Cơ quan chức năng TP.Hà Nội đã yêu cầu UDIC phải di chuyển trạm trộn đi nơi khác.

Ngoài ra, loạt sai phạm khác của UDIC cũng bị Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

Trong khi vẫn chưa cá nhân nào tại UDIC phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm kể trên thì trong văn bản "Công bố thông tin doanh nghiệp theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP" do Phó Tổng giám đốc Nguyễn Huy Tuyên ký ngày 29/4/2020 theo ủy quyền của Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Luyến, ông Tuyên đã nói những điều ngược lại với kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Trong văn bản này, ông Tuyên nhấn mạnh vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong đó, trách nhiệm về môi trường được đặt ở vị trí số 1. UDIC khẳng định: "Tổng công ty UDIC luôn thực hiện đúng và đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận, cũng như những quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, hàng năm, Tổng công ty UDIC còn thực hiện đo kiểm định kỳ các chỉ tiêu về môi trường xung quanh cũng như môi trường làm việc, nhằm kịp thời đưa ra các biện pháp giảm thiểu, ngăn ngừa các tác động xấu". Nhưng có vẻ như UDIC đã quên những bức xúc của một số người dân Hà Nội về trạm trộn bê tông gây ô nhiễm của mình.

Như đã nói ở trên, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những sai phạm liên quan đến đất gây thất thu ngân sách Nhà nước. Hai dự án có sai phạm lớn này là dự án Khu đô thị Nam Thăng Long và UDIC Riverside 1.

Tuy nhiên, trong báo cáo "Công bố thông tin doanh nghiệp theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP", ông Huy Tuyên vẫn nhấn mạnh dự án UDIC Riverside 1 góp phần "tăng ngân sách cho thành phố thông qua các nguồn thuế thu từ dự án".

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn