Thất bại rất sốc của U.22 VN đến từ nhiều lý do nhưng sâu xa nhất, nó xuất phát từ một vấn đề rất cũ vốn là nghịch lý chỉ có ở Việt Nam: bị động, đối phó và không có chiến lược, kế hoạch được hoạch định rõ ràng như nguyên tắc của bóng đá trẻ.
Từ ấp ủ của HLV Falko Goetz
2 năm trước, quá ấn tượng với những gì các cầu thủ trẻ Việt Nam thể hiện ở VL U.16 châu Á khi giành vé dự VCK ở bảng đấu với Hàn Quốc (3-3), CHDCND Triều Tiên (1-2), Thái Lan (1-0), LĐBĐ Qatar đã quyết định mời các thành viên U.16 VN sang tập huấn để giao lưu, học hỏi với các lứa trẻ của họ. Chuyến đi do phía Qatar đài thọ toàn bộ đó với thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc còn hơn một món quà. Nó giống như một giấc mơ khi lần đầu thầy với trò được tiếp xúc trực tiếp với những điều kiện sinh hoạt, luyện tập, phong cách huấn luyện và đào tạo thuộc loại hàng đầu thế giới.
Thất bại rất sốc của U.22 VN đến từ nhiều lý do. |
Nung nấu và đau đáu với những mơ ước, HLV Hoàng Văn Phúc đề xuất ý tưởng xây dựng kế hoạch dài hơi cho dàn cầu thủ trẻ đầy hứa hẹn trong tay và sẽ theo trong vài năm như mô hình của tất cả các nước vẫn làm. Với những Sơn Hải, Thái Sung, Tấn Tài, Xuân Nam… và lứa cầu thủ từng đánh bại khách mời U.16 Trung Quốc 2 lần khi đăng quang giải U.16 ĐNÁ rồi giành vé dự VCK ở bảng đấu có chủ nhà Thái Lan, Myanmar, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, ông tin rằng đó sẽ là tương lai.
U.16 VN thất bại ở VL U.16 châu Á 2012 bởi quá trình chuẩn bị thiếu chu đáo và ít người biết, người tiếc nuối nhất chính là HLV Falko Goetz. Ông thầy người Đức những ngày đầu nhậm chức HLV trưởng ĐTVN cứ rảnh là ra sân trực tiếp xem 2 ĐT trẻ tập, trao đổi và góp ý. Nghe kể, nhận ra những thực tế bất cập đến khó tin, ông Goetz từng hứa sẽ góp tay thay đổi, tìm cách quy chuẩn, hệ thống hóa lại các ĐTQG từ các lứa trẻ như mong ước.
Nghịch lý, đáng tiếc & đáng trách
Có một giả thiết đặt ra như thế này: Nếu dẫn dắt U.22 VN ở VL U.22 châu Á là HLV Triệu Quang Hà thì liệu chúng ta có thành công, hay ít nhất là có khác chứ không thất bại đau đớn như thế?
HLV Lư Đình Tuấn chưa bắt được nhịp ở cấp độ ĐTQG |
Câu trả lời là có, hoặc ít nhất có nhiều cơ sở để tin tưởng. Vì 3 năm liên tục HLV Triệu Quang Hà dẫn dắt từ U.19 lên U.20, U.21 rồi bây giờ là những cầu thủ đóng vai chính ở U.22 VN, lứa của những Văn Quyết, Bửu Ngọc, Hoàng Thịnh, Quốc Phương, Hải Huy, Tiến Duy, Thanh Hiền… đã từng gặt hái được rất nhiều thành công. Không chỉ là những tấm huy chương hay chức vô địch ĐNÁ, giải U.21 quốc tế và tấm vé dự VCK châu lục, đó còn là sự cứng cáp, trưởng thành trông thấy của rất nhiều những gương mặt trẻ đầy triển vọng phát triển mà giờ đa phần đóng vai chính ở CLB đá V.League lẫn hạng Nhất.
Hoặc có thể lấy một ví dụ khác, từ tấm vé dự VCK U.19 châu Á 2012 mà U.19 VN giành được tháng 11 năm trước. Khi HLV Triệu Quang Hà chia tay để về làm Thanh Hóa, VFF không có lựa chọn liền “ấn” U.19 VN vào tay ông Phúc khi vừa hoàn thành nhiệm vụ với U.16 VN. Với ê-kíp cũ cùng bộ khung với các học trò cũ từng cùng U.16 VN thành công vang dội ngày nào, U.19 VN chơi khác và giành vé dự VCK cùng CHDCND Triều Tiên sau khi cầm hòa đối thủ đang là ĐKVĐ này 2-2.
Hoàng Văn Phúc hay Triệu Quang Hà, họ đạt được những thành công của họ với các ĐT trẻ bởi nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là tính liên tục, sự tiếp nối và ổn định của một bộ khung được duy trì trên cái nền do chính họ xây dựng. Cái đó, HLV Lư Đình Tuấn không có với U.22 VN. Một HLV mới, một BHL mới với rất nhiều cái mới lẫn cái khác, từ chuyện kịp nhớ tên, đặc điểm riêng của từng cầu thủ đến chuyện phá đi, xây mới đội bóng theo một phong cách, quan điểm khác. Thế nên U.22 VN có thất bại theo cách ngỡ ngàng cũng là điều không khó lý giải.
Suy cho cùng, đó cũng chỉ là một thất bại chứ chẳng phải thảm họa. Vấn đề là những người có trách nhiệm, họ có rút ra điều gì từ thành công lẫn thất bại để thay đổi hay không?
Hay là kệ, cứ tìm một ông thầy ấn vào tay rồi khi thất bại sẽ có người giơ đầu chịu báng!
Tự Dương (Thể thao 24h)
Bình luận