Trong tiểu thuyết võ hiệp của mình, Kim Dung chia võ công ra làm hai đường chính. Một là loại nặng về chiêu số, những người có nội lực bình thường cũng có thể học được. Và hai chỉ dành cho những cao thủ siêu cấp, có hàng chục năm công lực tu luyện.
“Độc cô cửu kiếm” có thể coi là môn võ tiêu biểu cho trường hợp đầu tiên. Một Lệnh Hồ Xung “nhỏ nhoi”, sau khi hiểu hết chỗ biến hóa của chín đường kiếm chỉ có công không có thủ, cũng đủ sức vang danh thiên hạ, rồi trở thành cao thủ đệ nhất trong “Tiếu ngạo giang hồ”.
Ở góc độ nào đó, loại võ công thiên về chiêu số này rất giống U19 Việt Nam thời Công Phượng. Những báu vật của bầu Đức từng khiến hàng triệu người hâm mộ thổn thức vì lối đá thêu hoa dệt gấm, ban bật chẳng khác gì Arsenal “xịn” ở nước Anh xa xôi. Tuy nhiên vì nội lực, ở đây là có thể hiểu là thể hình, thể lực, chưa đủ mà thầy Giôm cùng các học trò thua liểng xiểng trước những đối thủ công lực thâm hậu như U19 Hàn Quốc.
Nội lực chính là nhánh rẽ thứ hai của các môn võ công trong tiểu thuyết Kim Dung. Những ai muốn hấp thụ được “Hàng long thập bát chưởng”, “Càn khôn đại na di” hay “Quỳ hoa bảo điển” đều phải có căn cơ vững vàng nếu như không muốn bị tẩu hỏa nhập ma.
Loại võ công này hoàn toàn tương đồng với những gì mà thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đang thể hiện tại vòng chung kết U19 châu Á. Không màu mè, cầu kỳ nhưng hễ Minh Di, Trần Thành, Trọng Đại ra đòn, đối thủ chắc chắn sẽ kinh hồn bạt vía.
Sở dĩ nhà cầm quân họ Hoàng có thể triển khai được võ công này là bởi ông đang sở hữu một tập thể giàu sức mạnh. Chính chuyên gia thể lực người Đức, Martin Forke, cũng phải khẳng định, quân ông Tuấn còn khỏe hơn cả lứa đàn anh ở ĐTQG.
Mỗi bộ võ công của Kim Dung lại có sức mạnh khác nhau và nhà văn này không nói rõ, cái nào hơn cái nào. Nhưng chỉ cần nhìn số lượng áp đảo của các bộ võ công thiên về nội lực, người đọc đã tự có câu trả lời.
Bình luận