Đức từng vô địch Confederation Cup 2017 nhờ đội hình B với những Leroy Sane, Leon Goretzka hay Timo Werner mới nổi khi đó đóng vai trò trụ cột. ASIAD 2018, đội hình U21 của Olympic Nhật Bản cũng lọt vào tới chung kết, chỉ thua với cách biệt tối thiểu trước Olympic Hàn Quốc hùng mạnh của Son Heung Min. Bóng đá thế giới từng chứng kiến nhiều đội gặt hái thành công với đội hình B, không đặt tham vọng cao nhất.
Nhưng bóng đá Việt Nam không phải bóng đá Đức hay bóng đá Nhật Bản. Dự giải U22 Đông Nam Á với đội hình B, thất bại hôm nay của U22 Việt Nam là điều được dự báo từ trước, thậm chí là tất yếu. Nếu U22 Việt Nam vô địch khu vực, đấy mới là điều bất ngờ.
U22 Việt Nam thủng lưới bàn duy nhất trước U22 Indonesia
Thất bại được báo trước
Thành công của U23 Việt Nam, Olympic Việt Nam và tuyển Việt Nam trong năm 2019, hay trước đó là kỳ tích của U19 Việt Nam ở giải châu lục cho thấy tính đúng đắn cho công tác đào tạo trẻ. Bóng đá Việt Nam đang ở đỉnh cao Đông Nam Á - đó là điều không phải bàn cãi được nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế nhận định. Ở bất cứ giải đấu nào trong khu vực ASEAN, đội trẻ Việt Nam cũng được liệt vào hàng ngũ ứng viên vô địch.
Tuy nhiên, giải U22 Đông Nam Á 2019 là ngoại lệ. VFF không đặt chỉ tiêu cho thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn trước ngày lên đường, bởi hơn ai hết, những người làm bóng đá thừa hiểu đội bóng tập trung theo kiểu chắp vá trong gần nửa tháng, có với nhau vài trận giao hữu với hàm lượng chuyên môn không cao (trừ trận gặp Ulsan Hyundai), lại thiếu thốn ở khắp các tuyến và gặp nhiều ca chấn thương, đội bóng ấy rất khó làm nên chuyện lớn.
Khó khăn được chính HLV Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh trước trận gặp Ulsan Hyundai khi nhiều CLB thậm chí không gửi báo cáo tình hình chấn thương cầu thủ, dẫn đến ban huấn luyện luôn rơi vào trạng thái bị động. U22 Việt Nam cũng có quá ít thời gian ráp đội hình, tìm được sự ăn khớp, mạch lạc trong lối chơi, do đó đòi hỏi đội tuyển hiện tại phải thể hiện ngay sức mạnh là điều... viển vông.
Lứa U22 Việt Nam hiện tại khó tránh khỏi nguy cơ bị so sánh. U19 Việt Nam của những Quang Hải, Tiến Dũng, Đức Chinh từng thua bẽ mặt 0-6 trước U19 Thái Lan, bị truyền thông hay dự luận gán cho chữ "nhục". Ở giải U19 Đông Nam Á 2016 tổ chức ở Hàng Đẫy, U19 Việt Nam phải chơi giữa những khán đài trống vắng. Khán giả chưa thể chấp nhận có một lứa cầu thủ mới thay thế Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn,... dẫu đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn cũng rất tiềm năng.
Một tháng sau, U19 Việt Nam vào bán kết U19 châu Á lần đầu tiên. Khi ấy, mọi so sánh, hoài nghi mới biến mất. Việc so sánh lứa cầu thủ này với lứa cầu thủ khác là không nên trong bóng đá. Nếu sản sinh ra những Công Phượng, Quang Hải, Đình Trọng là dễ như thế, bóng đá Việt Nam đã... đi World Cup từ lâu.
Phải chấp nhận sự thật là trong mỗi năm, mỗi nền bóng đá chỉ sản sinh ra một hoặc cùng lắm hai, ba cầu thủ thực sự trở thành ngôi sao. Thế hệ 1995 tự hào có Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đức Huy, Tiến Dũng. Thế hệ 1996 có Văn Toàn, Văn Thanh, Duy Mạnh, Văn Đức. Thế hệ 1997 sở hữu Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Dũng. Gần đây nhất, lứa 1999 đã có Văn Hậu là đầu tàu. Như thế là quá nhiều cho một giai đoạn đào tạo bóng đá trong 5 năm. Lứa cầu thủ tài năng này rải đều ba tuyến và đủ sức đóng vai trò trụ cột đội tuyển trong 5 - 10 năm tới. Như thế là quá lại quả với những lò trẻ.
