1. Bóng đá Việt Nam không thiếu những câu chuyện lạ lùng. Ít ngày sau thất bại toàn diện của U22 Việt Nam tại SEA Games 29, buổi lễ ra mắt và công bố danh sách đội tuyển quốc gia dự lượt trận thứ ba vòng loại Asian Cup của huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung bị biến thành buổi chất vấn về mặt chuyên môn chưa từng có tiền lệ.
Ngay sau lời xin lỗi "chớp nhoáng" của ông Nguyễn Xuân Gụ - phó chủ tịch VFF, lần đầu tiên, các quan chức VFF đứng dậy đặt câu hỏi cho HLV trưởng ĐTVN ngay trong phòng họp báo về quyết định triệu tập cầu thủ lên tuyển Việt Nam.
“Trong danh sách có Mạc Hồng Quân, ở CLB chuyên đá dự bị, phong độ rất kém cỏi, khả năng dứt điểm không tốt. Thứ hai là thủ môn Phí Minh Long, vốn dự bị ở CLB Hà Nội tại V-League và phong độ trong thời gian vừa qua không tốt. Tại sao chúng ta lại triệu tập 2 cầu thủ có phong độ không tốt vào Đội tuyển Quốc gia?” - Ủy viên BCH VFF Phạm Ngọc Viễn chất vấn.
Ủy viên BCH VFF Lê Văn Thành cũng thẳng thừng: “Cần nghiên cứu trường hợp Minh Long. Tại sao gọi Long khi vừa mắc sai lầm ở SEA Games 29? Chúng ta gọi một thủ môn đang có phong độ, tâm lý không ổn định lên lúc này liệu có hợp lý?”.
Thất bại của U22 Việt Nam khiến ngọn lửa bức xúc trong lòng khán giả bùng lên. Giữa cơn khủng hoảng, tưởng như VFF sẽ có những động thái trấn an người hâm mộ. Nhưng không, sự "lộn xộn" trong nội bộ (theo nhận xét của BLV Quang Huy) phần nào được thể hiện qua cách chất vấn và công khai nghi ngờ lựa chọn của nhau.
Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cũng đồng quan điểm khi cho rằng, chất vấn nội bộ nói trên không nên được thể hiện công khai trong phòng họp báo để người hâm mộ cả nước biết được. Góp ý thì nên thực hiện phía sau "cánh gà", còn đã đặt ai đó và ghế HLV trưởng thì phải đi kèm với niềm tin và sự ủng hộ tuyệt đối.
Alfred Riedl, Henrique Calisto, Toshiya Miura hay Hữu Thắng mạnh yếu từng lúc khác nhau, song chưa ai bị chất vấn nội bộ nhiều như ông Mai Đức Chung. Dẫu ông Chung chỉ ngồi tạm quyền 1 trận đúng như khẳng định từ trước.
Video: HLV Hữu Thắng trần tình sau khi từ chức
2. Động thái của VFF trong phòng họp báo khiến nhiều người tiếc nuối: Giá như trong việc hoạch định chiến lược cho bóng đá Việt Nam, các ủy viên cũng quyết liệt và có quan điểm rõ ràng như vậy.
Rõ ràng, VFF không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong thất bại của U22 Việt Nam. Trong bóng đá, thắng thua là chuyện bình thường. U20 Việt Nam có vé dự U20 World Cup và mang về điểm số lịch sử, U16 Việt Nam vô địch giải U16 Đông Nam Á, U22 Việt Nam dự vòng chung kết U23 châu Á trong năm thứ hai liên tiếp, bóng đá nữ vô địch SEA Games... là những tín hiệu lạc quan.
Chính HLV Hữu Thắng cũng thừa nhận: U22 Việt Nam đang có một trong những thế hệ chất lượng và triển vọng nhất trong nhiều năm qua, và thất bại của toàn đội đến từ sai lầm cá nhân nhiều hơn. Đúng như khẳng định của ông Nguyễn Xuân Gụ: Nếu Minh Long không mắc lỗi trong khung gỗ, nếu Công Phượng không sút hỏng quả phạt đền,... mọi chuyện đã khác.
