Trong tuần qua, giới trẻ sôi sùng sục với câu hỏi: "Tiền đâu mà nhiều bạn trẻ uống trà sữa 50-60.000 đồng một ly?". Một câu hỏi xoáy ngay vào sở thích cá nhân của rất nhiều bạn trẻ, mà đa phần trong số đó đều chưa tới tuổi lao động, tức chưa có thu nhập cá nhân để tự nuôi sống chính bản thân, không dựa vào kinh tế gia đình.
Gạt qua một bên những tranh cãi xung quanh câu hỏi nhức nhối kia, bởi lẽ hầu như chỉ là những chê bai nhắm vào cách tiêu xài tiền nong của giới trẻ. Dường như không ai quan tâm đến điều cốt lõi rằng, tại sao chúng ta, những người lớn, không hướng dẫn, không giáo dục giới trẻ cách tiêu xài tiền?
Ly trà sữa không có tội, các bạn trẻ cũng không có tội với sở thích cá nhân. "Vẽ đường cho hươu chạy" mới chính là thứ những người lớn đang không làm đúng cách, với vô vàn những chê bai, chỉ trích, thay vì khuyên nhủ, căn dặn và giáo dục các em ngay từ sớm.
Bóng đá Việt Nam tình cảnh hiện tại hệt như ly trà sữa đắt đỏ kia. Sau thất bại tại SEA Games, mọi thứ xung quanh đội tuyển quốc gia, xung quanh cơ quan điều hành là VFF, là hàng loạt những hoài nghi, chỉ trích mà đỉnh điểm là lời kêu gọi cách chức hai vị lãnh đạo đang có quyền hành cao nhất.
Như vậy, bóng đá Việt Nam lại "ngựa quen đường cũ". Cứ sau mỗi thất bại, chúng ta đi mải mê đi tìm nguyên nhân, mải mê tranh luận và moi móc tội lỗi của nhau. Cũng như "vẽ đường cho hươu chạy" với giới trẻ bên ly trà sữa, chúng ta quên mất bóng đá Việt Nam cần phải làm gì để hướng tới thành công.
Và trái khoáy hơn cả là, U22 Việt Nam thất bại tại SEA Games 29, giải đấu mà rất nhiều cho rằng đó là giải "ao làng", thế nhưng cũng chính vài người trong số đó, đem sự thất bại này ra làm "bằng chứng" để đòi cách chức lãnh đạo VFF.
Đặt giả thiết, nếu U22 Việt Nam vô địch, thì luận điệu "ao làng ấy mà" liệu sẽ lại được đem ra để hạ thấp, phủ nhận đi cái công của nhiều lãnh đạo VFF?
Trong buổi ra mắt một cuốn sách về những mặt tối của bóng đá Việt Nam, khởi đầu, các vị đại biểu rất hào hứng với về các giải pháp để đưa bóng đá Việt Nam đi lên. Song, chỉ một thoáng sau là mọi câu chuyện lại trở về chỉ trích công khai các lãnh đạo VFF hiện tại.
Dường như văn hóa chỉ trích đã ăn vào máu nhiều người hâm mộ Việt Nam. Họ cứ mắng cho xong, cho khuây khỏa, giải tỏa đã, còn giải pháp, chiến lược cụ thể ra sao, nhân vật nào đủ sức "xoay vòng càn khôn", thì chẳng thấy ai xung phong hiến kế. Chưa kể, những thành công của bóng đá nữ, của Futsal, của một thế hệ bóng đá trẻ mới đang dần được chăm bẵm, trưởng thành, dường như tuyệt chẳng bao giờ được đoái hoài đến.
"Vẽ đường cho nhau chạy", cùng nhau xây dựng những chiến lược phát triển, mới chính là điều bóng đá Việt Nam đang cần, thay vì chỉ trích, chê bai và tìm cách hạ bệ, cách chức lẫn nhau từ ngày này qua tháng nọ, nhất là sau những thất bại.
Bình luận