1. "Tôi sai, đã có các bạn sửa", Bùi Tiến Dũng viết thông điệp trên trang cá nhân. Thủ môn sinh năm 1997 phạm sai lầm với pha đẩy bóng lỗi, tạo điều kiện cho đối thủ ghi bàn. Nhưng... không sao cả. U22 Việt Nam ghi 2 bàn, vẫn lấy trọn 3 điểm trước U22 Indonesia.
Nếu Tiến Dũng mắc sai lầm tương tự ở các kỳ SEA Games trước, có thể anh không còn cơ hội nói câu này. U22 Việt Nam (hay U23 Việt Nam) trong quá khứ thường "chết" vì sai lầm cá nhân, từ thủ môn, hậu vệ, tiền vệ đến tiền đạo. Mỗi khi mắc sai lầm, các thế hệ cầu thủ trước đây thường không đứng dậy nổi.
U22 Việt Nam bị loại khỏi SEA Games 2017 bởi pha ra vào bất cẩn của Minh Long. Năm 2015, cánh tay vô duyên của Ngọc Thắng khiến U23 Việt Nam thua tức tưởi U23 Myanmar. Tối qua, Tiến Dũng cũng sai lầm. Song, khác với thế hệ đàn anh, đồng đội Dũng không để sai lầm ấy thành thảm hoạ.
2. Một lần nữa, HLV Park Hang Seo nói về "tinh thần Việt Nam" để nói về chiến thắng. Dưới thời Park, tinh thần chiến đấu xả thân, sự đoàn kết và trách nhiệm tập thể là những yếu tố được đề cao hơn cả.
Các cấp độ đội tuyển của HLV người Hàn Quốc đều chơi với sự điềm tĩnh và quyết tâm, hay nói như Hoàng Đức thì cảm giác sau bàn thua là rất... bình thường. Để tôi luyện cái "bình thường" ấy, các cầu thủ từng trải qua rất nhiều cái bất bình thường khác.
Tuy nhiên, không phải cứ đá "nhiệt" là thắng được. HLV Park Hang Seo có màn ngược dòng đầu tiên trong sự nghiệp trước các đối thủ Đông Nam Á bởi ông có được niềm tin nơi học trò. Các cầu thủ tin rằng chỉ cần đá đúng chỉ đạo, U22 Việt Nam sẽ thắng.
Khi hiệp 1 còn 2 phút bù giờ, HLV Park Hang Seo đứng sát đường biên, rút ra tờ giấy, đứng trao đổi vào giây với trợ lý. Ông gọi Hà Đức Chinh - một trong số các cầu thủ đang khởi động, ra dặn dò, chỉ bảo. Đầu hiệp 2, Đức Chinh vào sân. Thế trận đảo chiều và U22 Việt Nam chiến thắng.
Cả hai tình huống ghi bàn của đội bóng áo đỏ đều không mang dấu ấn cá nhân. Pha bật cao đánh đầu của Thành Chung là pha bóng HLV Park Hang Seo tập cho học trò rất kỹ. U22 Việt Nam tập nhuần nhuyễn các tình huống cố định để tạo lợi thế, bởi trên mặt sân nhân tạo, rất khó đưa ra những pha phối hợp bóng sệt chuẩn xác.
Cú sút chéo góc thành bàn của Hoàng Đức cũng là sản phẩm của pha tấn công được lên kế hoạch cẩn thận. Đức Chinh, Tiến Linh có mặt thường trực để "ghim" trung vệ đối phương lùi sâu. Bộ đôi cầu thủ chạy cánh áp sát vòng cấm phân tán quân số Indonesia. Khoảng trống ở giữa mở ra, việc của Hoàng Đức là sút bóng. Cầu thủ của Viettel nói rằng đã được tập nhiều tình huống trên sân. Ở đây, Hoàng Đức đơn giản là làm đúng nhiệm vụ.
3. Cũng giống chiến thắng trước U23 Indonesia ở vòng loại U23 châu Á 8 tháng trước, chiến thắng tối qua kịch tính bởi bàn thắng ở ghi phút cuối cùng. Song, khác với pha đánh đầu của Việt Hưng khi U23 Việt Nam "bí bài" ở Mỹ Đình, trận tối qua, U22 Việt Nam thắng đối thủ không nhờ yếu tố đột biến, phi chiến thuật nào.
Nhìn cách U22 Việt Nam dồn ép U22 Indonesia nghẹt thở, có cảm giác trước sau bàn thắng cũng đến. Đỉnh cao của sức mạnh tập thể là như thế.
Bởi, dù có một vài mắt xích gặp vấn đề, U22 Việt Nam vẫn được vận hành bài bản. Sự bài bản ấy hầu như không xuất hiện từ năm 2017 trở về trước, mỗi khi tuyển Việt Nam bị dẫn bàn.
Đó là sự khác biệt của đội tuyển mà chưa bao giờ hy vọng giành vàng SEA Games sáng rõ đến thế.
Bình luận