Cụ thể, doanh thu của Vinasun giảm 35% chỉ còn 530 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn 432 tỷ đồng thì lợi nhuận gộp của công ty còn gần 98 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ.
Các hoạt động tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không nhiều thay đổi. Tuy nhiên, lợi nhuận khác giảm gấp đôi khiến lợi nhuận trước thuế của VNS chỉ vỏn vẹn 16 tỷ đồng, giảm đến 73% so với quý II/2017.
Kết quả 6 tháng đầu năm theo đó cũng sụt giảm. Doanh thu thuần giảm hơn 46%, còn 1.019 tỷ đồng; cộng thêm thu nhập khác giảm mạnh khiến lợi nhuận trước thuế chỉ 30,5 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ. EPS thấp với 336 đồng.
Cơ cấu doanh thu 6 tháng của VNS có sự chuyển dịch mạnh từ vận tải hành khách bằng taxi sang doanh thu từ nhượng quyền và hợp tác thương mại.
Thu nhập từ thanh lý tài sản cố định giảm mạnh từ 56 tỷ xuống còn 30 tỷ trong 6 tháng 2018 là yếu tố chính làm giảm khoản thu nhập khác của doanh nghiệp.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Vinasun giảm nhẹ còn 2.754 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở tài sản cố định với 2.372 tỷ. Nợ phải trả là 1.090 tỷ và vốn chủ sở hữu ở 1.664 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cơ cấu cổ đông của Vinasun có sự biến động mạnh. Các quỹ như Andbanc Investments Sif-Vietnam Value And Income Porfolio và quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore đều thông báo thoái vốn. Ngược lại, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) lại rót vốn vào để nắm giữ 10,61% vốn điều lệ.
Trước đó, Vinasun cho rằng, Uber rời khỏi thị trường, Grab thì đang phát triển chậm lại nên đây là cơ hội cho hãng phát triển trở lại. Thế nhưng, kết quả kinh doanh trên cho thấy, doanh nghiệp vẫn chưa thể khởi sắc như trước đây.
Bình luận