Sau 3 năm với những cái tên quen mặt như Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng, Đức Chinh,... khán giả sẽ làm quen với lứa U22 Việt Nam hoàn toàn mới. Liệu lứa cầu thủ hôm nay có kém tài đàn anh?
Quá sớm để kết luận
Trả lời phỏng vấn trước VCK U19 châu Á cách đây 2 năm, HLV Hoàng Anh Tuấn từng chia sẻ: "Lứa cầu thủ hiện tại không bằng lứa Quang Hải". Việc so sánh giữa các thế hệ cầu thủ là bình thường trong bóng đá.
Chính lứa Quang Hải, Đình Trọng, Bùi Tiến Dũng từng bị chê bai không bằng đàn anh Công Phượng, Xuân Trường khi thua đậm U19 Thái Lan đến 0-6 ở chung kết U19 châu Á 2015. Để vượt qua tầng lớp định kiến và so sánh, tự thân cầu thủ phải có thành tích cụ thể và màn trình diễn hay trên sân.
U22 Việt Nam với những Công Phượng, Quang Hải đã in sâu vào tiềm thức độc giả trên cả hai khía cạnh: thành tích và hình ảnh trên sân. Mùa đông kỳ diệu ở Thường Châu 2018, kỳ ASIAD thành công ở Indonesia hay tấm huy chương vàng SEA Games giúp thế hệ 1995 - 1998 phủ bóng lên lứa trước và đặt tiêu chuẩn thành công cực lớn cho lứa sau.
Nhưng nói vậy không có nghĩa lứa U22 Việt Nam hiện tại kém tài đàn anh. Mọi kết luận ở thời điểm này đều quá sớm.
Xét cho cùng, lứa Công Phượng, Quang Hải hơn được thế hệ đàn em ở chỗ: Họ được CLB hào phóng tạo cơ hội thi đấu. Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh từng được bầu Đức đưa lên đá V-League ở tuổi 20.
Quẳng đi áp lực thành tích, chấp nhận lời ra tiếng vào, HAGL của lứa U19 năm nào chơi vơi ở giải VĐQG, nhưng bù lại, các cầu thủ trẻ được trui rèn trong "bão lửa" từ khi còn rất trẻ.
Quang Hải, Đức Huy, Đình Trọng,... cũng được thi đấu thường xuyên trong màu áo CLB bóng đá Hà Nội (tiền thân của Sài Gòn FC). Nhờ được ra sân ở hạng Nhất, các cầu thủ phát lộ tài năng, sau đó được lên V-League và tạo điều kiện trong cuộc trẻ hóa có chọn lọc để trở thành viên ngọc rực rỡ dù mới ở ngưỡng đôi mươi.
Nói vậy để thấy, ra sân thường xuyên là điều kiện cần để cầu thủ trẻ tỏa sáng. Nếu lứa U22 Việt Nam hôm nay cũng ra sân thường xuyên như Tuấn Anh, Quang Hải,... mà không thành công, khi ấy mới kết luận được lứa này kém tài lứa trước.
Đặt ngược giả thiết nếu Công Phượng, Xuân Trường mãi là những "đôi giày thủy tinh" nằm trong tủ kính của bầu Đức mà thiếu trải nghiệm, liệu họ có ngày hôm nay, dù được trải qua quy trình đào tạo hiện đại thế nào?
Do đó, so sánh chất lượng các lứa cầu thủ cần có một hệ quy chiếu công bằng. Bóng đá Việt cũng có nhiều trường hợp trầm lặng ở thời trẻ, nhưng lại bùng nổ mạnh mẽ ở giữa hoặc cuối sự nghiệp, điển hình như Hùng Dũng hay Văn Lâm. Quan trọng là cầu thủ trẻ phải được tạo điều kiện tối đa.
Nhiều nhân tố thú vị
Khi những cầu thủ U22 Việt Nam hôm nay được thi đấu, họ có thể tạo được bất ngờ. Hai Long là ví dụ. Có nhiều đất diễn sau khi đội trưởng Hải Huy chấn thương, Hai Long đang chơi cực kỳ ấn tượng. Kỹ thuật và khả năng biến hóa dù chơi ở trung lộ hay biên của Hai Long giúp HLV Phạm Thanh Hùng có nhiều lựa chọn hơn.
Việc Hồng Quân, Xuân Tú hay Diego Fagan sang CLB Hải Phòng càng giúp Hai Long có nhiều dư địa phát triển. Nếu không vì chấn thương của Hải Huy hay sự mạnh dạn của HLV Thanh Hùng, liệu Hai Long có thể bước ra ánh sáng?
Quang Nho là minh chứng khác. Hậu vệ của HAGL bất ngờ được đá chính khi tiền vệ phòng ngự Kelly Kester chấn thương. BHL HAGL phát hiện khả năng đọc trận đấu và đeo bám khó chịu của Quang Nho, nên thử xếp cầu thủ này đá tiền vệ phòng ngự. Kết quả mỹ mãn khi Quang Nho đá tròn vai, giúp HAGL trải qua mạch bất bại ấn tượng.
Việt Anh, Văn Tới đá chính khi các đàn anh như Duy Mạnh, Đình Trọng chấn thương. Sau vài trận va vấp, Việt Anh chơi ngày càng chững chạc. Văn Xuân cũng thể hiện được tiềm năng ở cánh phải khi thế chỗ Văn Kiên.
Rất nhiều cầu thủ sẽ phát lộ nếu được chăm bẵm. Tuy nhiên, chuyện của Hai Long, Quang Nho chỉ là những trường hợp hiếm, được đá chính để thay thế đàn anh chấn thương. Việc sử dụng cầu thủ trẻ như vậy chỉ mang tính thời vụ.
Hồng Lĩnh Hà Tĩnh mới ra mắt V-League đã để lại ấn tượng tốt với màn chào sân của nhiều tài năng như Văn Công, Hoàng Anh, Văn Vỹ, Văn Nam, nhưng không phải đội nào cũng "mài trẻ" kiểu Hà Tĩnh.
Tài năng trẻ cần có lộ trình bài bản để phát triển, như mỗi mùa ra sân bao nhiêu trận, cần bao nhiêu mùa để chen chân vào đội một. Nếu các CLB dùng tài năng trẻ với sự mạnh dạn và bài bản như HAGL, Viettel, Hà Nội FC hay Hà Tĩnh, U22 Việt Nam hôm nay còn lợi hại và bản lĩnh hơn nữa.
Các tài năng trẻ cũng cần tự tin. Trong quá khứ, nhiều cầu thủ đang đá hạng Nhất từng lên thẳng U23 hay ĐTQG và có sự nghiệp rực rỡ như Huy Hùng (CLB Quảng Nam) hay Tiến Dũng (Viettel).
HLV Park Hang Seo gọi những cầu thủ đá hạng Nhất, hạng Nhì, tức là ông không muốn bỏ sót ai. Tấm lưới rộng cùng sự chờ đợi của HLV Park sẽ là động lực cho cầu thủ trẻ trên chặng đường phía trước.
Bình luận