Khi Kiatisak nhún mình...
Năm 2013, Kiatisak tiếp quản ghế nóng ở đội tuyển U23 Thái Lan trong bối cảnh bóng đá xứ chùa Vàng đang rất khát huy chương vàng, sau nhiều giải đấu thất bát trong khu vực.
Ở thời điểm đó, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) gần như đồng ý mọi đề xuất của Kiatisak, từ chuyện lấy quân, chọn ban huấn luyện đến cả việc thuê... trợ lý, chuyên gia nước ngoài.
Có nghĩa, Zico Thái có đủ quyền hành để vực dậy bóng đá xứ chùa Vàng, bắt đầu bằng hành trình chinh phục SEA Games 27 ở Myanmar.
Nắm "thượng phương bảo kiếm" và có sự hậu thuẫn tuyệt đối từ cấp quản lý cao nhất, thế nhưng cái cách "Sắc" chọn quân khiến nhiều người choáng: Đi năn nỉ, gõ cửa từng đội bóng ở Thai-League nhả người cho U23 Thái Lan tập luyện.
Đó là chuyện khó tin, nhưng lại có thật khi mà thuyền trưởng của U23 Thái lúc ấy hiểu rằng: Không thể lấy quân, tập trung dài hạn trong bối cảnh không phải FAT trả lương cho cầu thủ thay cho câu lạc bộ (CLB).
Zico Thái đã buộc phải chấp nhận các điều kiện từ CLB đưa ra để có quân cho U23 Thái Lan rèn giũa: Mỗi tháng, CLB nhả người cho Kiatisak dùng trong... 3 ngày tập luyện, đá giao hữu ghép đội sau đó phải trả người về CLB chơi Thai-League.
Giải pháp toàn mỹ ấy cho đến lúc này của Zico Thái vẫn nhận được sự ủng hộ của các đội bóng trong nước, và quan trọng hơn các CLB không cảm thấy bị thiệt thòi, đặc biệt là sự tôn trọng từ phía FAT, Kiatisak trong vấn đề quyền lợi của đội tuyển - CLB.
... ông Tuấn "con" ngồi mâm trên
Phải khẳng định rằng, quyền lợi của đội tuyển - bộ mặt của quốc gia vẫn là cao nhất. Và khi các đội bóng ở V-League phản ứng quyết liệt, mãi mới nhả quân cho U20 Việt Nam thì đấy là điều phải suy nghĩ thấu đáo.
Cái cách mà thuyền trưởng của U20 Việt Nam làm đã khiến nhiều đội bóng ở V-League cảm thấy mình chẳng là gì, và không được tôn trọng cho lắm như đã thấy.
HLV Hoàng Anh Tuấn là người trong nghề, từ cầu thủ đến HLV rõ ràng phải hiểu các tuyển thủ mình có, phục vụ cho đội tuyển không phải do VFF đào tạo, trả lương.
Thế nhưng, rốt cuộc thuyền trưởng của U20 Việt Nam vẫn "dọa" cho các tuyển thủ nghỉ U20 World Cup nếu không lên tập trung đúng hạn đang khiến nhiều đội cảm thấy bị xúc phạm.
Đây là sự thật, bởi thực tế để cho ra lò những Quang Hải, Đức Chinh..., VFF hay ông Tuấn "con" chưa tốn một xu. Các CLB tốn rất nhiều tiền, nhưng quan trọng hơn là cả tâm-trí lực vào đấy để giờ những cái tên này đang đóng vai trò quan trọng thế nào ở CLB khi những cầu thủ này trưởng thành. Vì vậy, đương nhiên các CLB không cam chịu chuyện "bị" một ông nào đấy giật dây.
Các đội bóng sẵn sàng vì Quốc gia để nhả quân, hy sinh nhiều thứ để đội tuyển tốt nhất. Cứ nhìn CLB Hà Nội hay HAGL từng có lúc chuẩn bị cho V-League còn không có đủ HLV, lẫn cầu thủ vì hầu hết đã...lên tuyển tập trung đôi, ba tháng.
CLB sẵn sàng hy sinh, nhưng rõ ràng họ không chấp nhận chuyện bị coi thường, không tôn trọng như cách mà HLV Hoàng Anh Tuấn vừa làm. Bởi, sòng phẳng mà nói, CLB mới là nơi mà các cầu thủ cần hơn, khi đây trả lương, đào tạo và nuôi gia đình họ chứ không phải ai khác.
Chưa kể không ít trường hợp quân lên U20 Việt Nam trở về, sau đó CLB ngậm đắng nuốt cay đi... dưỡng thương, giống như trường hợp Trọng Đại (Viettel), Huỳnh Tấn Sinh (Quảng Nam) nếm trải.
Nhìn cách hành xử của người Thái, của Kiatisak để hiểu rằng chẳng phải vô cớ họ vẫn đang thống trị khu vực và vươn tầm châu lục. Bởi đơn giản, giữa 2 nền bóng đá và đẳng cấp 2 ông thầy, hơn nhau là ở cái đầu và cách ứng xử.
Video: Hành trình đến U20 World Cup của U20 Việt Nam.
Bình luận