Tư duy đội tuyển chiến thắng là công của cầu thủ, HLV, còn đội tuyển thất bại là do... VFF ở thời điểm này rất phiến diện.
Tư duy đội tuyển chiến thắng là công của cầu thủ, HLV, còn đội tuyển thất bại là do... VFF ở thời điểm này rất phiến diện. Bởi như đã nói, thất bại của U22 Việt Nam không cho thấy công cuộc trẻ hóa cùng những bước đi của bóng đá trẻ là sai hướng.
Chưa bao giờ, tuyển Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện ồ ạt của rất nhiều cầu thủ ở độ đôi mươi. Chưa bao giờ, các đội trẻ của bóng đá nước nhà giành được nhiều thành công và được đối thủ tôn trọng như vậy trên trường quốc tế.
Đó là chưa kể, tuyển nữ Việt Nam cũng nhận được sự đầu tư lớn khi các nữ tuyển thủ được trợ cấp như bóng đá nam và được đi tập huấn tại nước ngoài. Trong khu vực Đông Nam Á, không nhiều đội nữ có được sự quan tâm lớn như vậy. Chưa kể thành công liên tiếp thời gian qua của futsal nam (tứ kết World Cup, HCĐ SEA Games) và futsal nữ (huy chương bạc SEA Games).
Một kỳ SEA Games thất bại không thể xóa nhòa chiến công của U20, U16 (hay chính U22), càng không thể khiến chiến lược phát triển bóng đá "đổ sông đổ biển". Đường hướng của VFF đã mang lại hiệu quả nhất định.
3. Vấn đề nằm ở chỗ: Còn những bất cập, hạn chế khiến tấm huy chương vàng SEA Games vẫn ngoảnh mặt với chúng ta. Trong lúc người hâm mộ đang hoang mang và mất niềm tin, VFF cần có những động thái bảo vệ uy tín và trấn an tất cả, thay vì quay sang "đấu tố" lẫn nhau để tạo nên những câu chuyện lạ lùng khác giữa... hàng loạt câu chuyện ít ai hiểu được trong nội bộ bóng đá nước nhà.
Và thay vì lên tiếng tự bảo vệ mình trước những luận điệu áp đặt, nhiều Ủy viên VFF lại "vạch áo cho người xem lưng" khi công khai phơi bày lộn xộn nội bộ. Càng lộn xộn, càng dễ tạo cảm giác bực mình và bất an cho người hâm mộ bởi "thượng bất chính, hạ tắc loạn".
Theo thông tin từ Ban Tổng thư ký VFF, dự kiến vào ngày 12/9 tới, lãnh đạo VFF, Hội đồng HLV quốc gia và các bộ phận chuyên môn sẽ có buổi làm việc với HLV Nguyễn Hữu Thắng nhằm tổng kết, đánh giá quá trình chuẩn bị và kết quả thi đấu của ĐT U22 QG tại SEA Games 29.
Đồng thời tại cuộc họp, lãnh đạo VFF và Hội đồng HLV quốc gia cũng sẽ hoạch định kế hoạch hoạt động của đội tuyển trong giai đoạn tới, trong đó có vị trí HLV trưởng và đảm bảo công tác chuyên môn cho đội tuyển thi đấu các trận còn lại tại vòng loại Asian Cup 2019, VCK U23 châu Á 2018 tại Trung Quốc cũng như các giải quốc tế trong năm 2018.
Khi thất bại dần lắng xuống, VFF cần họp bàn để nhìn lại hướng đi và hành trình phát triển cho bóng đá Việt Nam sau nhiều năm đầy biến động. Nhưng quan trọng hơn cả, người hâm mộ cần những hành động quyết liệt, cụ thể hơn nữa từ những người làm bóng đá. Thành công đến đâu, phải tiếp nối. Thất bại chỗ nào, phải sửa chữa.
Năng lượng của các Ủy viên BCH VFF nên được "đầu tư" vào đó thì hơn.
Bình luận