Hy vọng Quang Hải ra sân trong phần còn lại của SEA Games gần như bằng 0. Theo chẩn đoán của đội ngũ y tế U22 Việt Nam cộng với kết quả chụp chiếu MRI, cầu thủ sinh năm 1997 mất tối thiểu 2 đến 3 tuần để hồi phục.
Do môn bóng đá nam SEA Games chỉ còn 7 ngày nữa là khép lại, Quang Hải sẽ vắng mặt ở trận gặp U22 Thái Lan, đồng thời ngồi ngoài ở bán kết và chung kết nếu đội nhà được chơi hai trận này. Thiếu vắng đội trưởng và là cầu thủ hay nhất Đông Nam Á hai năm vừa qua, U22 Việt Nam gặp tổn thất lớn ra sao?
Thiếu bộ óc sáng tạo
Sức sáng tạo là một trong những vấn đề lớn của U22 Việt Nam. Hiệp 1 trận gặp U22 Singapore, đội bóng của Park Hang Seo không có cú sút nào về khung thành đối thủ. Trong cả trận đấu, U22 Việt Nam cầm bóng nhiều, ép sân, nhưng có rất ít cơ hội nguy hiểm.
Bàn thắng duy nhất của U22 Việt Nam đến từ pha bóng cố định với công thức cũ: treo bóng cho Văn Hậu đánh đầu chuyền vào để cầu thủ phía trong băng cắt. Còn lại, đội bóng của Park Hang Seo không tạo được nguy hiểm nào từ các pha tấn công mở.
Trong số 15 bàn ghi được ở SEA Games năm nay, có tới 12 bàn ghi vào lưới U22 Brunei và U22 Lào - những đối thủ quá yếu. Trước những đối thủ phòng ngự kỷ luật và áp sát nhanh như U22 Indonesia hay U22 Singapore, U22 Việt Nam thiếu phương án tiếp cận, chủ yếu sử dụng những quả tạt từ hai biên, đa số không hiệu quả.
Nhìn đội ngũ hiện tại của ông Park để thấy: U22 Việt Nam muốn sáng tạo cũng... khó. Thanh Thịnh, Tấn Tài mờ nhạt từ đầu giải. Ở giữa sân, Việt Hưng thiên về thu hồi bóng, Thanh Sơn dừng ở mức tròn vai, còn Hoàng Đức thiếu ổn định. Quang Hải là cầu thủ đẳng cấp cao nhất, giỏi tạo đột biến và gắn kết lối chơi tốt nhất. Không có cầu thủ này trên sân, U22 Việt Nam coi như mất "bộ não" kiến thiết lối chơi.
U22 Việt Nam bế tắc thế nào khi vắng Quang Hải, trận gặp U22 Singapore chính là câu trả lời. Từ sau khi Quang Hải rời sân, mọi đường lên bóng của đội bóng áo trắng đều rối rắm, đơn điệu và thiếu điểm nhấn. Hùng Dũng - cầu thủ làm nhiệm vụ kéo bóng ở tuyến giữa được đẩy ra cánh hỗ trợ lật bóng vào trong. Ở trung tuyến, các tiền vệ U22 Việt Nam bất lực trong nhiệm vụ khoả lấp "cái bóng" của Quang Hải.
Không còn cầu thủ giỏi nhất, HLV người Hàn Quốc sẽ phải lên phương án thay thế. Tất nhiên, thay một cầu thủ như Quang Hải là điều khó ở ĐTQG, chứ chưa nói đến đội U22. Chắc chắn sức tấn công của đội bị ảnh hưởng, chỉ là ở mức độ nào.
Ai đóng vai thủ lĩnh tinh thần?
Lứa U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích ở Thường Châu cách đây hai năm được dẫn dắt bởi đội trưởng Lương Xuân Trường. Không chỉ nổi bật về chuyên môn, Xuân Trường còn là "cánh tay nối dài" của BHL, gắn kết cầu thủ và khơi dậy được tinh thần thi đấu của cả đội. Sự chuyên nghiệp, mẫu mực và uy tín của Xuân Trường đóng vai trò quan trọng để hình thành tập thể đoàn kết vào đến chung kết U23 châu Á.
Ở tuyển Việt Nam, Quế Ngọc Hải cũng là đội trưởng xuất sắc với khả năng lãnh đạo và cái uy trong phòng thay đồ. Ở AFF Cup 2018, tuyển Việt Nam có đội trưởng Văn Quyết - cầu thủ dù gây tranh cãi, song vẫn có cái uy với nhiều cầu thủ và giàu kinh nghiệm chinh chiến.
Đó là những phẩm chất không thể thấy ở bất cứ cầu thủ nào nơi U22 Việt Nam hiện tại. Ngoại trừ Hùng Dũng, Trọng Hoàng và Văn Hậu, phần còn lại của U22 Việt Nam đều sàn sàn về chuyên môn, không có ai nổi trội. Rất có thể Hùng Dũng hoặc Trọng Hoàng sẽ được trao băng đội trưởng, nhưng chưa chắc đã đóng vai trò thủ lĩnh tinh thần.
Ở Hà Nội FC, Hùng Dũng hiếm khi đeo băng thủ quân, còn Trọng Hoàng là mẫu cầu thủ âm thầm chiến đấu hơn là hò hét, kết nối đồng đội.
Không có thủ lĩnh thực sự trên sân, U22 Việt Nam rất dễ mất phương hướng khi rơi vào nghịch cảnh. Trước đối thủ giàu kinh nghiệm và có chuyên môn tốt như U22 Thái Lan, toàn đội càng cần sự tỉnh táo, lạnh lùng và lỳ lợm. Thiếu Quang Hải, U22 Việt Nam sẽ đánh mất ít nhiều cá tính ở tuyến giữa, chứ không chỉ nằm ở vấn đề chuyên môn.
Khó khăn chồng chất. Song, đã muốn có huy chương vàng, thách thức nào U22 Việt Nam cũng phải vượt qua!
Bình luận