(VTC News) - HLV Graechen đã liên tục xin lỗi sau những thất bại của U19 Việt Nam, nhưng giá mà ông có thể thay những lời xin lỗi ấy, có lẽ sẽ hay hơn.
1. Những tay vợt nữ của làng banh nỉ thế giới thường truyền tai nhau một câu chuyện rằng, họ rất sợ phải đánh với Maria Sharapova. Nỗi sợ ấy không hoàn toàn nằm ở việc tay vợt người Nga có chuyên môn tốt, mà nằm ở việc cô gái xứ bạch dương hay hét quá.
Mỗi khi giao bóng hoặc tung ra những cú smash thuận tay từ cuối sân, Masha thường hét rất to. Cứ như thể nếu cô không hét thì không tài nào đánh trúng quả bóng vậy. Dần dà điều ấy thành thói quen, và cứ trận đấu nào có tay vợt xinh đẹp này là khán giả trên sân và đối thủ lại phải chịu đựng những tiếng ồn ào này.
Sau này, một số tay vợt nữ phải thú nhận rằng họ bị ngợp trước tiếng hét của Sharapova. Nếu sức khỏe không tốt và thần kinh không ổn định, sẽ rất khó để họ tập trung 100% tinh thần.
HLV Graechen đứng bất động trong suốt trận thua trước U19 Nhật Bản |
2. Chuyện la hét trên sân thi đấu không chỉ có ở làng tennis. Rất nhiều cầu thủ và cả HLV rất hay có thói quen mở “volume” khi vào sân. Rất nhiều lần máy quay đã bắt được cảnh Wayne Rooney, Patrick Vieira, Roy Keane, John Terry... quát nạt đồng đội.
Những tiếng la hét, quát nạt, đi kèm với những pha bóng quyết liệt, thậm chí là dữ dằn trên sân cỏ luôn khiến đồng đội cảm thấy hưng phấn và tập trung hơn. Bạn thử tưởng tượng, mình đang lái xe trong trạng thái buồn ngủ, mà không có cách gì để tạm dừng việc lái xe lại, lựa chọn của đa số mọi người sẽ là nghe nhạc thật to để chống lại việc hai mí mắt dính vào nhau.
Một tính cách mạnh, luôn là thứ mà các HLV đi tìm ở các học trò. Nó sẽ giúp cho các cầu thủ không cảm thấy hoang mang khi đội bóng bị ép sân. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Sir Alex Ferguson thời còn tại vị chẳng ngán hoa môi múa mép trước Arsene Wenger mỗi khi Man Utd và Arsenal chạm trán nhau. Không những vậy, ông già gân còn chỉ đạo cả những “tay chân” nổi tiếng nóng đầu như Roy Keane trấn áp đối thủ về tinh thần để có lợi thế tâm lý khi thi đấu.
3. Những kẻ, tạm gọi là ngỗ ngược như vậy, hóa ra lại có rất nhiều đất để dụng võ ở những tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, giống như chuyện U19 Việt Nam bị thủng lưới tới 2 bàn chỉ trong vòng có 5 phút đầu trận gặp U19 Nhật Bản.
Đáng tiếc là trong đám học trò của HLV Guillaume Graechen chẳng có một ai như vậy. Suốt 90 phút thi đấu ngày hôm đấy, dù lưới của thủ thành Văn Trường lần lượt rung lên tới lần thứ 3, thứ 4, nhưng chẳng có một tiếng la hét, quát mắng gì từ U19 Việt Nam.
Đội trưởng Xuân Trường, người chơi ở một điểm nóng là khu vực giữa sân bị thay ra sớm vì lý do sức khỏe. Ngoài đường pitch, HLV Graechen đứng im gần như bất động, nhìn cảnh học trò bị “tra tấn” mà gần như chẳng có một cú hích nào về tâm lý, giúp các tuyển thủ U19 bừng tỉnh và chơi tập trung hơn.
Nó rất khác với những gì ông thầy người Pháp thể hiện trước U19 Tottenham tối qua. Thầy Giôm ra sát đường pitch, chỉ trỏ, la hét và liên tục yêu cầu các học trò đứng đúng vị trí trên sân.
Ngọn lửa của vị tướng trẻ cuối cùng cũng được Công Phượng và các đồng đội lĩnh ngộ. U19 Việt Nam không còn bị cuốn theo lối đá nhanh, bật tường ngắn như 2 trận trước. Chúng ta giữ được cự ly đội hình hợp lý, bình tĩnh triển khai bóng tấn công ngay cả khi bị dẫn trước và dồn ép trong 10 phút cuối hiệp 1.
Kết quả trên sân thì ai cũng thấy. U19 Việt Nam bùng nổ trong vòng 2 phút 59 và 60, ghi liền 2 bàn, và dẫn ngược lại U19 Tottenham.
Hàng vạn khán giả trên sân Thống Nhất và hàng triệu người hâm mộ theo dõi qua truyền hình vỡ òa sung sướng vì chất lửa mà các tuyển thủ U19 mang lại. Và lúc ấy, người ta chỉ ước: Giá mà thầy Giôm thay lời xin lỗi sau mỗi buổi họp báo bằng những tiếng la hét trên sân thì tốt biết bao.
Phan Nguyên
Bình luận