Khi thành công đến, những kẻ ngây thơ (hay đúng hơn là ngây ngô) cứ muốn tắm mãi trong cảm giác hài lòng, và bị nhấn chìm bởi sự tự mãn lúc nào không hay. Được mọi người xung quanh tán dương, cái kẻ quá tự tin sẽ càng tin mình đặc biệt lắm.
U22 Việt Nam thắng 4-0 trước U22 Timor Leste trong trận ra quân - đội bóng đã chỉ để thua 0-1 trước cả U22 Indonesia và U22 Thái Lan. Theo sau đó là chiến thắng 4-0 trước Philippines. U22 Thái Lan cũng "chỉ" thắng nổi Philippines 3-0 và U22 Indonesia là 2-0.
Cái cách mà các cầu thủ áo đỏ đá trước 3 đối thủ ở 3 lượt đấu đầu tiên là chấp nhận được: đá trên chân, phối hợp tự tin, ghi được nhiều bàn thắng.
Tuy nhiên, "những chú ngựa non" dường như quá vui mừng khi được truyền thông tung hô, đến nỗi họ chẳng thể bước ra khỏi sự tự mãn đó.
Công Phượng - được tâng bốc lên tầm của Messi hay chí ít là Neymar nhưng rồi anh chỉ hay trong 3 trận đầu - trước các đối thủ tầm dưới. Còn trong trận đấu quan trong thì sao? Anh "tàng hình" trước U22 Indonesia và sút hỏng quả 11m rất đáng trách ở trận gặp Thái Lan.
Kế đến, phải nhắc về "thảm họa" Hồ Tuấn Tài. Những chỉ trích nhắm vào tiền đạo xứ Nghệ có thể khắc nghiệt với anh nhưng không phải không có cơ sở.
Tuấn Tài vô duyên trong trận đấu với U22 Indonesia, bỏ lỡ cơ hội tốt nhất ở trận gặp U22 Thái Lan. Dấu ấn chuyên môn mà tiền đạo SLNA để lại ở SEA Games là mờ nhạt so với quãng thời gian anh được ông thầy đồng hương tạo điều kiện cho vào sân thi thố tài năng.
Người thất bại tiếp theo chính là thủ môn Phí Minh Long. 3 trận đấu đầu tiên gần như chỉ khởi động. 2 trận sau, Phí Minh Long thực sự là một vấn đề. Không phải đến trận đấu cuối cùng, khả năng ra vào của Minh Long gặp vấn đề.
Trước U22 Indonesia, suýt nữa U22 Việt Nam để thua sau tình huống vuốt bóng của hậu vệ đội bạn từ khoảng cách hơn 40m. Minh Long khi đó lên hơi cao và phải vất vả với bóng.
Trong trận đấu cuối cùng trước U22 Thái Lan, có lẽ cả hai bàn thắng đầu tiên của trận đấu, ai cũng muốn trách Minh Long. Bàn thứ nhất mọi thứ thuộc về kinh nghiệm, từ tình huống bắt bóng vô duyên đến tình huống sắp xếp hàng rào kèm người không tốt.
Còn bàn thắng thứ hai, đơn giản, đó là một thảm họa. Khi cần bình tĩnh và tạo được điểm tựa vững chắc cho đồng đội tấn công, Minh Long lại lao ra như một hậu vệ và đốn ngã ... Văn Thanh - tạo điều kiện cho đội bạn nâng tỷ số lên 2-0.
Ở trung tâm hàng tiền vệ, Xuân Trường và Tuấn Anh có một giải đấu SEA Games xem được nhưng vai trò của Tuấn Anh lẫn Xuân Trường đều nằm dưới sự kỳ vọng khi U22 Việt Nam phải chú trọng phòng ngự hơn trong 2 trận đấu cuối vòng bảng.
Rõ ràng, những sự lựa chọn của HLV Hữu Thắng không mang lại những hiệu quả đáng kể, hay ít nhất là không hiệu quả như ông mong muốn. Hơn thế nữa, các quyết định của ông Thắng đều đưa ra quá muộn, tiêu biểu là việc không thay Tuấn Tài trong trận đấu với U22 Indonesia.
Video: Việt Nam 0-3 Thái Lan
Ngoài các sai lầm cá nhân, tâm lý thi đấu hay nói cách khác là bản lĩnh thi đấu của đội tuyển là một vấn đề nhức nhối. U22 Việt Nam gần như sụp đổ sau bàn thua đầu tiên và đỉnh điểm là tình huống đạp nhầm Văn Thanh của Minh Long cũng như cú sút 11m lên khán đài của Công Phượng.
U22 Việt Nam có lẽ vẫn chỉ là những chú ngựa non háu đá đang vùng vẫy trong ao làng SEA Games - tìm kiếm những vinh quang dựa vào những thành công nhỏ bé. Thế nhưng, than ôi, thành công đó đến dễ (thắng các đối thủ yếu) nhưng đi cũng dễ (hòa Indonesia, thua Thái Lan) và ao làng SEA Games vẫn quá rộng dành cho lứa U22 của bóng đá nước nhà.
Bình luận