Và đội hình U22 trong tay HLV Nguyễn Quốc Tuấn hôm nay thiếu vắng cả Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Dũng, Văn Hậu, Đức Chinh, Thành Chung do phải giảm tải sau quãng thời gian những cầu thủ này chinh chiến ở ĐTQG. U22 Việt Nam ở vòng loại U23 châu Á và SEA Games sẽ mang bộ mặt khác khi đội hình hiện tại nhận được "tiếp viện" của các đàn anh.
Do đó, thất bại ở giải U22 Đông Nam Á - giải giao hữu mở ra để các đội thử sức cho SEA Games, không nên bị tiêu cực hoá.
Đừng bao giờ đổ lỗi
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa cầu thủ thua là... thôi. Mỗi thất bại đều có giá trị riêng với các cầu thủ hay ban huấn luyện. BLV Quang Huy từng nhận định: nếu không có thất bại cay đắng ở SEA Games 29, U23 Việt Nam chưa chắc thức tỉnh ở vòng chung kết U23 châu Á. HLV Park Hang Seo mang đến nguồn sinh khí mới, song bản thân nội lực cầu thủ phải có sự bứt phá khi đã nếm trải đủ thất bại.
Điều quan trọng là, lứa U22 Việt Nam hôm nay phải học hỏi từ thất bại hiệu quả như các đàn anh. Bởi trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều thế hệ thất bại rồi lụi tàn vì không chịu nổi sức ép dư luận.
Điều đáng trách nằm ở tinh thần thi đấu. HLV Nguyễn Quốc Tuấn đề cập nhiều đến ngoại cảnh như mặt sân, trọng tài, lối đá thô bạo của đối thủ, song đấy là điều U22 Việt Nam không thể thay đổi.
Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn này đang nhận được sự quan tâm chưa từng có của dư luận trong nước và quốc tế. Mọi đường đi nước bước của cầu thủ đều được dõi theo, ủng hộ sát sao. Mặt trái của sự quan tâm hiển nhiên là áp lực. Mỗi trận thua đều bị săm soi, phân tích, chỉ trích nhiều hơn, và sự phẫn nộ của một bộ phận cổ động viên sau thất bại của U22 Việt Nam là có thể hiểu.
Trách nhiệm giữ gìn hình ảnh cho bóng đá Việt Nam không phải của riêng thế hệ Quang Hải, Công Phượng, mà mọi đội bóng trẻ đi dự giải Đông Nam Á, châu Á đều cần thể hiện tinh thần thi đấu đúng mực. Nhìn tuyển Việt Nam đá kiên cường trước Jordan, Nhật Bản hôm qua và chứng kiến U22 Việt Nam bế tắc, nhạt nhoà, thậm chí bạc nhược trước U22 Indonesia hôm nay, không muốn so sánh cũng... khó.
Điều đáng trách nằm ở tinh thần thi đấu. HLV Nguyễn Quốc Tuấn đề cập nhiều đến ngoại cảnh như mặt sân, trọng tài, lối đá thô bạo của đối thủ, song đấy là điều U22 Việt Nam không thể thay đổi. Thế hệ đàn anh của những Minh Bình, Danh Trung, Văn Xuân, Tiến Dụng,... từng trải qua những mặt sân xấu hơn, đối thủ đá rắn hơn, trọng tài bắt thiên vị hơn, nỗi đau còn lớn hơn để đổi lấy hôm nay.
Tuyển Việt Nam thành công nhờ biến khó khăn thành động lực vươn lên và đấy là điều U22 Việt Nam cần học hỏi, chứ không phải là lối đá, chiến thuật,... hay bất cứ điều gì mà đội trưởng Thanh Bình hay HLV Quốc Tuấn từng đề cập. Thách thức không phải thứ để mang ra đổ lỗi.
Lứa cầu thủ trẻ hôm nay còn nhiều thời gian sửa sai, hoàn thiện, nhưng thời gian sẽ không chừa một ai. Quy luật đào thải khắc nghiệt của bóng đá không cho phép cả thầy và trò cứ mãi đắm chìm trong thất bại. U22 Việt Nam phải nhanh chóng đứng dậy và làm lại, nếu các học trò của HLV Quốc Tuấn muốn lấy thế hệ đi trước làm tấm gương.
Còn chín tháng trước SEA Games 30 - giải đấu quan trọng nhất năm của U22 Việt Nam, và đây mới là sân chơi mà các cầu thủ trẻ có mục tiêu, tham vọng rõ ràng, thay vì cọ xát đơn thuần như giải U22 Đông Nam Á hiện tại. Khi đó, phán xét, mổ xẻ gì cũng chưa muộn!
Bình luận